Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đời sống nhân dân

Các đại biểu Quốc hội trao đổi ý kiến trong giờ nghỉ giải lao.
Đề cao vai trò của các thành phần kinh tế
Nhận định về công tác thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của nước ta thời gian qua, nhiều đại biểu khẳng định: Những thành quả tích cực trong năm 2019 là tiền đề tốt để tạo đà phát triển cho năm 2020, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, cùng với việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét và tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ các thành phần kinh tế, như kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, gắn với triển khai thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và QH.
Một nội dung được nhiều đại biểu QH đề cập, đó là việc đẩy mạnh vận động toàn dân sử dụng giao dịch thanh toán điện tử, hạn chế tiêu dùng bằng tiền mặt và đã thu được một số kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN chậm thi hành, thậm chí trì trệ trong triển khai chính sách nêu trên. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) và một số đại biểu khác cho rằng, thực trạng này bắt nguồn từ sự chậm trễ, thiếu quyết liệt của ngành tài chính trong cải cách thủ tục thanh toán, quyết toán bằng chứng từ điện tử. Cụ thể, việc thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, vé máy bay, tàu xe, chi trả lương, phụ cấp… đến nay ở nhiều nơi vẫn chưa được áp dụng phương thức thanh toán điện tử và chữ ký số, khiến tình trạng lãng phí thời gian, vật tư văn phòng và quan trọng hơn là các vấn đề tiêu cực liên quan đến mua bán hóa đơn tài chính vẫn tiếp diễn.
Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với những chính sách liên quan đến khu vực doanh nghiệp FDI. Dẫn số liệu về vốn giải ngân FDI từ năm 2016 đến nay đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội và 20% GDP, đồng thời 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta những năm qua đến từ doanh nghiệp nước ngoài, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần lưu ý, ưu tiên các yếu tố an ninh, quốc phòng, môi trường, công nghệ khi cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng khuôn khổ pháp lý về những khái niệm mới, như: cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ… song song với việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, cơ cấu lại thị trường tài chính, hoàn thiện kinh tế vùng liên kết cùng phát triển, xây dựng trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, tránh để nền kinh tế Việt Nam bị động trước những rào cản thương mại đến từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của một số quốc gia trên thế giới.
Bảo vệ chủ quyền và an ninh, trật tự đất nước
Trong phiên làm việc hôm qua, các đại biểu bày tỏ quan tâm tình hình quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhấn mạnh việc mỗi người dân Việt Nam đều khát khao giữ vững độc lập, tự do và tinh thần không nhân nhượng khi bảo vệ chủ quyền đất nước, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang) khẳng định, đây là điểm then chốt để củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tổng thể các mối quan hệ của sự nghiệp cách mạng, trong đó có sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải được đặt lên hàng đầu. Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả này, cần hết sức quan tâm giữ vững ổn định chính trị trong nước, đa dạng hóa các giải pháp kinh tế, chủ động nắm được các tình huống.
Liên quan công tác quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, lao động, đầu tư kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cùng một số đại biểu khác nêu rõ: Với 21 văn bản quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh; 14 văn bản quy phạm pháp luật về lao động nước ngoài; 24 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, nước ta hiện sở hữu hành lang pháp lý thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài đến du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, việc lượng người nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây lại kéo theo một số vấn đề tiêu cực, điển hình là tình trạng người nước ngoài kinh doanh trái pháp luật, tổ chức đánh bạc, tàng trữ và buôn bán ma túy trái phép, lừa đảo, vi phạm pháp luật về cư trú, lao động… Đáng chú ý, từ những vụ việc đơn lẻ, nay đã có dấu hiệu hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Những hệ lụy nêu trên không chỉ xuất phát từ các kẽ hở trong hệ thống pháp luật, mà thực tế còn do ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà tuyển dụng, sử dụng và cấp phép xuất nhập cảnh, lao động và cư trú cho người nước ngoài còn kém; các quy định về thẩm quyền quản lý người nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn; sự thiếu sâu sát của cơ quan chuyên môn và chính quyền một số địa phương trong quản lý xuất nhập cảnh và cư trú… Do đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý người nước ngoài, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đồng thời sớm cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Công tác thanh tra, kiểm tra cần phải tiến hành thường xuyên, trong đó lưu ý đến những địa phương tập trung nhiều người nước ngoài cư trú, lao động. Xử lý nghiêm, kịp thời, minh bạch và triệt để trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, địa phương để xảy ra sai phạm sau quá trình thanh tra, điều tra.
