Phát triển kinh tế du lịch trong bối cảnh hội nhập
Thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong suốt thời gian qua, thu nhập xã hội từ du lịch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 20%, tỷ lệ đóng góp GDP tăng từ 1,76% năm 1994 lên 6,6% năm 2015.
Theo Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam 2014 do Dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm do Liên minh châu Âu tài trợ (EU-ESRT) hỗ trợ Tổng cục Du lịch xây dựng, đóng góp tổng hợp của du lịch vào GDP năm 2014 là 255,54 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,49%. Trong đó, phần đóng góp trực tiếp là 3,68% và gián tiếp (lan tỏa) là 2,81%. Du lịch tạo ra một khối lượng việc làm đáng kể cho xã hội. So với 52.744.339 tổng lao động cả nước năm 2014, thì số lượng lao động của du lịch nói chung (2.952.678 người) chiếm 5,6%. Lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch là 1.597.887 người, chiếm 3,03% lao động cả nước, trong đó nhiều nhất là lao động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống. Du lịch là lĩnh vực mang về nhiều ngoại tệ, đóng góp đáng kể cho cán cân thanh toán ngoại tệ quốc gia, trong hai năm 2013 và 2014 Việt Nam có giá trị xuất siêu về dịch vụ du lịch gần 5,2 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, theo Báo cáo thường niên Travel & Tourism Economic Impact 2016 Viet Nam (WTTC) của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới công bố hồi tháng 3/2016, với mức 6,6% đóng góp cho GDP, du lịch Việt Nam đứng thứ 40/184 nước về quy mô đóng góp trực tiếp vào GDP và xếp thứ 55/184 nước về quy mô tổng đóng góp vào GDP quốc gia. Cụ thể, tổng đóng góp của du lịch vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP). Tổng đóng góp của du lịch vào lĩnh vực việc làm toàn quốc (gồm cả việc làm gián tiếp) là hơn 6,035 triệu việc làm, chiếm 11,2%. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành du lịch tạo ra là 2,783 triệu lao động (chiếm 5,2% tổng số việc làm). Đầu tư vào lĩnh vực du lịch năm 2015 đạt 113.497 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng đầu tư cả nước…
Du lịch Việt và những khởi sắc lạc quan
Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh, ngày càng đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động từ đô thị đến nông thôn, từ vùng ven biển, hải đảo đến vùng núi, cao nguyên. Sự phát triển du lịch góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Do đó, hơn lúc nào càng cần phải thống nhất, đẩy mạnh hợp tác, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn, hỗ trợ nhau trong công tác tuyên truyền quảng bá thu hút du khách, cùng quan tâm tới vấn đề xóa đói giảm nghèo, tích cực đẩy mạnh xã hội hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, thu hút rộng rãi sự tham gia của cộng đồng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo sức hấp dẫn du lịch cho từng vùng miền, hướng tới mục tiêu xóa bỏ đói nghèo, phát triển bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong cả nước, đặc biệt người dân các vùng khó khăn…
Thực tế cho thấy, ngành du lịch Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như: tình hình chính trị xã hội ổn định; kinh tế tăng trưởng; chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới; vị thế của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc; khung pháp lý và các chuẩn mực về du lịch từng bước được hình thành; lực lượng lao động trẻ dồi dào; cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện; đời sống, thu nhập và điều kiện làm việc của nhân dân được nâng cao, nhu cầu giao lưu văn hóa ngày càng tăng…
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thị trường thế giới nhiều biến động trong khi năng lực cạnh tranh của ngành du lịch còn yếu; nhận thức, kiến thức quản lý và phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ chế, chính sách quản lý còn bất cập; quy hoạch phát triển du lịch bị tác động mạnh bởi các quy hoạch chuyên ngành; tài nguyên có nguy cơ bị tàn phá, suy thoái nhanh và môi trường du lịch bị xâm hại; kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ; sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đặc sắc, trùng lặp và thiếu quy chuẩn; thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp và đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lực lượng quản lý tinh thông và lao động trình độ cao; thời tiết khắc nghiệt; mức sống dân cư phần đông còn thấp…
Trên cơ sở định hướng, ngành sẽ tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội; Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.
