Phát triển kinh tế hợp tác gắn với xây dựng nông thôn mới
LSO-Hơn 1 năm trở lại đây, lĩnh vực kinh tế tập thể của huyện Tràng Định có những bước chuyển rõ nét. Qua đó góp phần không nhỏ vào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn.
Thành viên Hợp tác xã Dũng Tiến, xã Quốc Khánh kiểm tra chanh leo trước khi thu hoạch |
Tăng 500% số hợp tác xã
Chỉ cách đây 2 năm, lĩnh vực kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Tràng Định gần như đi vào ngõ cụt. Cả huyện chỉ có vẻn vẹn được 1 HTX chế biến lâm sản duy trì hoạt động. Tuy nhiên, bước vào năm 2017, cùng với nhu cầu liên kết sản xuất xuất phát từ thực tiễn, các mô hình HTX trên địa bàn nhanh chóng được thành lập.
Ông Hồ Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Quế là một trong những loại cây trồng chủ lực của xã. Để đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, trước đây, xã đã thành lập được 8 tổ hợp tác trồng quế. Mặc dù bước đầu đem lại kết quả tích cực nhưng sự liên kết trong sản xuất của các tổ hợp tác còn thiếu chặt chẽ, mang tính thời vụ. Xuất phát từ thực tiễn cộng với tìm hiểu vai trò của mô hình HTX, xã đã tuyên truyền, vận động các tổ hợp tác này liên kết lại thành lập nên HTX trồng quế Cao Minh. Việc đi vào hoạt động của HTX đã bước đầu khắc phục được những hạn chế trong sản xuất trước đây như: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, sản xuất không tập trung… Không những vậy, HTX hoạt động ổn định còn góp phần giúp xã hoàn thành tiêu chí 13 về hình thức sản xuất trong xây dựng NTM.
Không đông đảo thành viên tham gia như HTX quế Cao Minh, sự ra đời và đi vào hoạt động của HTX Mu Hoom lại thể hiện sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của thanh niên trẻ. Anh Lương Thanh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: Qua tìm hiểu thị trường cho thấy, nhu cầu thịt lợn rừng thế hệ đầu (F1) còn khá cao, trong khi trên địa bàn lại chưa có. Nắm bắt thị trường, tìm hiểu kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư nên mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2017, song đến nay, HTX đã gây được 30 con lợn rừng nái hậu bị. Đồng thời HTX đang đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trại, học tập kinh nghiệm để chuẩn bị mở rộng quy mô.
Cùng với 2 HTX kể trên, từ năm 2017 đến nay, huyện Tràng Định còn thành lập được thêm 3 HTX nông nghiệp tại các xã: Chi Lăng, Quốc Khánh và thị trấn Thất Khê. Như vậy số HTX được thành lập mới và hoạt động tăng 500%.
Hỗ trợ phát triển
Các HTX trên địa bàn được thành lập trên tinh thần tự nguyện hợp tác, năng động, nhạy bén trong việc đổi mới hình thức sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên thực tế, các HTX mới thành lập thường gặp nhiều khó khăn. Khó khăn từ vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật và sức cạnh tranh ngoài thị trường. Chính từ đó, để các HTX thực sự phát triển, tránh trường hợp thành lập cho có chỉ tiêu rồi “chết yểu” dần dần, các ngành chức năng cũng như huyện đều tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phần nào khó khăn cho các HTX.
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Đối với các HTX mới thành lập, Liên minh HTX thường phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, đặc biệt cho cán bộ quản lý. Thậm chí có những HTX có nhu cầu còn được hướng dẫn quy trình thủ tục thành lập; hướng dẫn hồ sơ tiếp cận vốn vay ưu đãi; tiếp cận đầy đủ thông tin về các chế độ chính sách liên quan đến HTX…
Bên cạnh tuyên truyền, tập huấn, để hỗ trợ các HTX vươn lên phát triển, huyện còn hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng các mô hình kinh tế điểm hiệu quả. Ông Triệu Minh Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2017, huyện Tràng Định được phân bổ 3.280 triệu đồng để thực hiện các mô hình phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, huyện đã hỗ trợ mô hình HTX trồng quế ở xã Cao Minh 406 triệu đồng; hỗ trợ 800 triệu đồng hệ thống tưới và hệ thống giàn chanh leo cho HTX Dũng Tiến; hỗ trợ trên 1 tỷ đồng nhân rộng mô hình trồng chanh leo của tổ hợp tác xã Chi Lăng…
Với sự năng động của các HTX và sự hỗ trợ của nhà nước, các mô hình kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện Tràng Định bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Qua đó góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng NTM chung trên địa bàn.
TÂN AN
Ý kiến ()