Phát triển kinh tế rừng: Nghịch lý ở Văn Lãng
LSO-Với phần đa diện tích là đồi núi, Văn Lãng luôn xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những hướng đi chủ lực của huyện.
LSO-Với phần đa diện tích là đồi núi, Văn Lãng luôn xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những hướng đi chủ lực của huyện. Thế nhưng trong vòng 3 năm trở lại đây, địa phương đều không hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng. Phát triển kinh tế rừng mà lại “đội sổ” trong công tác trồng rừng, đây là nghịch lý đang tồn tại ở huyện vùng biên này.
![]() |
Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng |
Cỡ khoảng mười năm trước đây, với tiềm năng, thế mạnh về đồi rừng, Văn Lãng vẫn được coi là một trong những địa phương có phong trào trồng rừng phát triển khá mạnh mẽ. Những dự án trồng rừng Việt – Đức, dự án trồng rừng 661…mang lại cho địa phương diện mạo mới với rất nhiều những hy vọng về sự phát triển đột phá từ kinh tế rừng. Các chương trình trồng rừng ấy đã nâng tổng số diện tích có rừng của địa phương lên con số gần 30.000ha, độ che phủ đạt 52,3%. Thế nhưng sau những thành công ấy, công tác trồng rừng của Văn Lãng lại đi xuống từng ngày. Lần lại những con số thống kê từ năm 2008 đến nay thì công tác trồng rừng của Văn Lãng được đồ thị hóa bằng một đường xuống dốc. Nếu như từ năm 2008 đến 2010, toàn huyện trồng mới được gần 3.000ha, trong đó năm 2009 cao nhất đạt tới trên 1.200ha, thì giai đoạn 2010 đến nay toàn huyện chỉ trồng mới được khoảng 1.000ha rừng. Diện tích rừng trồng cứ thấp dần theo từng năm. Nhiều người đặt câu hỏi, xác định kinh tế rừng là thế mạnh, nhưng cứ đà này, dăm năm nữa, khi diện tích trồng không đủ trám đất trống và những nơi vừa khai thác, Văn Lãng lấy đâu ra rừng để đóng góp vào sự phát triển chung?
Trong buổi làm việc, giọng Trưởng phòng NN&PTNT huyện, bà Lưu Thị Chi chùng xuống: nhà báo lại hỏi về trồng rừng chứ gì, UBND huyện đã có công văn báo cáo cấp có thẩm quyền rồi, năm nay là năm thứ 3, lại không hoàn thành nổi chỉ tiêu. Lần giở báo cáo tiến độ trồng rừng, thời điểm này toàn huyện mới chỉ ước trồng được 323 ha rừng, tức là chỉ đạt có 58,7% kế hoạch năm và thời gian tới, theo như dự kiến của cơ quan chuyên môn thì sẽ chẳng trồng thêm được là bao. Cứ chiểu theo Báo cáo số 149, ngày 23/7/2013 của UBND huyện thì biết! Chỉ tiêu trồng rừng hỗ trợ sản xuất giao cho địa phương là 200ha, thế nhưng theo tính toán của huyện, thì kết thúc vụ trồng rừng, khả năng tối đa chỉ hoàn thành được 93ha. Trong khi, trồng cây phân tán luôn là chỉ tiêu được các địa phương hoàn thành sớm nhất, thì với chỉ tiêu giao 200ha, Văn Lãng cũng chỉ ước hoàn thành được 150ha. Bởi vậy để đảm bảo kế hoạch chung của tỉnh thì các địa phương khác phải “gánh” hộ Văn Lãng hơn 150ha rừng.
Vậy nguyên nhân do đâu? Trong báo cáo của của địa phương và của cơ quan chuyên môn nói khá nhiều về phần ý thức của người dân. Địa bàn trồng rừng ngày càng xa và khó khăn. Trong vụ trồng rừng này cũng nổi lên vấn đề là nhu cầu của nhân dân muốn trồng bạch đàn, nhưng điều kiện khí hậu, đất đai không phù hợp nên cơ quan chuyên môn cấp giống cây khác, còn dân thì không trồng. Rồi là nguyên nhân đất đai manh mún, nhiều diện tích đăng ký trồng rừng chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án trồng rừng hỗ trợ sản xuất (quy định từ 0,5-2ha), rồi chuẩn bị hiện trường chưa đúng cách, mật độ cuốc hỗ dầy, có nơi tới 6.400 hố/ha… Nhưng khi phân tích tất cả các nguyên nhân đó ở một góc nhìn khác, người ta chưa hề thấy bóng dáng của cán bộ chuyên môn cũng như chính quyền các cấp, từ khâu tuyên truyền, vận động, định hướng trồng rừng cho đến hướng dẫn, chuẩn bị hiện trường.
Ông Hoàng Văn Quân, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết hiện nay, đối với dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất đã được điều chuyển cho huyện Tràng Định. Thời điểm này cũng bắt đầu vào cuối vụ trồng rừng nên mặc dù rất cần nguồn vốn từ dự án này do từ đầu nhân dân Tràng Định đã đăng ký triển khai vượt kế hoạch giao, nhưng Tràng Định cũng chỉ có thể “gánh” hộ 50ha. Số còn lại buộc Văn Lãng phải nỗ lực đến mức cao nhất để hoàn thành. Đã đến lúc Văn Lãng phải đánh giá, nhìn nhận lại một cách thật khách quan và có chiều sâu về thoái trào trồng rừng trên địa bàn trong vòng 3 năm trở lại đây để có thể đưa ra những giải pháp, những động thái quyết liệt và hiệu quả hơn. Nếu không, nghịch lý về phát triển kinh tế rừng sẽ là rào cản rất lớn ảnh hưởng tới sự phát triển chung của huyện.
VŨ NHƯ PHONG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()