Phát triển kinh tế tập thể: Còn nhiều khó khăn
LSO-Theo số liệu của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 300 hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động.
LSO-Theo số liệu của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 300 hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, thông qua công tác kiểm tra, rà soát từ đầu tháng 9/2013 đến nay, số HTX đang hoạt động chỉ còn 76 HTX, chiếm 24%. Con số đó đã phần nào nói lên được thực trạng khó khăn của kinh tế HTX nói riêng cũng như kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh nói chung.
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại HTX Hữu Nghị |
Phát triển KTTT dựa trên hai thành phần là kinh tế HTX và tổ hợp tác. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng trực tiếp kiểm tra, rà soát tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, những con số đưa ra khiến cho không ít người giật mình và lo lắng cho KTTT. Theo báo cáo mới nhất, toàn tỉnh có 4.380 tổ hợp tác nhưng trên thực tế kiểm tra, số lượng tổ hợp tác hoạt động đúng luật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các tổ hợp tác hoạt động thiếu tính ổn định, bền vững nên rất khó kiểm soát cũng như tạo ra giá trị kinh tế từ mô hình này. Còn đối với kinh tế HTX, thành phần chủ đạo của KTTT lại có những bước thụt lùi khá sâu. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh có hơn 200 HTX hoạt động thì hiện nay, con số này chỉ còn được hơn 1/3. KTTT muốn phát triển ổn định bên cạnh việc nâng cao chất lượng thì việc tăng số lượng HTX cũng rất cần thiết, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh, số HTX hoạt động thực chất ngày càng có xu hướng giảm. Vậy đâu là những khó khăn lớn nhất của HTX và đâu là lời giải cho những khó khăn đó? Có thể nói, khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX vẫn là vốn. Là một trường hợp điển hình cho việc tạm ngừng hoạt động hàng loạt của các HTX, HTX giống cây trồng vật nuôi Tân Mỹ, huyện Văn Lãng đang phải gồng mình để duy trì hoạt động. Ông Ngô Quý Pảo, Chủ nhiệm HTX cho biết: khó khăn về vốn đã khiến cho HTX đang phải đứng trước nguy cơ giải thể rất cao. Với đặc thù chung của các HTX nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh như chưa có trụ sở giao dịch, giá trị tài sản thế chấp thấp cũng như không có được phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng…càng khiến cho việc tiếp cận vốn ngân hàng khó hơn. Không có vốn mở rộng sản xuất, sản phẩm của HTX không đủ sức cạnh tranh khiến thị trường tiêu thụ ngày càng co hẹp lại. Bên cạnh khó khăn về vốn, các HTX trên địa bàn tỉnh còn phải đối diện với những khó khăn khác như trình độ kỹ thuật của xã viên, trình độ quản lý của ban quản trị. Phần lớn ban quản trị các HTX đều có trình độ trung học phổ thông hoặc thấp hơn, số lượng chủ nhiệm HTX có trình độ cao đẳng, đại học rất ít. Năng lực hạn chế đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin thị trường, khó áp dụng những bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như không xây dựng phương án kinh cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nhiều HTX vẫn chưa chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước nhằm phát triển KTTT…
Khó khăn của các HTX là vậy nhưng để tìm lời giải cho KTTT của tỉnh cũng không dễ dàng chút nào. Ông Vy Kim Truyền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: cứ 1 HTX được thành lập mới mà có đến 4-5 HTX ngừng hoạt động như hiện nay thì KTTT của tỉnh càng ngày càng khó khăn, khó tìm ra lối đi trong vòng luẩn quẩn như hiện nay. Từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền về Luật HTX, các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển HTX được trên 10 cuộc với 300 người tham gia. Ngoài ra, thông qua gần 20 lớp tập huấn cho các sáng lập viên ở tất cả các huyện, thành phố. Thông qua những lớp tập huấn tạo điều kiện để thành lập các HTX mới. Có lẽ để duy trì và phát triển được KTTT trên địa bàn tỉnh, trước hết bản thân các HTX cần phát huy tối đa nội lực, bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách của nhà nước đối với sự phát triển KTTT cần cụ thể và phù hợp với thực tiễn vùng miền. Có như vậy, KTTT của tỉnh mới có thể duy trì hoạt động một cách ổn định và từng bước nâng cao hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()