Bảo đảm môi trường và đời sống nhân dân
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu ý kiến chung quanh các hệ lụy về môi trường và đời sống nhân dân liên quan quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại tỏ ra thiếu nhanh nhạy, chưa đưa ra cảnh báo và các biện pháp xử lý kịp thời, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) và một số đại biểu khác dẫn số liệu cho biết: Trong năm 2018, chỉ có hơn 12% lượng nước thải tại đô thị loại 4 được xử lý trước khi thải ra môi trường, tỷ lệ xả thải trực tiếp còn rất cao; nhiều nơi, quy định dành 1% nguồn chi ngân sách cho bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đầy đủ. Gần đây, những sự cố về ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra liên tiếp nhưng người dân không nhận được cảnh báo, thông báo kịp thời… Vì vậy, cần tăng cường chỉ đạo quản lý nhà nước về vấn đề tài nguyên môi trường, cụ thể là chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định triển khai các dự án đầu tư; khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; kiểm soát xả thải, nhập khẩu công nghệ, siết chặt chất cấm nhập khẩu; quy định cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường phải bị xử lý hình sự trước pháp luật…
Nhiều đại biểu QH bày tỏ lo ngại với thực trạng người dân nhiều địa phương đang đối diện với ô nhiễm và những hệ quả tất yếu về sức khỏe hằng ngày. Theo đó, mục đích của phát triển kinh tế là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống toàn dân. Thế nhưng, việc nhân dân phải sống trong ô nhiễm, từ môi trường không khí, nguồn nước, thực phẩm cho thấy chạy theo phát triển kinh tế nóng thiếu bền vững đã làm tổn hại môi trường, dẫn đến chất lượng cuộc sống chưa được bảo đảm. Đưa ra dẫn chứng về hàng loạt sự cố môi trường liên quan đến xả thải ra sông, biển trong nhiều năm qua và gần đây là việc nguồn nước sinh hoạt của người dân Hà Nội bị nhiễm bẩn, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, đây là thực tế đáng báo động về sự lỏng lẻo trong quản lý. Chính phủ cần nhanh chóng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động ngăn chặn việc gây ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch; rà soát quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước ngọt dự trữ tại các địa phương;
Tại các phiên thảo luận hôm qua, các thành viên Chính phủ đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.
Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 4,9% so với năm 2018, giúp nước ta được nâng lên hạng 42/129 quốc gia đổi mới sáng tạo trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia của chúng ta phát triển chưa đồng đều, đóng góp chưa nhiều cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Đại biểu NGUYỄN THỊ LAN (Hà Nội) Cử tri đặc biệt quan tâm đến chất lượng giáo dục và quản lý giáo dục hiện nay. Nhiều cơ sở giáo dục tự tin là “chất lượng cao” nhưng lại có nhiều lỗ hổng trong quản lý. Có nơi, giáo viên chấm bài rồi vứt xuống đất để học sinh tự nhặt, có nơi học sinh bị giáo viên bạo hành trước mặt tất cả bạn bè. Đại biểu NGUYỄN THỊ XUÂN THU (Khánh Hòa) Ý kiến cử tri Thu hút người tài cho lĩnh vực khoa học – công nghệ Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội trong buổi sáng 31-10, tôi quan tâm ý kiến của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Chu Ngọc Anh, nhất là việc thực thi chính sách về KH và CN đối với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Tại TP Hồ Chí Minh, người dân cũng rất quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH và CN. Qua theo dõi thông tin trên báo chí, chúng tôi biết TP Hồ Chí Minh đang có chính sách thu hút người tài trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực KH và CN. Sau ba năm thực hiện, thành phố đã thu hút thêm 22 chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có bốn người nước ngoài, là những người có chuyên môn cao để hỗ trợ, tư vấn cho thành phố phát triển về lĩnh vực KH và CN. Thành phố cũng tích cực hỗ trợ để “giữ chân”, tuyển dụng người tài tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Tuy vậy, để huy động nhiều hơn nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực KH và CN, thành phố cần chú trọng hơn nữa trong công tác đào tạo; tạo môi trường làm việc và cuộc sống thật thuận lợi để những tài năng trong lĩnh vực KH và CN thật sự yên tâm cống hiến và gắn bó lâu dài. TRẦN LONG SƠN (Khu phố 2, phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh) Cần biện pháp cụ thể, hữu hiệu để quản lý đầu tư công Tại miền trung, hiện có nhiều dự án lớn nhưng chậm triển khai, hoặc chi phí lớn nhưng chậm hoàn thành, chất lượng kém. Điển hình là cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài gần 140 km, tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, trong đó đoạn Tam Kỳ – Quảng Ngãi thông xe đã hơn hai năm nhưng vẫn chưa thể thu phí vì mặt đường liên tục hư hỏng do mưa, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông với tốc độ cao. Trạm thu phí Bình Sơn và đường kết nối cao tốc về Khu kinh tế Dung Quất cùng nhiều công đoạn khác không triển khai, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng đầu tư. Một dự án khác cũng khiến cử tri Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế bức xúc là mở rộng hầm cứu nạn Hải Vân. Việc nổ mìn thi công mở rộng hầm phụ khiến hầm chính nứt chằng chịt, khiến mọi người không yên tâm khi đi qua hầm. Rồi hàng loạt dự án khác, như sửa chữa nâng cấp đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A qua Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan… đều đang chậm tiến độ, trong khi vào cao điểm mùa mưa, việc thi công khó khăn. Vì vậy, theo tôi, các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành, Chính phủ cần bàn biện pháp cụ thể, hữu hiệu để quản lý đầu tư công, tránh việc đầu tư tràn lan, chậm triển khai, dự án kéo dài hoặc chất lượng thấp, hiệu quả kém, gây lãng phí. NGUYỄN HỮU DƯỢC (19 Trần Văn Thành, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) Thu ngân sách từ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế Nghe Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, tôi hoàn toàn đồng ý và thống nhất cao với đánh giá của các đại biểu khi cho rằng, nền kinh tế của cả nước nói chung, các địa phương nói riêng có sự phát triển rõ nét. