Phát triển hợp tác xã nông nghiệp: Tăng đối thoại, gỡ khó khăn
- Thời gian qua, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp.
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 361 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó, có 313 HTX đang hoạt động. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã có một số chuyển biến tích cực trong hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư sản xuất hạn chế; thiếu sự liên doanh liên kết; chưa có định hướng phát triển lâu dài; năng lực tổ chức sản xuất HTX nông nghiệp còn yếu...
Nắm bắt khó khăn, kịp thời hỗ trợ
Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, điển hình là việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, HTX để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX, từ đó có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: HTX thành lập năm 2010 với 12 thành viên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2018 trở lại đây, mực nước hồ Vũ Lăng vào mùa khô xuống rất thấp, ảnh hưởng đến kinh doanh thuỷ sản. Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2023, HTX đã nêu vướng mắc về vấn đề này. Theo đó, sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đã có giải pháp để duy trì mực nước trung bình ở hồ Vũ Lăng, qua đó, đã tạo điều kiện để HTX hoạt động ổn định.
Tương tự HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong, HTX sản xuất, kinh doanh hồng vành khuyên Nà Mò, huyện Văn Lãng cũng là một ví dụ điển hình. Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2018, HTX thành lập với 7 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, thu mua và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hồng Vành khuyên. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồng Vành khuyên Nà Mò, năm 2021, HTX làm hồ sơ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm hồng Vành khuyên của HTX đã đạt OCOP 4 sao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, do vậy, trong hội nghị đối thoại doanh nghiệp, HTX nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HTX đã có kiến nghị hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Theo đó, trong năm 2023, sản phẩm của HTX đã được đơn vị chuyên môn cấp huyện, tỉnh hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong nước. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, hiện nay, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội...
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp nổi bật được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thông qua hội nghị đối thoại trực tiếp. Trong 3 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức 3 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tại sở với gần 100 lượt đại diện, doanh nghiệp, HTX tham dự.
Qua các cuộc gặp mặt, đối thoại đã có hơn 40 lượt ý kiến, kiến nghị trực tiếp của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp. Những kiến nghị của doanh nghiệp, HTX tại các chương trình đối thoại cơ bản được giải đáp và làm rõ tại hội nghị; với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, sở tổng hợp và báo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho các HTX.
Như vậy, có thể thấy, thời gian qua, bên cạnh việc giải đáp các kiến nghị của HTX tại các hội nghị đối thoại chung của tỉnh hoặc gián tiếp thông qua văn bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tích cực tổ chức các hội nghị đối thoại gặp mặt trực tiếp các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tại sở.
Trong 3 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức 3 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tại sở với gần 100 lượt đại diện, doanh nghiệp, HTX tham dự.
|
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, HTX là hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Thông qua hội nghị gặp mặt, đối thoại như vậy, giúp các HTX nắm thêm thông tin về các chính sách hỗ trợ, phát triển, đồng thời, các HTX được cơ quan chuyên môn giải đáp vướng mắc, từ đó làm cơ sở để HTX từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển.
Qua các hội nghị đối thoại, sở đã nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của HTX, từ đó, có những giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các HTX như: việc tiếp cận chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nguồn nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực điều hành cho Ban quản trị HTX, quảng bá tiêu thụ sản phẩm... Cụ thể, riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, sở đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho Ban quản trị, ban giám đốc, thành viên HTX với 74 người tham dự, góp phần nâng cao năng lực quản trị, giúp HTX hoạt động hiệu quả; hỗ trợ 3 HTX tham gia hội chợ tại Quảng Ninh nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông, lâm sản...
Nhờ đó, các HTX hoạt động, phát triển ổn định, qua 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được khoảng 400 triệu đồng/năm (tăng 100 triệu đồng/năm so với năm 2020), thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 0,5 triệu đồng/người/tháng so với năm 2020).
Hy vọng rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, trong đó có việc gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của mình, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước vươn lên, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()