Phát triển kinh tế tập thể: Động lực từ các chính sách hỗ trợ
(LSO) – Những chính sách hỗ trợ của nhà nước đã góp phần quan trọng tạo động lực giúp nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển.
Được thành lập từ năm 2011, HTX Cường Thịnh, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tuy nhiên, thời điểm đầu, cách làm của HTX rất đơn giản, đó là thả cá ra hồ tự nhiên rồi khai thác. Hồ rộng nên việc chăm sóc, khai thác rất khó. Phương án sản xuất không rõ ràng, chủ yếu mang tính tự phát nên hiệu quả kinh tế thấp.
Trước hạn chế đó, bên cạnh việc chủ động tìm tòi, học hỏi, HTX đã được tiếp cận lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX về lập phương án sản xuất kinh doanh do Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức. Từ đây, HTX từng bước đặt những “viên gạch ý tưởng” đầu tiên cho mô hình chăn nuôi cá lồng. Có được phương án cụ thể, năm 2018, HTX bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi cá lồng. Tuy nhiên, việc đầu tư mô hình này lại đòi hỏi nguồn lực lớn. Đúng lúc khó khăn, HTX đã vay được tiền từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh. Từ đó, mô hình từng bước phát triển, đến nay, HTX có 11 lồng cá, trừ chi phí, mỗi lồng cá cho lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng cam Canh của HTX cây ăn quả xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn đem lại thu nhập cao cho thành viên
Chưa có được kết quả ngay như HTX Cường Thịnh, tuy nhiên, mô hình trồng quế của HTX trồng quế xã Cao Minh, huyện Tràng Định lại mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho nhiều hộ dân trong xã. Ông Hồ Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Quế là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên diện tích cây quế những năm trước trên địa bàn phát triển khá chậm.
Từ khi có HTX trồng quế (tiền thân là các tổ hợp tác trồng quế) trên địa bàn ra đời, các hộ thành viên được tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Không những vậy, giai đoạn 2016 – 2018, nhà nước đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để phát triển cây quế. Qua đó, HTX cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã đã trồng được thêm khoảng 250 ha quế. Năm 2019, mặc dù không có hỗ trợ nhưng nhân dân cũng đã chủ động trồng thêm 35 ha. Với diện tích như vậy, chỉ một vài năm nữa, cây quế sẽ đem lại nguồn thu lớn, ổn định cho HTX cũng như nhiều hộ dân nơi đây.
Trồng mới cây quế ở xã Cao Minh, huyện Tràng Định
Cùng với các trường hợp kể trên, trong những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ HTX đã đến với các HTX. Qua đó, giúp nhiều HTX vượt khó vươn lên. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Các chính sách hỗ trợ được triển khai chủ yếu trên địa bàn tỉnh như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ vốn vay ưu đãi; hỗ trợ xúc tiến thương mại…
Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2019, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được gần 100 lớp tuyên truyền, tập huấn (về Luật HTX; lập phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; các chính sách thuế, lệ phí…) với gần 7.500 lượt người tham dự; hỗ trợ 30 lượt HTX vay vốn với số tiền 6,5 tỉ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX; trung bình mỗi năm hỗ trợ 10 – 15 HTX tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ… Bên cạnh đó, nhiều chính sách ưu đãi khác được tỉnh triển khai hỗ trợ các HTX như: đưa tri thức trẻ về làm việc tại 10 HTX trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các HTX tiếp cận các dự án hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam; tiếp cận vay vốn ở các ngân hàng thương mại…
Những hỗ trợ thiết thực như vậy đã góp phần quan trọng giúp thành lập mới nhiều HTX, đồng thời, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể: năm 2019, trên địa bàn tỉnh thành lập mới hơn 40 HTX; doanh thu bình quân đạt 950 triệu đồng/HTX, cao hơn năm 2018 là 50 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân người lao động trong HTX năm 2019 đạt từ 3 đến 5 triệu đồng/người/ tháng.
TÂN AN
Ý kiến ()