Phát triển kinh tế di sản - Động lực tăng trưởng mới của Quảng Ninh
Nhằm góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, đồng thời, trên cơ sở đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh để đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển nguồn lực này trong thời gian tới, ngày 21/12, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học-thực tiễn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Tiến sĩ Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương khẳng định: Những năm qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương luôn có sự tìm tòi, đổi mới về tư duy, cách làm mới, sáng tạo và những quyết sách, hành động đột phá góp phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng đang đứng trước thách thức phải tìm ra được động lực phát triển mới trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng về kinh tế, nhiều địa phương trong cả nước đã có những bước phát triển mang tính bứt phá ngoạn mục.
Để Quảng Ninh có thể khẳng định được vị trí là “một cực tăng trưởng của khu vực phía bắc, trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản được xem là một hướng đi đúng đắn góp phần khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; giúp Quảng Ninh chuẩn bị tâm thế vững vàng, tự tin để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Được ví như là hình ảnh của một “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nhiều dạng thức văn hóa của đất nước với một kho tàng hết sức quý báu về di sản văn hóa và thiên nhiên. Hiếm có một địa phương nào trong cả nước mà trên địa bàn có tới 640 di sản vật thể và 360 di sản phi vật thể, trong đó có hàng chục khu di tích quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nổi bật và duy nhất là Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.
Để làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Với tư duy vượt trước và đột phá phát triển mạnh mẽ, trong những năm qua, Quảng Ninh đã tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa trên ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để tu bổ, tôn tạo và làm gia tăng giá trị của các di sản, góp phần đưa các di sản trở thành một động lực mới, quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội. Kinh nghiệm của Quảng Ninh trong bảo tồn và phát triển các di sản trở thành động lực phát triển là bài học có giá trị đối với các địa phương khác trên cả nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ ra rằng, ở một số nơi, vai trò của di sản là nguồn lực và động lực cho phát triển chưa được nhận thức đầy đủ; chưa xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, nhất là trong liên kết vùng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về cơ bản vẫn được xem là một nhiệm vụ của ngành văn hóa. Nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên còn hết sức hạn chế. Giá trị kinh tế của di sản chưa được xem xét một cách thỏa đáng. Cách tiếp cận liên ngành kinh tế học di sản đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên còn chưa được quan tâm đúng mức.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý, mặc dù đã có nhiều nỗ lực to lớn nhưng Quảng Ninh vẫn chưa thể khai thác, phát huy tối đa tiềm năng kinh tế di sản của tỉnh. Một số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả, thậm chí bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và khai thác du lịch ồ ạt, dẫn đến nguy cơ mất đi giá trị nguyên bản.
Tỉnh vẫn còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ đa dạng và chất lượng cao để kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Sự gắn kết giữa di sản văn hóa với các ngành kinh tế khác như du lịch, thương mại, và công nghiệp sáng tạo còn hạn chế.
Nhận thức của người dân về giá trị và trách nhiệm bảo tồn di sản chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng khai thác thiếu bền vững.
Hội thảo nhằm tập trung tìm các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách đặc thù đối với việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế di sản; tận dụng hạ tầng giao thông để xây dựng liên kết vùng di sản tạo thành những sản phẩm du lịch bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; tạo ra các sản phẩm văn hoá đặc trưng gắn với giá trị riêng có của từng vùng miền, văn hoá giai cấp công nhân vùng mỏ và các mô hình cung cấp dịch vụ số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; từng bước xây dựng nền móng ngành công nghiệp văn hoá giàu bản sắc, đa dạng sản phẩm văn hoá từ các sản phẩm thủ công truyền thống đến các sản phẩm tiên tiến, hiện đại phù hợp với kỷ nguyên số hóa, phù hợp với nhiều đối tượng, thành phần đưa ngành này trở thành động lực mới, mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế di sản.
Hội thảo đã nhận được gần 80 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau. Trên cơ sở làm rõ thực trạng, những thế mạnh, cùng với cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản về cơ chế, chính sách và trong thực thi các cơ chế, chính sách để tỉnh Quảng Ninh phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực kinh tế di sản, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển đã đề ra trong nhiệm kỳ 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, năm 2045.
Những nội dung của các tham luận và những ý kiến tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý sẽ được chắt lọc, gửi đến các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới cơ chế, chính sách để tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung phát triển hiệu quả kinh tế di sản, góp phần tạo động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Từ những yêu cầu chung trong phát triển kinh tế di sản đến những cơ hội, thách thức và vấn đề đặt ra trong thực tiễn của Quảng Ninh đều có ý nghĩa rất quan trọng để định hình cho một xu hướng phát triển mới; đó là: văn hóa là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực quan trọng cho sự phát triển.
Hội thảo lần này, bằng trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý sẽ đề xuất được nhiều kiến nghị góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản; rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ nhiều góc nhìn khác nhau cho các địa phương trong cả nước, góp phần xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Ý kiến ()