LSO-Tính riêng thu nhập tỉa thưa keo từ rừng trồng thông xen keo, nhân dân xã Nhân Lý và Mai Sao, huyện Chi Lăng đã có gần 2 tỷ đồng. Ấy là chưa kể từ khi tỉa thưa keo, nhiều loại cây bản địa thân gỗ như kháo, tẩu tấu…tự tái sinh dưới tán rừng thông. Rừng thông xen keo ở xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng đang phát triển tốtThoăn thoắt guồng chân đưa chúng tôi đi thăm rừng, ông Linh Văn Thắng, thôn Làng Chĩa, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng chẳng dấu nổi niềm hứng khởi. Giọng sang sảng, ông cho biết: gia đình tiếp nhận dự án trồng rừng Việt - Đức từ năm 2006 với mô hình trồng thông xen keo, làm theo đúng những gì cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Qua vài năm keo đã cho khai thác còn thông thì tiếp tục lớn nhanh như thổi. Không nhớ mình đã bán gỗ keo thu được bao nhiêu tiền, nhưng ngoài bán gỗ, ông Thắng còn đóng góp gỗ cho thôn làm được 1 nhà văn hóa và cũng đủ gỗ để dựng 2 ngôi nhà cho đứa con. Tỉa thưa keo, ông...
LSO-Tính riêng thu nhập tỉa thưa keo từ rừng trồng thông xen keo, nhân dân xã Nhân Lý và Mai Sao, huyện Chi Lăng đã có gần 2 tỷ đồng. Ấy là chưa kể từ khi tỉa thưa keo, nhiều loại cây bản địa thân gỗ như kháo, tẩu tấu…tự tái sinh dưới tán rừng thông.
|
Rừng thông xen keo ở xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng đang phát triển tốt |
Thoăn thoắt guồng chân đưa chúng tôi đi thăm rừng, ông Linh Văn Thắng, thôn Làng Chĩa, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng chẳng dấu nổi niềm hứng khởi. Giọng sang sảng, ông cho biết: gia đình tiếp nhận dự án trồng rừng Việt – Đức từ năm 2006 với mô hình trồng thông xen keo, làm theo đúng những gì cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Qua vài năm keo đã cho khai thác còn thông thì tiếp tục lớn nhanh như thổi. Không nhớ mình đã bán gỗ keo thu được bao nhiêu tiền, nhưng ngoài bán gỗ, ông Thắng còn đóng góp gỗ cho thôn làm được 1 nhà văn hóa và cũng đủ gỗ để dựng 2 ngôi nhà cho đứa con. Tỉa thưa keo, ông vẫn còn nguyên 1,2ha thông làm của để dành. Thế nhưng gỗ thông cũng chưa phải là thứ quý nhất trong rừng của ông.
Ông Thắng “bật mí”: Nhà báo có thấy những cây đang tái sinh kia không, đó là kháo, là tẩu tấu và rất nhiều loài cây thân gỗ bản địa khác, sau này thông có được khai thác thì đất cũng không trắng, đồi không trọc mà có ngay khu rừng tái sinh, giá trị còn cao hơn nhiều. Theo thống kê, từ dự án trồng rừng Việt – Đức, huyện Chi Lăng triển khai trồng trên 260ha thông xen keo tập trung chủ yếu ở xã Nhân Lý và Mai Sao. Cho đến nay, cơ bản số gỗ keo đã được thu hoạch. Ước tính số tiền nhân dân thu về được gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra sau khi tỉa thưa, rất nhiều loại cây bản địa có giá trị cao đã và đang bắt đầu phát triển mạnh.
Ông Lê Đức Minh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Chi Lăng đánh giá: Tất cả các diện tích rừng trồng xen theo đúng quy trình kỹ thuật, có ý thức bảo vệ các loại cây bản địa tái sinh hiện nay đều đang phát triển rất tốt, có khả năng chống cháy rừng cao và thiệt hại sâu bệnh ít hơn nhiều so với các khu vực khác. Cùng trên địa bàn huyện Chi Lăng, cách đây gần 3 năm, rừng thông thuần ở Quang Lang bị phá hoại mạnh bởi sâu róm, còn những khu rừng trồng xen và đã bắt đầu tạo thành rừng nhiều tầng, nhiều tán, nhiều loại cây thì ảnh hưởng rất ít. Trao đổi với chúng tôi, ông Mã Hạnh, Điều phối viên trưởng dự án trồng rừng Việt – Đức cho biết: toàn tỉnh có Văn Lãng, Chi Lăng triển khai trồng rừng thông xen keo với tổng diện tích trên 900ha, tất cả các diện tích trên đều đang phát triển tốt. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật cũng triển khai trồng rừng hỗn giao như thông xen với lát, trám, hồi ở Bắc La, Hội Hoan (Văn Lãng) những diện tích này đều có khả năng phòng chống sâu bệnh có hiệu quả, chống cháy rừng tốt và phát triển bình thường. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 170.000ha rừng trồng.
Theo ông Hoàng Mạnh Chức, Chi cục trưởng Chi cục phát triển lâm nghiệp thì rừng trồng thuần như thông, bạch đàn…chiếm tỷ lệ rất lớn. Hiện nay, hầu hết các loại rừng thuần đang phải đối mặt với các yếu tố như sâu bệnh, xói mòn, gây thoái hóa đất…Tuy có giá trị về kinh tế tức thời, nhưng gây ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Cách đây gần 3 năm, tỉnh đã có chủ trương phát triển rừng hỗn giao từ dự án trồng rừng 661. Tuy nhiên cho đến nay, khi dự án này đã kết thúc, diện tích rừng hỗn giao cũng chẳng đáng là bao. Ông Chức cho biết: nguyên nhân chủ yếu là do kỹ thuật trồng rừng hỗn giao tương đối phức tạp, phải theo lập địa cụ thể của từng vùng, từng quả đồi để quyết định các mô hình hỗn giao, thêm vào đó khi khai thác loại rừng này cần có biện pháp kỹ thuật khai thác chọn chứ không dễ dàng như khai thác trắng đang phổ biến hiện nay.
Vẫn biết là phát triển rừng hỗn giao vẫn còn gặp những trở ngại nhất định, thế nhưng hầu hết những trở ngại đó đều là các yếu tố chủ quan, do đó hoàn toàn có thể khắc phục được. Hiện nay, khi những vùng thuần thông như Lộc Bình, Đình Lập đang gồng mình đối phó với sâu róm thông; Hữu Lũng đang tìm mọi biện pháp khắc phục thoái hóa, xói mòn đất ở rừng thuần bạch đàn, thì những khu rừng hỗn giao như ở Chi Lăng, Văn Lãng…đã và đang thể hiện ưu thế vượt trội của mình.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()