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, ở các tỉnh khu vực miền trung, trong đó có Quảng Bình, nền kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thu ngân sách còn thấp và thiếu bền vững. Trong lĩnh vực thu ngân sách, việc thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là khoản thu bền vững nhưng thực tế tỷ trọng này còn thấp, do quy mô sản xuất còn hạn chế, hàng hóa chưa nhiều, chưa có những dự án lớn để làm “đầu tàu”. Trong khi đó, số thu từ tài nguyên, cụ thể là quỹ đất thường lớn nhất. Các địa phương đều dựa vào nguồn thu này để có kinh phí chi cho phát triển. Thậm chí, ở cấp xã cũng dựa vào nguồn thu này để có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Để khắc phục tình trạng nêu trên, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có các giải pháp giúp các tỉnh nghèo thu hút dự án đầu tư có lợi thế, tiềm năng, từ đó tạo động lực phát triển. Đồng thời, các địa phương nên ưu tiên các mục tiêu tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh làm nền tảng tăng thu; đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để người nộp thuế duy trì, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. NGUYỄN TÂM (Phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) Cần xử lý nghiêm nạn bạo lực trong môi trường y tế Trong lĩnh vực đời sống xã hội, gần đây xuất hiện khá nhiều vụ hành hung y sĩ, bác sĩ khi đang khám chữa cho người bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường y tế. Sự manh động của các đối tượng vừa làm mất an toàn, vừa gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, khiến xã hội bức xúc. Thiết nghĩ, để chấn chỉnh tình trạng này, trả lại môi trường an toàn cho công tác khám, chữa bệnh, giúp các y sĩ, bác sĩ chuyên tâm phục vụ nhân dân, các ngành chức năng cần tìm ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra tình trạng bạo hành trong lĩnh vực y tế, từ đó có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả. Bên cạnh đó, cần lập lại an ninh – trật tự, bảo đảm an toàn tại bệnh viện, tăng cường và có cơ chế phối hợp về công tác an ninh giữa bệnh viện và cơ quan chức năng; đồng thời, cần có biện pháp xử lý, răn đe những đối tượng có hành vi bạo lực tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Ông NGUYỄN VĂN VẸN (Hội Cựu chiến binh phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) Sớm sửa đổi những bất cập trong Luật Đất đai Tôi đồng tình với kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, để phát huy tối đa tiềm năng, giá trị trong phát triển kinh tế, xã hội. Việc sửa đổi Luật Đất đai cần tập trung nghiên cứu việc đa dạng hóa quyền sở hữu đất đai (quyền sử dụng đất), cơ chế định giá đất theo thị trường, hạn mức giao đất, thời hạn giao đất… để người dân an tâm đầu tư trên mảnh đất của mình. Điều này tạo điều kiện cho người dân tích tụ ruộng đất, tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đồng thời hạn chế tình trạng khiếu kiện về giá đất bồi thường khi người dân bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, Chính phủ rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản… nhằm tránh tình trạng chồng chéo, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Chính phủ có thể thí điểm thực hiện đa dạng quyền sở hữu đất đai (quyền sử dụng đất, gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu cá nhân) làm cơ sở để có thể điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn, phát huy nguồn lực trong dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Cử tri HOÀNG ĐỨC THỊNH (Khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) Cần xử lý, ngăn chặn thông tin xấu, độc, giả mạo Tôi nhất trí cao với ý kiến của một số đại biểu cho rằng, mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, rất ấn tượng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhưng văn hóa, đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội đang có dấu hiệu xuống cấp. Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ tham nhũng, vụ án mạng, các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang và lo lắng. Theo tôi, nguyên nhân là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, chúng ta ưu tiên đầu tư cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân mà chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho phát triển văn hóa và xây dựng đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, nhất là trong giới trẻ. Bên cạnh đó, các thông tin xấu, tin độc hại, giả mạo được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội và đang từng phút, từng giờ tác động đến mọi đối tượng, thành phần trong xã hội, nhất là trong giới trẻ nhưng chậm được các ngành chức năng ngăn chặn, quản lý hiệu quả. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư cần quan tâm đầu tư phát triển văn hóa truyền thống, giáo dục và xây dựng đạo đức, lối sống cho con người Việt Nam nhiều hơn, đồng thời sớm có giải pháp quản lý, ngăn chặn hiệu quả cũng như xử lý nghiêm tình trạng các thông tin độc, xấu, giả mạo tràn lan trên in-tơ-nét và mạng xã hội như hiện nay. Ông NGUYỄN VĂN BẢY (Khu phố 5, phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) |

Ý kiến ()