Bốc xếp các thiết bị máy móc ở khu cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc). Tháng 4-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 55/2008/QĐ-TTg về đề án xây dựng “Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn”. Sau hơn hai năm triển khai xây dựng, khu kinh tế này đã có những bước chuyển, tạo nên bộ mặt mới ở khu vực cửa khẩu biên giới, nhưng cũng còn nhiều khó khăn thách thức…
Đến với Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hữu Nghị, vào những ngày đầu tháng 6, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là, con đường dẫn ra cửa khẩu không còn cảnh xe chở hàng và nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu xếp dọc hai ven đường, dẫn đến tắc đường mỗi khi hàng hóa được thông quan. Thay vào đó là bến xe tập kết hàng hóa và bến xe khách được xây dựng khang trang, rộng rãi, cả khu vực cửa khẩu không còn cảnh ngổn ngang, người và hàng hóa chen chúc ra cửa khẩu. Giám đốc Công ty TNHH Xuân Cương Nguyễn Hùng Cương cho biết: Hơn hai năm nay, Công ty đã mạnh dạn vay vốn đầu tư 80 tỷ đồng để xây dựng bãi đỗ xe và khu thương mại dịch vụ II tại CKQT Hữu Nghị. Hiện nay, mặc dù khó khăn về giá cả tăng cao, nhưng Công ty vẫn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình và đã đưa vào sử dụng bãi đỗ xe, giải quyết việc làm cho hơn một trăm lao động. Cũng tại khu vực cửa khẩu, HTX Hữu Nghị tập trung xây dựng các kho, bến, phục vụ bốc xếp hàng hóa, vận chuyển khách. Chủ nhiệm HTX Hữu Nghị Vi Xuân Toàn nói: Được thành lập hơn 10 năm nay, HTX làm nhiệm vụ xếp dỡ thủ công, cẩu, nâng hạ vận tải hàng hóa, trông giữ phương tiện cho các doanh nghiệp (DN) tại cửa khẩu, nhờ đó luôn tạo việc làm cho hơn 200 lao động là con em các dân tộc huyện Cao Lộc.
Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng CKQT Hữu Nghị Nông Văn Tám cho biết: Bình quân hằng ngày, cán bộ chiến sĩ làm thủ tục xuất nhập cảnh từ 2.500 người đến 3.000 lượt người, chủ yếu là khách tham quan du lịch và các DN, thương gia, du học sinh đi lại, bên cạnh đó phía lực lượng hải quan hằng ngày cũng mở tờ khai cho hàng trăm DN thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này hằng năm chiếm hơn 70% so với các cửa khẩu khác… Do lượng hàng hóa và khách xuất nhập cảnh luôn tăng cao, một số DN của tỉnh đã mở nhiều loại dịch vụ phục vụ các hoạt động tại khu vực cửa khẩu được nhanh chóng gọn nhẹ. Các lực lượng chức năng như: biên phòng, hải quan, kiểm dịch y tế… làm việc tại cửa khẩu đang từng bước được xây dựng hạ tầng, trang bị thiết bị làm việc ngày càng chính quy, hiện đại.
Để phát huy lợi thế Khu kinh tế cửa khẩu, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư vào khu kinh tế. Vì vậy, sau hai năm (từ năm 2008 đến nay) triển khai quyết liệt, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã có 28 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 4.520 tỷ đồng, trong đó chín dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Sau một thời gian triển khai, một số dự án đã đi vào hoạt động như: Mở rộng bãi đỗ xe CKQT Hữu Nghị, Nhà máy chế biến chì thỏi Hâm Thiêm, Trung tâm thương mại Bắc Sơn… Hiện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có báo cáo khởi động dự án phát triển toàn diện kinh tế – xã hội thị trấn Đồng Đăng, đề xuất đầu tư hạ tầng CKQT Hữu Nghị, xây dựng năng lực với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 31,5 triệu USD… Trong thời gian tới, khu kinh tế tiếp tục kêu gọi đầu tư triển khai dự án RETA về xây dựng và phát triển Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng- Bằng Tường (Việt – Trung).
Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn được hình thành trên diện tích 394 km2; là khu kinh tế tổng hợp, đa chức năng, trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu, chú trọng du lịch thương mại, dịch vụ chất lượng cao và chế biến nông, lâm sản, sản xuất ô-tô, hóa chất… Về cơ bản, Khu kinh tế được phân thành hai khu chức năng là khu phi thuế quan và khu thuế quan; hạt nhân giữ vai trò chủ đạo trong khu kinh tế là TP Lạng Sơn và Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng. Mô hình phát triển này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; góp phần thúc đẩy sự hợp tác phát triển 'Hai hành lang, một vành đai kinh tế' Việt Nam – Trung Quốc, khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc và hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng…
Mặc dù mới triển khai hơn hai năm, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã có những bước chuyển, song vẫn còn nhiều bất cập. Là một tỉnh còn nghèo, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, mặt khác do phải tạm đình, hoãn, giãn nhiều công trình, cho nên gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư vào Khu kinh tế. Phó Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn Lăng Văn Thạu nói: Mỗi năm tỉnh mới được T.Ư bố trí từ nguồn vốn hỗ trợ theo mục tiêu đầu tư Khu kinh tế hơn 60 tỷ đồng, chỉ đủ chi trả cho các dự án quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở ở cửa khẩu Hữu Nghị… Nếu đầu tư nhỏ giọt, thì cơ sở hạ tầng ở các Khu kinh tế sẽ chậm được triển khai, thậm chí có nhà đầu tư phải bỏ dự án, vì cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; công tác giải phóng mặt bằng chậm. Giám đốc Công ty cổ phần Sao Vàng Nguyễn Minh Phương bức xúc nói: Công ty được tỉnh quy hoạch hơn 1,5 ha, để xây dựng các công trình tiện ích, Công ty đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Bến xe phía bắc hơn bốn năm nay, nhưng do chưa thống nhất trong việc đình chỉ bến xe trong thành phố vì quá tải và nằm trong quy hoạch nhưng triển khai quá chậm… làm cho bến xe mới xây lên chỉ để 'ngắm', ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN. Nhất là trong thời gian tới thực hiện lộ trình vận tải hành khách quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, vì việc mở rộng bến, sẽ vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Đánh giá và khẳng định sự phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Phùng Thanh Kiểm nhận định: Những năm qua, Lạng Sơn đang từng bước trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ của khu vực. Vì vậy, tỉnh Lạng Sơn xác định thương mại, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xác định, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, trở thành vùng kinh tế động lực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương. Song trong quá trình phát triển, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đầu tư xây dựng hạ tầng các khu kinh tế nếu không có sự hỗ trợ từ T.Ư thì việc triển khai xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn sẽ kém hiệu quả. Vì vậy, cần phải xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù riêng, từ sự hỗ trợ vốn ngân sách T.Ư cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu quan trọng trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()