Phát triển hợp tác xã thủy sản: Cách làm ở Bắc Sơn
(LSO) – Với sự năng động, nhạy bén của các hợp tác xã (HTX) cùng với sự hỗ trợ nguồn lực của nhà nước, các HTX thủy sản trên địa bàn huyện Bắc Sơn ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Chủ động từ HTX
Được thành lập từ năm 2011, HTX Cường Thịnh, thôn Làng Càng 1, xã Trấn Yên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi thả cá trên hồ Phai Thuống. Tuy nhiên, việc nuôi thả và thu hoạch trên hồ đem lại hiệu quả không cao do diện tích mặt nước rộng, khó chăm sóc, thu hoạch… Ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động, sau khi đi học tập một số mô hình ở trong và ngoài huyện, HTX đầu tư nuôi 11 lồng cá. Việc nuôi cá lồng vẫn tận dụng được diện tích mặt nước, đồng thời thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Đến nay, đàn cá thương phẩm sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sản lượng cá lồng năm nay thu hoạch trên 11 tấn, trong đó, cá rô phi bắt đầu cho thu hoạch và các loại cá khác sẽ thu hoạch sau.
Một trường hợp khác, đó là HTX thủy sản Lân Vực, thôn Bản Rọong, xã Đồng Ý. Ông Phùng Văn Quyển, Giám đốc HTX chia sẻ: Hiện nay HTX có 7 thành viên với tổng diện tích nuôi cá là 24.000 m2. Trước đây, diện tích này chủ yếu là đất trồng lúa đem lại hiệu quả kinh tế thấp, mỗi năm chỉ thu từ 60 đến 80 triệu đồng. Từ khi chuyển sang nuôi cá, giá trị kinh tế cao hơn hẳn trên cùng diện tích. Trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 6 tấn cá thịt, thu về 360 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 280 triệu đồng/năm.
Người lao động HTX Cường Thịnh, xã Trấn Yên cho cá ăn
Cùng với 2 HTX kể trên, trên địa bàn huyện Bắc Sơn còn có các HTX nuôi trồng thủy sản khác đã không ngừng nỗ lực, linh hoạt trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, như: HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn; HTX Tam Hoa, xã Hưng Vũ; HTX thủy sản Khuôn Ngần, xã Đồng Ý.
Hỗ trợ phát triển
Bên cạnh sự chủ động, linh hoạt của các HTX, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ phát triển thủy sản nói chung và các HTX thủy sản nói riêng, những năm gần đây, huyện Bắc Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ nguồn lực cho các HTX.
Trở lại câu chuyện của HTX thủy sản Lân Vực. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của HTX, năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, HTX được nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ, HTX đối ứng thêm nguồn lực để xây dựng hệ thống mương dẫn nước để cung cấp nước cho các ao cá trong khu vực nuôi cá của HTX. Nguồn lực hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích giúp HTX chủ động nguồn nước, tiết giảm chi phí, công sức thành viên và người lao động, qua đó, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả của mình.
Tương tự HTX thủy sản Lân Vực, các HTX thủy sản khác trên địa bàn huyện Bắc Sơn cũng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi về diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là các hồ đập trên địa bàn huyện), phòng chuyên môn còn phối hợp tổ chức, tập huấn về kỹ thuật cũng như phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, các HTX còn được nhà nước hỗ trợ vật tư, phân bón, con giống; cải tạo, nâng cấp hạ tầng thiết yếu phục vụ nuôi trồng thủy sản…
Bằng sự chủ động của các HTX, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, các HTX thủy sản trên địa bàn huyện Bắc Sơn đang phát triển nhanh và mạnh. Toàn huyện hiện có 5 HTX thủy sản, chiếm trên 35% số HTX thủy sản toàn tỉnh với tổng số vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân thành viên và người lao động từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Ý kiến ()