Phát triển kinh tế ở Yên Thịnh: Hiệu quả từ các mô hình sản xuất
– Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đã chú trọng định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất có hiệu quả.
Ông Hoàng Trung Tá, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã căn cứ vào điều kiện thực tế, tuyên truyền người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Cùng đó, chúng tôi tổ chức rà soát nhu cầu của bà con để hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.
Người dân xã Yên Thịnh kiểm tra bẫy bả ruồi vàng tại vườn na. Ảnh: NGỌC MAI
Theo đó, trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức từ 4 đến 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho người dân. Đồng thời, UBND xã đã lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất.
Cụ thể, từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 đến hết năm 2021, UBND xã đã hỗ trợ phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại các thôn đặc biệt khó khăn (thôn Coong, thôn Mãm, thôn Tân Yên) với tổng kinh phí 560 triệu đồng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, năm 2021, từ nguồn vốn thuộc chương trình xây dựng NTM, UBND xã tiếp tục hỗ trợ 200 triệu đồng thực hiện mô hình sản xuất na VietGAP với 83 hộ tham gia, diện tích 24 ha và hướng dẫn người dân xây dựng mô hình trồng lúa Nhật J02 và mô hình liên kết trồng khoai tây, khoai lang. Trong đó, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Ông Mè Văn Hoan, thôn Gạo Ngoài cho biết: Gia đình tôi trồng 2.000 gốc na từ năm 2013, hiện tại, toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch. Năm 2021, tôi được xã hỗ trợ tập huấn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, năng suất và hiệu quả kinh tế được nâng cao. Vụ na năm 2021, gia đình tôi thu hoạch được 9 tấn na, thu nhập đạt trên 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hằng năm, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi thông qua các ngân hàng để phát triển sản xuất. Riêng trong năm 2021, toàn xã có 18 hộ được vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số tiền trên 1,7 tỷ đồng và 31 hộ vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với hơn 1,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ toàn xã tại hai ngân hàng lên hơn 35,1 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức 5 lớp học nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng cây ăn quả và chăn nuôi cho 167 lượt người dân.
Qua đó, đến nay, người dân toàn xã đã phát triển được khoảng 200 mô hình sản xuất như: mô hình trồng cây ăn quả (178 ha); mô hình chăn nuôi gia súc (2.499 con); chăn nuôi gia cầm (21.000 con); mô hình trồng lúa Nhật J02, trồng khoa tây; mô hình trồng ngô bao tử gắn với liên kết tiêu thụ… đem lại thu nhập cho nhiều hộ từ 100 đến 250 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ ông: Nguyễn Tiên Phong, Nguyễn Văn Toàn (thôn Tân Yên), Ngô Công Tin (thôn Làng Áng)…
Việc phát triển các mô hình sản xuất trên địa bàn xã đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập của bà con, là động lực trong xây dựng NTM. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 31,13% (năm 2016) xuống còn 6% (năm 2021), thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,05 triệu đồng/người/năm. Khi thu nhập người dân ổn định, UBND xã đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân góp công, góp sức xây dựng các tiêu chí NTM thông qua các phong trào ra quân làm đường giao thông, thuỷ lợi, xây dựng nhà văn hoá, vệ sinh môi trường. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn đã đóng góp trên 1 tỷ đồng, hiến hơn 1.000 m2 đất để xây dựng nhà văn hoá, làm mới đường trục thôn, trục xã… góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM ở xã.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã chú trọng phát triển kinh tế từ các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, Yên Thịnh là một trong những xã phát huy lợi thế của địa phương để tuyên truyền người dân phát triển sản xuất với các mô hình đa dạng. Qua đó, giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn xã nói riêng, cả huyện nói chung |
CÁT TIÊN
Ý kiến ()