Phát triển kinh tế du lịch ở Ðà Nẵng
Đà Nẵng, thành phố biển nằm ở vị trí trung tâm của các di sản, có hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ với cảng biển và sân bay quốc tế, là điểm cuối ra Biển Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế du lịch.Xác định tầm quan trọng của du lịch trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tháng 2-2002, BCH Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về 'Đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ mới', đồng thời UBND thành phố cũng xây dựng Chương trình phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2007-2010 nhằm đẩy mạnh đầu tư, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trong đó, tập trung xây dựng bốn chương trình phát triển du lịch đến năm 2010 gồm: phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, chương trình về cơ chế chính sách và xúc tiến, quảng bá du lịch....
Xác định tầm quan trọng của du lịch trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tháng 2-2002, BCH Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về 'Đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ mới', đồng thời UBND thành phố cũng xây dựng Chương trình phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2007-2010 nhằm đẩy mạnh đầu tư, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trong đó, tập trung xây dựng bốn chương trình phát triển du lịch đến năm 2010 gồm: phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, chương trình về cơ chế chính sách và xúc tiến, quảng bá du lịch. UBND thành phố cũng đã có chủ trương tiến hành quy hoạch để kêu gọi đầu tư du lịch, trọng tâm là vệt du lịch biển Mỹ Khê – Non Nước, khu du lịch Bà Nà, bán đảo Sơn Trà và trung tâm thành phố. Đầu tư phát triển và nâng cấp các sản phẩm du lịch. Thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông ven biển từ bãi biển Nam Ô đến Non Nước với chiều dài khoảng 50 km được kết nối qua Cầu Thuận Phước làm đòn bẩy khai thác, phát triển du lịch ven biển theo quy hoạch.
Đến nay có 45 dự án đầu tư dịch vụ du lịch với tổng vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD. Trong năm 2010, nhiều dự án lớn đã đưa vào khai thác: khu du lịch Sơn Trà Spa, khu Olalani, khu du lịch SliverShore Hoàng Đạt, Life Resort, khu du lịch Xuân Thiều, Bà Nà với 1.072 phòng, trung tâm hội nghị, hội thảo, nhà hàng với sức chứa từ 500 đến 1.000 ghế và một sân gôn 18 lỗ của Tập đoàn VinaCapital tại Hòa Hải… Do có nhiều dự án đầu tư du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao đưa vào hoạt động nên đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Đà Nẵng.
Về phát triển các sản phẩm du lịch, trên cơ sở những tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử Đà Nẵng có sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách như: Cáp treo Bà Nà với hai kỷ lục thế giới, cáp treo một dây dài nhất -5.042 m và có độ chênh ga cao nhất thế giới – 1.291 m; khu danh thắng Ngũ Hành Sơn; Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm-pa và du lịch biển Đà Nẵng, một trong những bãi biển đẹp với nhiều bãi tắm phục vụ cho nhu cầu tắm biển của người dân và du khách cùng bán đảo Sơn Trà với những tua khám phá rừng già, lặn biển ngắm san hô, câu cá cùng ngư dân, các hoạt động thể thao giải trí biển và các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm được quan tâm đầu tư phát triển. Du lịch công vụ (MICE) cũng bước đầu phát triển và khẳng định thế mạnh của du lịch Đà Nẵng với nhiều hội nghị quốc tế kết hợp với tham quan du lịch được tổ chức tại thành phố.
Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được đặc biệt chú trọng, thành phố đã xúc tiến mở và duy trì nhiều đường bay trực tiếp đến với thành phố gồm: Xin-ga-po – Đà Nẵng, đường bay Quảng Châu – Đà Nẵng, đường bay Đài Bắc – Đà Nẵng, và các chuyến bay từ một số thành phố của Nhật Bản đến Đà Nẵng, tổ chức đón các đoàn khảo sát, xúc tiến du lịch, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, xuất bản đa dạng ấn phẩm du lịch, củng cố website, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Du lịch Đà Nẵng cùng du lịch tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch ba địa phương để triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch.
Việc tổ chức thành công các sự kiện hằng năm như: Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Lễ hội Quán Thế Âm; Chương trình Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa Hè, Đua thuyền trên sông Hàn, v.v, đã thu hút hàng trăm nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn, tạo hiệu ứng quảng bá thương hiệu Đà Nẵng với cả nước và du khách quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm phát triển du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho du khách khi đến tham quan tại thành phố, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật; nâng cao vai trò Hiệp hội Du lịch trong các hoạt động du lịch của thành phố.
Những năm qua, khách du lịch đến Đà Nẵng tăng nhanh và ổn định. Trong giai đoạn từ năm 2001-2010, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đã đạt được mức tăng trưởng khá bình quân hằng năm tăng từ 13 đến 15%. Năm 2009, tổng doanh thu chuyên ngành đạt 900 tỷ đồng, tăng 3% cùng kỳ năm 2008 và vượt kế hoạch 6%. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.250 tỷ đồng. Năm 2010, dự kiến đón 1.450.000 lượt khách, trong đó có 350.000 lượt khách quốc tế và 1.100.000 lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm; tổng doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 1.015 tỷ đồng, tốc độ tăng doanh thu bình quân 15%/năm và doanh thu xã hội ước đạt 2.537 tỷ đồng.
Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định ngành kinh tế du lịch có vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố, góp phần tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế, hình ảnh của Đà Nẵng, đóng góp tích cực vào GDP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy vậy, những kết quả đạt được như hiện nay vẫn chưa cân xứng với tiềm năng và lợi thế về du lịch. Thành phố đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường liên kết với các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế, nhằm triển khai chương trình ba địa phương, một điểm đến, để khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đa dạng của khu vực trọng điểm du lịch miền trung và cả nước trong những năm tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()