Phát triển kinh tế nhờ nấu rượu men lá
– Từ nghề nấu rượu men lá gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thời gian qua, vợ chồng ông Dương Công Hành, bà Dương Thị Bền, thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã có thu nhập cao và góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Ông Hành chia sẻ với chúng tôi: Năm 1998, tôi lập gia đình, nghề nghiệp chính là làm nông nghiệp và nấu rượu để bán với số lượng ít. Nhận thấy nguồn nước từ núi đá gần suối Mỏ Mắm có vị ngọt, mát và nhu cầu của thị trường ngày càng tăng nên từ năm 2014, vợ chồng tôi thay đổi tư duy, tìm hướng phát triển kinh tế từ nấu rượu sạch. Theo đó, trong năm 2014, vợ chồng tôi đã quyết định đầu tư 200 triệu đồng mua các thiết bị nấu rượu như: nồi hơi nấu cơm rượu, máy lọc rượu khử độc tố, chum sành ủ rượu…
Bà Dương Thị Bền kiểm tra chất lượng rượu
Bà Dương Thị Bền, vợ ông Hành cho biết: Để chưng cất được những giọt rượu thơm ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Cụ thể, khi nấu cơm rượu không được khô hoặc nhão, nếu khô men sẽ không ngấm được vào cơm, còn nhão quá sẽ khiến rượu sau khi chưng bị chua. Sau khi cơm chín cần dỡ ra để nguội, sau đó rắc men lá tự làm và trộn đều, ủ ở nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C. Sau khoảng 15 ngày ủ mới chưng cất. Khi chưng cất rượu, phải canh lửa cháy đều, không cho cháy to quá cũng không nhỏ quá để rượu có thể ra từ từ, không bị khê.
Rượu nhà ông Hành còn được chưng cất theo quy trình sản xuất áp dụng hệ thống lọc công nghệ RO (thẩm thấu ngược) giúp loại bỏ một số chất như andehit, methanol. Sau khi nấu, rượu được ủ trong chum sành khoảng 6 tháng, khi đủ độ thơm ngon, gia đình mới đóng chai và bán ra thị trường. Chai đựng rượu cũng được cho vào hệ thống máy sấy, hút để khử trùng trước khi đóng… Mỗi công đoạn, vợ chồng ông Hành đều theo dõi rất sát sao để đảm bảo sản phẩm rượu của gia đình làm ra đáp ứng yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với sản xuất, đầu năm 2020, gia đình ông Hành đăng ký với cấp có thẩm quyền xây dựng rượu men lá Mỏ Mắm của gia đình thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sau các bước kiểm định quy trình sản xuất, chất lượng, trong năm 2021, sản phẩm rượu men lá Mỏ Mắm của gia đình ông đã được cấp có thẩm quyền tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Được biết, từ năm 2014 đến 2017, cơ sở sản xuất của gia đình ông Hành bán được khoảng 6.000 lít rượu/năm. Từ năm 2018 đến nay, kết hợp với làm du lịch, gia đình ông bán được trên 10.000 lít rượu/năm. Rượu của gia đình ông chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn huyện và khách du lịch đến Mỏ Mắm… Với giá bán 70.000 đồng/lít, trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Hành thu gần 300 triệu đồng từ nấu rượu. Mô hình nấu rượu của ông Hành còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Đức Thành, du khách huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tôi rất hay đến điểm du lịch suối Mỏ Mắm chơi, mỗi lần đến đây, tôi đều thưởng thức đặc sản ở đây, nhất là rượu men lá. Lần nào về, tôi cũng mua rượu về làm quà cho người thân, bạn bè.
Ngoài nấu rượu, vợ chồng ông Hành còn đầu tư phát triển điểm du lịch suối Mỏ Mắm. Năm 2017, vợ chồng ông Hành đã vay mượn tiền để cải tạo, đầu tư xây dựng khu suối này thành địa điểm phục vụ khách du lịch. Hiện, điểm du lịch này thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Hoàng Quang Phiệt, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Gia đình ông Dương Công Hành là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và phát triển sản phẩm OCOP ở xã, nhờ đó, không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Cùng với phát triển kinh tế, gia đình ông Hành cũng luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật và là gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã.
Ý kiến ()