Phát triển khu công nghiệp ở Thừa Thiên - Huế
Sản xuất công nghiệp sợi tại KCN Phú Bài (Thừa Thiên - Huế). Thừa Thiên - Huế là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền trung. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là định hướng xây dựng thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh đã chú trọng hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) gắn với phát triển đô thị, nhằm thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.Những kết quả đáng khích lệVới lợi thế sẵn có, trong những năm qua, kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế có bước phát triển khá toàn diện, tăng trưởng GDP đạt hơn 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực chính nhằm phát triển kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh hiện đã hình thành bảy KCN, với diện tích hơn 2.800 ha. Ngoài KCN 560 ha trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tại huyện Phú Lộc), sáu KCN còn lại phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã...
|
Những kết quả đáng khích lệ
Với lợi thế sẵn có, trong những năm qua, kinh tế của tỉnh Thừa Thiên – Huế có bước phát triển khá toàn diện, tăng trưởng GDP đạt hơn 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực chính nhằm phát triển kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh hiện đã hình thành bảy KCN, với diện tích hơn 2.800 ha. Ngoài KCN 560 ha trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (tại huyện Phú Lộc), sáu KCN còn lại phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã trong tỉnh với tổng diện tích hơn 2.160 ha, có đầy đủ các dịch vụ phục vụ các nhà đầu tư. Đó là các KCN Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, Quảng Vinh, Phú Đa và La Sơn.
Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, thông qua các hội thảo xúc tiến đầu tư trong nước, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như việc đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư vào các KCN của tỉnh, trong năm 2010, Thừa Thiên – Huế đã thu hút 15 dự án đầu tư vào các KCN, với diện tích thuê đất hơn 155 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Riêng bảy tháng đầu năm 2011, liên tiếp đón nhận nhiều dự án đầu tư mới vào các KCN cũng như mở rộng quy mô với tổng vốn đăng ký hơn 770 tỷ đồng. Đây thật sự là con số khá ấn tượng, là động lực để các KCN tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, hoàn thiện hệ thống điện, đường, viễn thông, cấp thoát nước và xử lý môi trường để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Đến nay, các KCN trong tỉnh đã thu hút 72 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, vốn thực hiện hơn 3.500 tỷ đồng (đạt khoảng 50% tổng vốn đăng ký). Trong số các dự án đã đầu tư vào các KCN trong tỉnh, có 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký hơn 3.125 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, nguồn nhân lực chất lượng cao…, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh; giá trị sản xuất công nghiệp tại các KCN ước đạt 700 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ); tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt hơn 2.852 tỷ đồng, tăng 58,7%; giá trị xuất khẩu đạt 89,4 triệu USD, tăng 105,9%…
KCN Phú Bài, KCN đầu tiên của Thừa Thiên – Huế từ một KCN quy mô nhỏ đến nay đã mở rộng diện tích lên gần 820 ha; đã thu hút 46 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3.488 tỷ đồng. Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng KCN Phú Bài, Trần Cao Tuấn cho biết: KCN Phú Bài có tổng diện tích là 818 ha. Giai đoạn I và II, đã cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật; các dự án đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Với kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, trong giai đoạn I và II, KCN Phú Bài đã tuân thủ quy hoạch, đó là hoàn tất các hạng mục công trình như đường giao thông, cấp điện, cấp nuớc, hệ thống xử lý nước thải tập trung, kho thông quan, điện chiếu sáng, cây xanh. Từ đó, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại KCN gặp khá nhiều thuận lợi, tổng doanh thu năm 2010 ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 100 triệu USD. Riêng những tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại KCN Phú Bài chiếm 19% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp 50% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
KCN Phong Điền (huyện Phong Điền) với diện tích 400 ha, đến nay đã thu hút ba nhà đầu tư hạ tầng và bảy dự án sản xuất công nghiệp, hình thành KCN chuyên chế biến khoáng sản, các sản phẩm cao cấp từ cát thạch anh. Mở đầu là dự án đầu tư hạ tầng khu C – KCN Phong Điền do Công ty TNHH C&N VINA Huế – Hàn Quốc làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng trên diện tích 110 ha với tổng vốn đầu tư chiếm 368 tỷ đồng, dự án bao gồm công trình hạ tầng KCN, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, xử lý nước thải và các hạng mục liên quan. Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 9-2011. KCN Phú Đa (huyện Phú Vang), vừa khánh thành đưa vào sử dụng dự án Nhà máy sản xuất gạch bê-tông siêu nhẹ của Công ty TNHH Trường An với tổng kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng, công suất 40.000m3/năm.
Ưu tiên thu hút các ngành mũi nhọn
Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, Nguyễn Hữu Trân cho biết: Bảy tháng đầu năm 2011, nhờ tăng cường hoạt động quảng bá, vận động, xúc tiến, kêu gọi đầu tư, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đầu tư vào các KCN trong tỉnh gần 20 dự án, trong đó trọng tâm là các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, các dự án sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ, may mặc, ván ép, chế biến cát…; hình thành và đưa vào hoạt động các KCN La Sơn, Tứ Hạ, Quảng Vinh và Phú Đa. Năm năm (2006-2010), tổng doanh thu trong các KCN đạt hơn 11.400 tỷ đồng, trong đó sản xuất công nghiệp đạt 11.400 tỷ đồng; dịch vụ thương mại đạt gần 20 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 314 triệu USD. Tổng nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong KCN đạt hơn 1.500 tỷ đồng.
Giai đoạn từ nay đến 2015, thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên – Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương”, tỉnh Thừa Thiên – Huế ưu tiên phát triển nhanh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như thủy điện, xi-măng, bia; các sản phẩm xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như dệt may, chế biến, khoáng sản. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%/năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài và có tính chiến lược là: Cần điều chỉnh các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết theo hướng gắn quy hoạch phát triển các KCN với quy hoạch phát triển khu đô thị; gắn quy hoạch chi tiết từng KCN với quy hoạch nhà ở, công trình phục vụ đời sống người lao động làm việc trong các KCN. Tỉnh sẽ huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào các KCN, cải cách hành chính; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là công tác đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng tại các KCN, tạo các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến với các KCN trong tỉnh; đào tạo và cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp trong KCN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()