Phát triển khoa học và công nghệ: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh
- Giai đoạn trước năm 2012, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế như kinh phí hỗ trợ thấp; chưa có doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực KH&CN; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa hình thành; số lượng đề tài nghiên cứu khoa học còn ít, chưa có nhiều đơn vị tham gia; công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức; đóng góp của KH&CN vào các lĩnh vực trong đời sống, sản xuất chưa rõ nét... Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 91-CTr/TU ngày 29/10/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, KH&CN đã có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống, sản xuất và góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Cụ thể hóa chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực KH&CN, cụ thể như: Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020; Đề án thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình nghiên cứu khoa học thuộc Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch KHCN và đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025... phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Cùng đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất; ban hành các nghị quyết về nội dung chi và mức chi thực hiện hoạt động KH&CN, hoạt động sáng kiến, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, hoạt động sáng kiến, hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương… tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho phát triển KH&CN trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua hoạt động sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội, họp thôn, khu dân cư… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KH&CN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của các tầng lớp nhân dân, từng bước đưa các kế hoạch thực hiện KH&CN vào cuộc sống.
Giai đoạn 2013 - 2023, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 206 đề tài, dự án KH&CN, trong đó, 99 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 68 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội; 19 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực y dược; 20 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Đáng chú ý, hơn 90% đề tài, dự án KH&CN sau khi nghiên cứu thành công đều được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
|
Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu, phát triển KH&CN được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2023, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 206 đề tài, dự án KH&CN, trong đó, 99 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 68 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội; 19 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực y dược; 20 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh triển khai 70 đề tài, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đáng chú ý, hơn 90% đề tài, dự án KH&CN sau khi nghiên cứu thành công đều được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần giúp người sản xuất nâng cao thu nhập. Việc đẩy mạnh triển khai các đề tài, dự án KH&CN vào đời sống, sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, hàng nghìn đề tài, sáng kiến cấp cơ sở cũng được đề xuất và ứng dụng vào thực tiễn công tác, sản xuất.
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Xác định tiềm năng của tỉnh Lạng Sơn là nông lâm nghiệp, Sở KH&CN tập trung xây dựng các chương trình, dự án, mô hình đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng phát triển bền vững và nâng cao năng suất, chất lượng vùng sản xuất tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, bám sát nhu cầu thực tiễn của người dân. Nhiều mô hình được triển khai như: thâm canh hồng không hạt, na, quýt, rau... theo tiêu chuẩn VietGAP; phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây trồng; thiết lập và giám sát mã số vùng trồng;... Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã chọn tạo trên 10 giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng đưa vào thực tiễn sản xuất với 204 mô hình được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương được 3.676 ha cây trồng các loại.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển tổ chức KHCN thường xuyên được đẩy mạnh. Sở KH&CN đã chủ động hỗ trợ các đơn vị, tập thể, cá nhân xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương; triển khai thực hiện dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực hệ sinh thái KNĐMST… Đến nay, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp KH&CN, 6 tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, nông nghiệp, dịch vụ đo lường chất lượng... Trong giai đoạn 2013 - 2023, có trên 600 nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ, trong đó có 4 chỉ dẫn địa lý; 8 nhãn hiệu chứng nhận; 32 nhãn hiệu tập thể; còn lại là các nhãn hiệu thông thường. Nhiều cá nhân, nhóm khởi nghiệp đã được hỗ trợ khởi nghiệp thành công, các sản phẩm không chỉ có chỗ đứng trên thị trường mà còn tạo ra việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Anh Nguyễn Hữu Điện, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2019, tôi khởi nghiệp với sản phẩm khô heo mác mật và sốt ướp thực phẩm hương vị mác mật. Sau hơn 5 năm khởi nghiệp với sự hỗ trợ rất lớn từ Sở KH&CN, Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh trong việc tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm, xây dựng cơ sở sản xuất, phát triển thị trường… đến nay, cơ sở sản xuất sản phẩm khô heo mác mật của gia đình tôi đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, sản phẩm của chúng tôi đã được người tiêu dùng các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… ưa chuộng. Mô hình này mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm cho gia đình tôi.
Các đề tài, dự án, công trình nghiên cứu khoa học có mối quan hệ chặt chẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc ứng dụng các đề tài, dự án KH&CN vào thực tiễn công tác, đời sống, sản xuất không chỉ làm giảm thời gian, công sức, kinh phí mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 21,02% (năm 2012) xuống còn 6,02% (năm 2023) và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()