Phát triển du lịch có thương hiệu và khả năng cạnh tranh
![](http://dangcongsan.vn/DATA/0/2016/07/quang_binh_hang_son_dong-18_53_09_380.jpg)
Liên quan tới vấn đề quy hoạch phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi từ tư duy đến hành động, trong đó, cần thực hiện quan điểm thị trường, hướng tới thỏa mãn nhu cầu và mong đợi của khách, lấy sự hài lòng của khách làm mục tiêu phát triển. Sau đó, xác định vòng đời sản phẩm với tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch; luôn luôn khởi đầu bằng sản phẩm có cấp độ chất lượng cao cấp, chuyên biệt dành cho thị trường phân biệt ở quy mô hẹp và từng bước mở rộng; ưu tiên phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu mạnh; xác định lộ trình làm mới sản phẩm khi dự báo xuất hiện xu hướng đại trà. Đồng thời, tổ chức không gian du lịch đảm bảo sự hài hòa giữa con người, văn hóa với thiên nhiên; tôn trọng giá trị văn hóa bản địa và giá trị tự nhiên để tạo điểm nhấn và hình ảnh đặc trưng cho điểm đến; khai thác được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để làm tăng giá trị cho điểm đến; quy hoạch điểm đến có hạt nhân trung tâm và những vệ tinh được kết nối giao thoa với hoạt động của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, hướng tới phát huy tính liên vùng, trong 7 vùng du lịch vừa tạo được tính đặc trưng vùng vừa tạo ra tính đa dạng cho những kỳ nghỉ và kéo dài kỳ nghỉ thông qua kết nối giữa các địa phương và điểm đến trong vùng. Ngoài ra, phải tính đến khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và phát huy được giá trị tài nguyên du lịch. Đáng chú ý là phải đảm bảo tính hiện đại, mở đường cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch hướng tới sản phẩm du lịch vì con người, thân thiện môi trường và du lịch có trách nhiệm.
Hơn nữa, liên quan tới phát triển sản phẩm du lịch, các nhà quản lý trong ngành du lịch khẳng định, sẽ ưu tiên phát triển mạnh các sản phẩm du lịch theo ưu thế nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa; mở rộng các loại hình du lịch mới (du thuyền, caravan, MICE, du lịch giáo dục, du lịch dưỡng bệnh, du lịch làm đẹp, du lịch ẩm thực); liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo loại hình chuyên đề, liên kết khu vực gắn với các hành lang kinh tế, liên kết ngành hàng không, đường sắt, tàu biển tạo sản phẩm đa dạng; phát triển sản phẩm du lịch theo đặc trưng 7 vùng lãnh thổ, bao gồm: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Vùng Bắc Trung bộ, Vùng duyên hải Nam Trung bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Cũng theo đó, tập trung đảm bảo mạng lưới đường không, đường bộ, đường biển, đường sông, tiếp cận thuận lợi đến mọi địa bàn có tiềm năng du lịch; nâng cấp, cải tạo bến xe, bến tàu, cầu cảng đảm bảo yêu cầu chất lượng phục vụ khách du lịch; phát triển hệ thống dịch vụ công cộng, tiện nghi, hiện đại; đảo bảm hệ thống viễn thông, thông tin liên lạc đạt tiêu chuẩn quốc tế và tới các khu, điểm du lịch; đầu tư, nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng xã hội về văn hóa, y tế, giáo dục…; phát triển hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ chỗ, đại lý, hướng dẫn, phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch, cơ sở phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, hội nghị và các mục đích khác…
Quan trọng hơn cả là phải phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, tăng cường đào tạo đại học, trên đại học và đào tạo quản lý về du lịch, kỹ năng nghề du lịch; rà soát mạng lưới cơ sở đào tạo về du lịch; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ, từng vùng, miền trong cả nước; xây dựng chuẩn trường đào tạo du lịch, hoàn thiện các chương trình đào tạo và khung đào tạo; nâng cao tỷ lệ đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực bậc cao; tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Thêm vào đó, tập trung phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch: phân đoạn thị trường theo mục đích du lịch và khả năng thanh toán để tập trung thu hút; ưu tiên thu hút phân đoạn khách du lịch có khả năng chi trả cao, có mục đích du lịch thuần túy, lưu trú dài ngày; chuyên nghiệp hóa, tập trung quy mô lớn cho hoạt động xúc tiến, quảng bá trên cơ sở kết quả các nghiên cứu thị trường và gắn chặt với chiến lược sản phẩm-thị trường; xây dựng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam trên cơ sở phát triển các thương hiệu du lịch vùng, điểm đến, thương hiệu sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, các địa danh nổi tiếng…
Có thể thấy, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không chỉ mang đến doanh thu trực tiếp từ các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, tour, điểm tham quan mà còn tạo nguồn thu, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan khác như giao thông, ăn uống, giải trí, thương mại và một số dịch vụ phụ trợ khác (thông tin liên lạc, ngân hàng…). Đồng thời, du lịch còn là ngành kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của những vùng, địa phương không có thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp như Bình Thuận, Quảng Bình, Ninh Thuận…/.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()