Phát triển kinh tế rừng
LSO-Xã Cường Lợi, huyện Đình Lập có 6.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên của xã. Phát huy tiềm năng thế mạnh đó, những năm qua, xã đã làm tốt công tác trồng rừng. Từ đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân.
Chị Vi Thị Nga, thôn Khe Bó khai thác nhựa thông
Ông Nông Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định trồng rừng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao đời sống của người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, đoàn thể, các thôn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trồng mới cũng như cải tạo diện tích rừng thông đem lại hiệu quả kinh tế cao, để người dân thấy được ý nghĩa, lợi ích kinh tế thiết thực từ rừng mang lại. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để trồng và chăm sóc rừng, đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi tại xã đạt trên 10 tỷ đồng.
Xã Cường Lợi có 6 thôn, đến nay, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ ở cả 6 thôn. Ông Mai Văn Hào, Trưởng thôn Khe Bó cho biết: Thôn có 113 hộ thì có trên 80% số hộ trồng rừng, hộ ít có 2 ha, hộ nhiều nhất có đến 20 ha rừng thông. Trồng rừng đã giúp cuộc sống của nhiều gia đình được cải thiện rõ rệt. Có nhiều hộ đã có thu nhập trên 100 triệu đồng từ thu hoạch nhựa thông.
Gia đình chị Vi Thị Nga, thôn Khe Bó là hộ có diện tích trồng thông lớn của xã. Chị Nga cho biết: Từ năm 1998, được sự hỗ trợ của Nhà nước về trồng rừng theo dự án Việt Đức, gia đình tôi trồng 2 ha thông. Cây phát triển tốt và đã cho thu hoạch nhựa được hơn chục năm, mỗi năm thu về khoảng 100 triệu đồng. Nhận thấy trồng rừng và đặc biệt là trồng thông đem lại giá trị kinh tế, mỗi năm gia đình tôi đều trồng mới 1 ha thông, hiện tại, gia đình tôi có 15 ha thông.
Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao nhất, hằng năm, xã đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức được 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng để người dân áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng, hằng năm xã phối hợp tổ chức được 6 lớp tập huấn tại 6/6 thôn về công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng với 300 hộ tham gia, vì vậy, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng và lợi ích thiết thực từ rừng mang lại, nhiều hộ gia đình đã đầu tư công chăm sóc, không những trồng rừng theo dự án mà còn tự bỏ vốn mua giống về trồng. Hằng năm, xã đều trồng mới được 50 – 60 ha, nâng tổng diện tích rừng thông trên địa bàn xã đến thời điểm hiện tại là 5.000 ha, trong đó có 1.000 ha thông đang cho thu hoạch, với sản lượng nhựa thông được thu hoạch hằng năm hơn 400 tấn, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Nhờ phát huy thế mạnh kinh tế rừng nên cuộc sống của bà con nhân dân xã Cường Lợi ngày càng được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 9,7%, giảm hơn 10% so với năm 2015.
NGỌC MAI
Ý kiến ()