Phát triển kinh tế tập thể: Chuyển biến ở Lộc Bình
(LSO) – Thời gian qua, chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Lộc Bình đã có những chuyển biến đáng kể, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế tập thể chung của huyện.
Nhắc đến lĩnh vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX ở Lộc Bình phải kể đến HTX Tiến Đạt. Được thành lập năm 2002, HTX Tiến Đạt hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, thu gom vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn huyện Lộc Bình. Bà Lưu Thúy Hằng, Giám đốc HTX cho biết: Khi mới thành lập, HTX chỉ có 11 thành viên và người lao động với vốn điều lệ là 250 triệu đồng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX cũng như đáp ứng tốt nhiệm vụ công việc, những năm gần đây, HTX đã nỗ lực phát huy nội lực, đầu tư trang thiết bị, mở rộng địa bàn hoạt động tạo thêm việc làm cho người lao động. Đến nay, tổng số thành viên và người lao động của HTX tăng lên 65 người, vốn điều lệ tăng 15 tỷ đồng. HTX đã đầu tư mua 6 ô tô tải chuyên dùng, 100 xe gom, 7 xe điện và gần 2.000 thùng rác các loại. Năm 2018, khối lượng rác HTX thu gom và xử lý trên 10.000 tấn, doanh thu đạt trên 9,2 tỷ đồng, nộp ngân sách 480 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Chăm sóc chanh leo ở HTX Nông nghiệp Phai Sen, xã Tú Đoạn (Lộc Bình)
Nếu như các HTX phi nông nghiệp phát triển ổn định từ nhiều năm trước, thì những năm gần đây, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã năng động vượt khó, vươn lên. Ví dụ như HTX Thủy Bình, xã Đồng Bục. Trước đây, ngành nghề hoạt động chủ yếu của HTX liên quan lĩnh vực thủy lợi thì 1 năm trở lại đây, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình trồng cây lâm nghiệp với diện tích 886 ha; liên kết trồng cây dược liệu với số lượng khoảng 40.000 cây và dự kiến khoảng 8 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
Tương tự như vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX Nông nghiệp xã Xuân Mãn đã liên kết với một HTX khác để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất. Ông Hứa Văn Dũng, Giám đốc HTX cho biết: HTX Nông nghiệp Xuân Mãn có 15 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ yếu như: lúa, khoai tây, ớt. HTX có nhân công, có đất nên để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX đã hợp đồng liên kết với một HTX khác để cung ứng con giống cũng như tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, các hộ thành viên trong HTX yên tâm tập trung vào phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với các trường hợp nêu trên, một số HTX khác trên địa bàn huyện Lộc Bình cũng đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên trong phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 11 HTX với tổng số vốn đăng ký gần 70 tỷ đồng, trong đó có 7 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy lợi và 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Năm 2018, tổng doanh thu bình quân mỗi HTX là gần 2,3 tỷ đồng/HTX/năm; tổng số thành viên trong các HTX lên 505 người; số lao động thường xuyên trong các HTX là 537 người; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt từ 3 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả cụ thể, tuy nhiên lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Lộc Bình vẫn còn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cửa khẩu, đồi rừng của mình. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn, bên cạnh sự nỗ lực, năng động, nhạy bén của các HTX, huyện cũng có giải pháp để hỗ trợ, vận động thành lập mới các HTX. Ông Vi Văn Thức, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Lộc Bình cho biết: Hằng năm, các phòng, ban chuyên môn phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các thành viên HTX, sáng lập viên để nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn quy trình thành lập, tạo điều kiện tham gia các mô hình, dự án phát triển sản xuất đối với các HTX nông nghiệp.
Hy vọng rằng với sự chủ động của các HTX, sự vào cuộc của cơ quan liên quan, lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Lộc Bình tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét hơn nữa. Qua đó góp phần vào sự phát triển chung của huyện.
TÂN AN
Ý kiến ()