Phát triển hợp tác xã nông nghiệp: Bài học từ Hợp tác xã Hợp Thịnh
– Sau khi Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 được triển khai và đi vào thực tiễn, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng duy trì được hoạt động ổn định. Trường hợp của HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc là minh chứng rõ nét về việc phát triển không bền vững của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Từ những thành công
Được thành lập từ năm 2006, HTX Hợp Thịnh hoạt động với ngành nghề chính là trồng trọt và chăn nuôi. Giống như nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, thời điểm đó, hoạt động của HTX Hợp Thịnh còn manh mún, nhỏ lẻ, thường xuyên rơi vào tình trạng thu không bù chi. Sau khi tìm tòi, học tập kinh nghiệm ở một số nơi, HTX đã chuyển hướng sang mô hình nuôi lợn nái.
Ông Giang Văn Lùng, Phó Giám đốc HTX Hợp Thịnh cho biết: Ban đầu HTX thực hiện chăn nuôi gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Vừa làm, HTX vừa tích luỹ kinh nghiệm, huy động nguồn lực từ các thành viên cũ, vận động phát triển thêm các thành viên mới.
HTX Hợp Thịnh gần như không hoạt động trong thời gian qua
Từ đó, HTX có những bước phát triển rõ nét. Nếu như khi mới thành lập, vốn điều lệ của HTX chỉ có 100 triệu đồng thì đến năm 2018, nguồn vốn lên tới trên 40 tỷ đồng.
Có nguồn lực, kinh nghiệm, không chỉ mở rộng mô hình nuôi lợn nái, HTX chủ động đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh phân bón, cây dược liệu. Giai đoạn 2015 – 2018, HTX luôn duy trì 800 lợn nái, bình quân hằng năm cung ứng ra thị trường 10.000 đến 12.000 con lợn giống, trên 500 tấn phân bón và hàng trăm tấn dược liệu. Doanh thu tăng qua các năm (năm 2014 khoảng 2 tỷ đồng đến năm 2018 doanh thu đạt khoảng 25 tỷ đồng), thu nhập của người lao động trong HTX đạt 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ chủ động vượt khó vươn lên, HTX Hợp Thịnh còn là vai trò đầu mối, liên kết 8 HTX nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh để thành lập Liên hiệp HTX Đông Bắc. Đây là liên hiệp HTX có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.
Thế nhưng, đằng sau những “bảng vàng thành tích” của HTX lại là nhiều cầu chuyện buồn, đến tháng 8/2019, HTX tiến hành Đại hội cổ đông bất thường để kiện toàn lại ban lãnh đạo, từ đây, nhiều góc khuất trong hoạt động của HTX được phơi bày.
Đến vòng luẩn quẩn
Ngay sau khi đại hội bất thường của HTX Hợp Thịnh vào tháng 8/2019, các thành viên HTX đã có đơn kiến nghị gửi đến các cấp, các ngành và gần đây nhất là có đơn gửi đến Báo Lạng Sơn. Nội dung chính của đơn là đề nghị điều tra vi phạm đối với bà Lý Bích Linh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Hợp Thịnh giai đoạn 2013 – 2019.
Trong rất nhiều nội dung được nêu trong đơn kiến nghị thì phần lớn tập trung vào các nội dung liên quan đến việc vi phạm Luật HTX năm 2012 của Bà Lý Bích Linh như: không có quy chế hoạt động của Hội đồng Quản trị, để mất tài liệu, sổ sách liên quan đến HTX; lạm dụng quyền hạn và nhiệm vụ; vô hiệu hoá ban kiểm soát; không phân phối thu nhập và trích lập các quỹ; vay mượn không công khai, không bàn bạc trong hội đồng quản trị; gian dối trong công bố tài chính nhằm tăng chi phí, giảm doanh thu; không bàn giao, công khai cho thành viên liên quan đến tiền, hồ sơ, tài liệu…
PV Báo Lạng Sơn làm việc với ban lãnh đạo HTX Hợp Thịnh
Những vi phạm đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của HTX. Ví dụ như việc vay mượn tiền. Theo nội dung trong đơn, việc bà Linh vay, mượn tiền không công khai, không bàn bạc trong hội đồng quản trị. Trong đó có khoản vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc hơn 8 tỷ đồng và không có khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, bà Linh còn bị tố cáo “rút ruột” tài chính HTX Hợp Thịnh để đầu tư vào các doanh nghiệp, HTX khác mà không báo cáo, công khai cho các thành viên như góp 600 triệu đồng vào HTX Tô Hiệu, huyện Bình Gia; tự ý trả lại vốn góp của thành viên khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính của thành viên (HTX còn nợ các khoản đến khi bà Linh bàn giao lại là 24 tỷ đồng); ký kết bao tiêu sản phẩm nông sản nhưng không tiêu thụ được… Không những vậy, bà Linh còn bị các thành viên của HTX Hợp Thịnh tố cáo hàng loạt sai phạm khác gây thất thoát và để lại hậu quả lớn cho HTX Hợp Thịnh như: không bàn giao, không công khai cho các thành viên về các nội dung liên quan đến tiền, hồ sơ, sổ sách dẫn đến hiện nay, HTX đang phải gánh nhiều khoản nợ không rõ ràng, không có nguồn lực để duy trì phát triển sản xuất…
Trao đổi với ông Vy Văn Minh, đại diện HTX Hợp Thịnh cho biết: Toàn bộ nội dung trong đơn được Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc và các thành viên HTX Hợp Thịnh thống nhất. HTX mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, đồng thời yêu cầu bà Lý Bích Linh phối hợp với ban lãnh đạo mới của HTX để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sổ sách, giấy tờ, các khoản vay nợ.
