Phát triển kinh tế tập thể: Cần nâng cao vai trò của tổ hợp tác
LSO-Theo số liệu của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 4.380 tổ hợp tác (THT) hoạt động, tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động.
LSO-Theo số liệu của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 4.380 tổ hợp tác (THT) hoạt động, tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động. Tuy nhiên, phần lớn các THT này lại hoạt động chưa đúng quy định của Nhà nước khiến cho hiệu quả kinh tế từ lĩnh vực này đem lại còn rất hạn chế.
![]() |
Mô hình nuôi lợn thịt ở xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng |
Là một trong những loại hình kinh tế linh hoạt và phù hợp với trình độ sản xuất của kinh tế hộ ở khu vực nông thôn một tỉnh miền núi như Lạng Sơn. Thế nhưng trong những năm qua, hiệu quả kinh tế mà các THT đem lại vẫn chưa đúng nghĩa với kinh tế hợp tác. Mặc dù số lượng THT đang hoạt động nhiều như vậy nhưng phần lớn các THT hoạt động chưa đúng luật cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn về kinh tế tập thể nói chung và THT nói riêng. Theo quy định, việc thành lập THT do 3 cá nhân trở lên cùng có mục đích sản xuất kinh doanh tập hợp lại với nhau. Trên thực tế, nhiều THT ở tỉnh có đến vài chục tổ viên, tuy nhiên các THT này hoạt động thiếu ổn định, đặc biệt là chưa có dấu chứng thực của chính quyền địa phương. Điều 6, chương I, Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác quy định các THT cần có chứng thực của UBND cấp xã đối với các hợp đồng hợp tác. Quy định này không những giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được thông tin cụ thể của các THT mà còn giúp các THT có tư cách pháp nhân để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hợp pháp. Tuy nhiên trên thực tế, các THT thành lập hoặc thành lập hầu hết chưa thực hiện theo thủ tục này. Toàn tỉnh hiện mới chỉ có 80 THT có chứng thực của UBND cấp xã, chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các THT chưa đăng ký. Các THT này hoạt động tương đối ổn định với một ngành hàng sản xuất kinh doanh cụ thể, được thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể.
Ông Hoàng Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: các THT phần lớn ở các hộ nông dân, chủ yếu hoạt động một cách tự phát, không có chứng thực của chính quyền địa phương, khi gia đình của một tổ viên nào có việc thì các tổ viên khác trong tổ cùng nhau tập trung vào làm, nhất là vào các dịp mùa vụ như thu hoạch nông sản, cấy hái… Khi nào xong việc hoặc hết mùa vụ, THT tự giải thể mà không cần phải thông qua bất cứ một cơ quan chức năng nào. Như vậy chỉ có thể coi đây là một “nhóm sản xuất tự phát” chứ chưa thể coi là một THT hoạt động đúng luật, thậm chí một nhóm người cùng tham gia lao động sản xuất còn chưa biết đến định nghĩa của THT. Cách thức hoạt động như vậy tiện cho người dân tham gia vào THT, nhưng cũng chính điều đó đã làm giảm sút hiệu quả kinh tế mà THT đem lại. Không có chứng thực của cơ quan chức năng, đương nhiên các THT không đủ điền kiện tham gia ký kết các hợp đồng kinh tế quy mô lớn hơn mà chỉ dừng lại ở kinh tế cá thể, hộ gia đình. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách của Nhà nước dành cho THT như hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực điều hành…cũng không thể đến được nếu các THT không hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước.
Là một loại hình kinh tế phù hợp thực tiễn, có nhiều điều kiện để phát triển nhưng dường như định nghĩa đúng về THT thì phần đông người dân còn chưa nắm rõ. Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp cho THT, ông Hoàng Văn Sóng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: để THT thực sự phát huy hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân về quyền lợi, nghĩa vụ và hiệu quả kinh tế khi tham gia THT. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về kinh tế THT cho phù hợp với tình hình thực tiễn thông qua một số nội dung trong Bộ luật Dân sự 2005, Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 04/2008/TT-BKH của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về xây dựng và hoạt động của THT. Từ đó giúp người dân có những nhìn nhận đúng đắn về THT trong tình hình mới, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của THT. Xây dựng được những THT phát triển ổn định, bền vững còn là tiền đề quan trọng cho việc hình thành lên các hợp tác xã mà tiền thân chính là các THT. Có như vậy, kinh tế hợp tác của tỉnh mới có thêm nhiều cơ hội phát triển, từng bước vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
ĐÌNH QUYẾT

Ý kiến ()