tle=”Phát triển khu công nghiệp ở Đồng Nai”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Công nhân Công ty điện tử SPITFIRE, Khu công nghiệp AMATA (Đồng Nai) lắp ráp linh kiện điện tử.
Đồng Nai đã tạo được ấn tượng về sự “bứt phá” trong quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH). Từ thực tiễn ở Đồng Nai đã có thể rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho nhiều địa phương về phát triển khu công nghiệp (KCN).
Địa phương có nhiều KCN nhất nước
Ở thời điểm sau năm 1975, Đồng Nai chỉ có duy nhất KCN Biên Hòa 1, KCN hình thành sớm nhất cả nước. Từ thực tiễn KCN Biên Hòa 1 và thành công bước đầu của KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai đã từng bước rút kinh nghiệm và mở ra hướng đột phá mới, tập trung quy hoạch xây dựng thêm các KCN không chỉ ở TP Biên Hòa, mà ở tất cả các địa phương của tỉnh đều có KCN.
Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Võ Thanh Lập cho biết, hơn 20 năm phát triển công nghiệp, Đồng Nai đã thu được nhiều thành tích, là tỉnh đi đầu trong xây dựng, phát triển và dẫn đầu cả nước về số lượng KCN với 30 KCN tổng diện tích 9.573 ha và 43 cụm công nghiệp, thu hút 1.130 dự án từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD và hơn 31.600 tỷ đồng, thu hút hơn 375 nghìn lao động đang làm việc tại các KCN, trong đó hơn 60% là người ngoài tỉnh.
Công nghiệp phát triển giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Nếu trước giai đoạn đổi mới, năm 1985 xuất khẩu của Đồng Nai chỉ đạt khoảng hai triệu USD, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp như: cao-su, hạt điều… thì năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 6,4 tỷ USD. Nằm trong nhóm 5 và chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phố giữ vai trò quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước ta. Tính chung, hơn 10 năm từ 1999 đến 2010, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai tăng bình quân khoảng 20%. Kinh tế công nghiệp phát triển nhanh đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ. Từ một tỉnh nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo chiếm hơn 50% GDP đến năm 2010, công nghiệp chiếm tỷ trọng 57,2%, dịch vụ 34,1%, nông nghiệp chỉ còn 8,7%. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, GDP bình quân đầu người từ 1,8 triệu đồng (năm 1990) tăng lên 29,6 triệu đồng (năm 2010).
Để có được thành công như ngày nay, ngay từ những năm 1989-1990, tỉnh đã cử cán bộ đi tìm hiểu, nghiên cứu các KCN ở nước ngoài. Từ năm 1991 đến nay, các cấp chính quyền đã chủ động vận dụng một cách linh hoạt những chính sách ưu đãi đầu tư chung, với phương châm 'chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp' thường xuyên và trực tiếp giải quyết những vướng mắc của các nhà đầu tư, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Đồng Nai xác định rõ lợi thế so sánh của địa phương, coi đó là cơ sở quan trọng để tỉnh khai thác nội lực, thu hút ngoại lực mạnh mẽ và hợp lý. Đồng thời, xác lập đúng hướng đi cho từng thời kỳ, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, và tập trung các nguồn lực phát triển mạnh những ngành, lĩnh vực, vùng, sản phẩm có lợi thế theo hướng ứng dụng ngày càng cao thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tỉnh cũng đã chú trọng xây dựng chiến lược và các kế hoạch, chương trình cụ thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề để có thể nắm bắt kịp thời công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho yêu cầu CNH, HĐH đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn để thực hiện việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình phát triển công nghiệp, Đồng Nai luôn coi trọng gắn phát triển kinh tế với vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tầng lớp nhân dân có cơ hội được hưởng thành quả của quá trình CNH, HĐH, hạn chế chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư.
Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Công nghiệp phát triển mạnh đã mang lại cho Đồng Nai một bộ mặt mới trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để Đồng Nai thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, phấn đấu xây dựng Đồng Nai cơ bản thành tỉnh CNH, HĐH vào năm 2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, thì phải giải quyết tốt nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng tăng trưởng, môi trường và an sinh xã hội, đó là: Việc thu hút đầu tư chưa chú ý chọn lọc dự án từ giai đoạn ban đầu, cho nên nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có doanh thu lớn nhưng công nghệ chưa sạch, chưa thân thiện với môi trường, thậm chí chỉ dừng ở gia công, lắp ráp nên phụ thuộc vào nguyên, vật liệu nhập khẩu như các cơ sở giày da, dệt may…
Theo số liệu thống kê của các sở, ngành tỉnh Đồng Nai, hơn 60% hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp là hàng gia công, cho nên giá trị gia tăng không lớn. Qua khảo sát thực tế của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2004 đến 2009 tại 805 doanh nghiệp cho thấy, chỉ có 141 doanh nghiệp có hệ số năng lực công nghệ đạt mức tiên tiến (đạt 17,57%). Trong khi đó, doanh nghiệp có trình độ công nghệ ở mức trung bình là 571, chiếm đến 71%, còn lại là các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu. Điều này làm cho kim ngạch xuất khẩu thấp hơn kim ngạch nhập khẩu, cụ thể: Bốn tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 3 tỷ USD, ngược lại kim ngạch nhập khẩu là 3,5 tỷ USD.
Vấn đề cần quan tâm nữa là, việc lấy đất nông nghiệp để xây dựng các KCN, phục vụ cho các dự án đô thị hóa nảy sinh nhiều vấn đề về đời sống, việc làm cho nông dân. Đây là điều đang nổi cộm, bức xúc ở nông thôn Đồng Nai và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền nam, sự chuyển dịch đất nông nghiệp theo xu hướng mất cân đối và xu hướng giảm diện tích đất bình quân trên mỗi hộ nông dân diễn ra khá nhanh ở hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Giai đoạn 1995-2000, có hơn 40% hộ giảm bớt đất, bình quân 0,73 ha/hộ và hơn 70% hộ giảm đất trong 10 năm gần đây. Cùng với việc mở các lớp đào tạo, dạy nghề, áp dụng chính sách thu hút nguồn lao động địa phương vào làm việc ở các cơ sở trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp cần quan tâm giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, chế độ phúc lợi cho công nhân và người dân trên địa bàn. Có như vậy mới tạo sự phát triển ổn định và bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()