Từ cuối tháng 10/2020 đến ngày 10/11/2020, phóng viên Báo Lạng Sơn đã liên lạc với bà Lý Bích Linh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Hợp Thịnh với mục đích gặp, trao đổi, làm rõ những vấn đề trong đơn của HTX Hợp Thịnh. Tuy nhiên, bà Linh đã nhiều lần từ chối và hẹn sẽ gặp sau.
Tính chính xác trong đơn kiến nghị của các thành viên HTX sẽ do cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng thực tế mà chúng tôi nhìn thấy hiện nay chính là sự “tụt dốc” một cách thảm hại của HTX đã từng là điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh. Đến ngày 16/11/2020, trao đổi với lãnh đạo HTX Hợp Thịnh, được biết, hoạt động của HTX hiện đang đình trệ. Cả trang trại chăn nuôi lợn rộng 5 ha hiện giờ chỉ còn 38 con lợn nái và 50 con lợn thịt; mô hình liên kết trồng dược liệu hiện cũng đã dừng triển khai. Trong khi đó, nhiều khoản nợ chưa có hướng giải quyết.
Hướng đi nào cho HTX nông nghiệp
Từng là cánh chim đầu đàn trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, sự “tụt dốc không phanh”, yếu kém trong hoạt động hiện nay của HTX Hợp Thịnh là điều đáng tiếc. Thế nhưng, từ thành công đến vòng luẩn quẩn của HTX Hợp Thịnh cũng chính là một bài học kinh nghiệm để các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn nhận và có hướng đi cho phù hợp.
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Một trong những bài học thấm thía nhất chính là việc hoạt động của HTX chưa đầy đủ theo Luật HTX năm 2012. Cụ thể trong các kiến nghị của HTX Hợp Thịnh thì có đến 15 nội dung liên quan đến việc vi phạm Luật HTX năm 2012. Bên cạnh vi phạm các điều Luật HTX năm 2012, một bài học khác rút ra từ HTX Hợp Thịnh chính là việc đầu tư dàn trải, không đúng năng lực, thiếu công khai minh bạch trong nhiều hoạt động, không phát huy vai trò của ban kiểm soát HTX, vi phạm Luật Kế toán…
Không chỉ riêng HTX Hợp Thịnh mà trên thực tế hoạt động, nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp những khó khăn tương tự nêu trên. Chính vì vậy, để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm và có những giải pháp cụ thể hơn nữa để hỗ trợ các HTX không chỉ vươn lên phát triển mà còn hướng đến phát triển bền vững.
Trong đó, công tác tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 cần được tăng cường. Trong những năm qua, công tác này đã được Liên minh HTX tỉnh cùng các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, tuy nhiên số lượng các lớp, đối tượng tham gia cần được mở rộng. Cụ thể, công tác tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 chỉ tập trung chủ yếu cho đối tượng là các sáng lập viên (các trường hợp chưa thành lập HTX), còn các HTX đã hoạt động ít tham gia hơn. Trong khi thực tế tìm hiểu ở nhiều HTX đang hoạt động trên địa bàn thì chính các thành viên cũng chưa hiểu hết, hiểu rõ về Luật HTX năm 2012.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền thì công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX cần được quan tâm hơn nữa. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện đưa những chính sách hỗ trợ đến với các HTX. Đặc biệt gần đây nhất, ngày 10/12/2019 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ các HTX nông nghiệp. Từ đó tạo động lực, nguồn lực để các HTX trên địa bàn tỉnh từng bước vươn lên phát triển nhanh, bền vững.
TÂN AN - LƯU VŨ
Ý kiến ()