Phát triển kinh tế đồi rừng: Chìa khóa thoát nghèo của Hữu Lân
LSO- Nhờ vào phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó chủ yếu tập trung vào cây thông mà khoảng 2 năm trở lại đây, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình đã có những chuyển biến đáng kể trong phát triển kinh tế, từ đó góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Chị Nông Thị Nhẹt, thôn Vinh Tiên kiểm tra, phân loại nhựa thông
Chỉ chúng tôi về phía mấy ngôi nhà đang xây dựng ven đường, anh Nguyễn Văn Uyên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hữu Lân phấn khởi chia sẻ: khoảng một năm trở lại đây, những ngôi nhà mới kiên cố trong xã lần lượt được xây dựng. Nói rồi, anh Uyên khẳng định chắc nịch: “là nhờ thông cả đấy. Cây thông không những giúp người dân Hữu Lân xóa đói, giảm nghèo mà nhờ vào cây thông, nhiều hộ đã vươn lên thành hộ khá, thậm chí là hộ giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm”. Để thêm sức thuyết phục cho khẳng định của mình, anh Uyên dẫn chúng tôi đến nhà chị Nông Thị Nhẹt, thôn Vinh Tiên. Chưa phải là hộ có diện tích thu hoạch lớn trong xã nhưng thu nhập từ thông mang lại cho gia đình chị Nhẹt là không hề nhỏ. Chị Nhẹt chia sẻ: nhà có 6 ha rừng thông được chia thành 2 mảnh khác nhau. Khoảng 2 năm trở lại đây, thông cho thu hoạch nhựa. Thế nhưng năm ngoái chỉ lác đác một vài diện tích nhỏ còn năm nay, diện tích khai thác tăng lên gấp 3 lần nên nhà chị tập trung hết nhân lực vào việc khai thác nhựa. Chỉ tính từ tháng 5 đến nay, gia đình chị đã thu hoạch được hơn 2 tấn nhựa thông, tính ra cũng được xấp xỉ 70 triệu đồng. Dự kiến đến hết vụ khai thác nhựa thông năm nay, gia đình chị cũng phải thu hoạch được thêm trên 1 tấn nữa. Vậy là tính ra mỗi năm, riêng thu nhập từ nhựa thông của gia đình cũng lên tới trên một trăm triệu đồng. Qua đó, kinh tế gia đình thêm vững chắc, nhà cửa được xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình được cải thiện rõ rệt.
Không chỉ gia đình chị Nhẹt mà ở Hữu Lân, việc mỗi hộ gia đình có vài ha thông cho thu hoạch là chuyện bình thường. Đâu đâu cũng thấy rừng thông, nhà nào nhà nấy nô nức lên rừng thu hoạch nhựa thông. Chỉ có một đoạn đường chừng 3 km từ trung tâm xã đến đỉnh đèo thôn Nà Tấng (người dân nơi đây vẫn gọi là cổng trời), những cánh rừng thông bạt ngàn trải dài tít tắp. Nhựa thông năm nay được giá, lại ổn định nên người dân càng phấn khởi tin tưởng vào một mùa thu hoạch nhựa thắng lợi. Ông Lường Văn Định, Chủ tịch UBND xã Hữu Lân cho biết: từ nhiều đời nay, kinh tế của xã chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Vào cuối năm 1999, đầu năm 2000, cây thông bắt đầu phát triển trên địa bàn xã. Cho đến nay, diện tích thông toàn xã lên đến gần 4.000 ha thông tập trung đều ở cả 8 thôn trong xã. Hộ có ít cũng vài ba ha, hộ nhiều lên tới 30 ha. Mặc dù diện tích thông cho thu hoạch nhựa mới chỉ khoảng 100 ha và cũng chỉ mới bắt đầu từ 2 trở lại đây, nhiều hộ dân mới tiến hành thu hoạch nhựa nhưng hiệu quả kinh tế mà nó mang lại không hề nhỏ. Thương lái tìm vào tận nơi thu mua với giá ổn định từ 30-35 nghìn đồng/kg nhựa thông từ đầu vụ đến nay, ở xã đã có trên chục hộ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, thậm chí ở thôn Nà Tấng, thôn Vinh Tiên, thôn Pác Bang, chưa hết vụ khai thác nhưng có hộ đã thu được hơn 100 triệu đồng, dự kiến đến hết vụ cũng thu được khoảng 150 triệu đồng từ bán nhựa thông.
Nhờ vào khai thác nhựa thông mà công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã đã có những chuyển biến đáng kể. Nếu như năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn lên tới 74% thì đến nay, con số này đã giảm xuống chỉ còn trên 53%. Chủ tịch UBND xã Lường Văn Định khẳng định: nếu với giá trị kinh tế từ thông ổn định như hiện nay, chỉ một năm nữa, khi mà diện tích thông đến tuổi cho thu hoạch nhựa tăng gấp 5 lần, thậm chí là gấp 10 lần hiện nay thì việc giảm nghèo sẽ không còn là “bài toán khó” của xã nữa.
Bài, ảnh: ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()