Phát triển hồng không hạt Bắc Cạn
Những năm vừa qua, tỉnh Bắc Cạn tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật để bảo tồn, phát triển hồng không hạt - một giống cây đặc sản của địa phương nhằm tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm vừa qua, tỉnh Bắc Cạn tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật để bảo tồn, phát triển hồng không hạt – một giống cây đặc sản của địa phương nhằm tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Khẳng định một thương hiệu
Tiến sĩ Ðỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH – CN) Bắc Cạn cho biết: Thời gian qua, chúng tôi phối hợp với Viện Nghiên cứu rau – quả Trung ương, Trường đại học Nông – Lâm Thái Nguyên nghiên cứu, phát triển hồng không hạt Bắc Cạn là loại cây bản địa, mang nguồn gien quý hiếm, sinh trưởng và phát triển ở vùng đất và khí hậu đặc thù, kinh nghiệm ngâm hồng của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã tạo ra giá trị riêng biệt. Ðó là không có hạt, vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng, không sử dụng hóa chất bảo quản. Chất đất ở các huyện Chợ Ðồn, Ba Bể và Ngân Sơn có một số nguyên tố vi chất như kẽm, đồng, bo… và khí hậu ở những nơi này rất đặc thù, từ tháng 8 trở đi, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch, ngày nắng, cây hồng quang hợp ánh nắng mặt trời tốt, ban đêm nhiệt độ giảm thấp giúp cho quá trình tích lũy các chất hữu cơ vào quả tốt hơn. Tháng 9-2010, hồng không hạt Bắc Cạn là nông sản thứ 21 của cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH – CN) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Khi đã có thương hiệu và tăng cường quảng bá đến người tiêu dùng, cho nên những năm gần đây, hồng không hạt Bắc Cạn đã mang lại thu nhập khá cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tết Trung thu vừa qua, nhiều thương lái từ TP Hải Phòng, Hà Nội, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh mang ô-tô đến tận các địa phương trong tỉnh thu mua hồng, giá bình quân 25 nghìn đồng/kg; quả to, đều bán được giá 30 nghìn đồng/kg, cao hơn so với năm trước từ năm đến bảy nghìn đồng/kg. Ông Ðàm Ðức Vụ là người dân tộc Tày, thôn Nà Mèo, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể vui mừng: “Gia đình tôi có hơn 700 cây hồng, đến nay hơn 300 cây đã có quả, cây trồng lâu năm cho thu hoạch đến hơn một tạ quả. Dịp Tết Trung thu vừa qua, thương lái từ Hà Nội đánh ô-tô đến tận nhà mua hồng”. Năm nay, ông Vụ dự kiến sẽ thu khoảng hơn 400 triệu đồng từ bán hồng. Anh Hoàng Văn Phong ở thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Ðồn trồng gần 100 cây hồng, ban đầu chỉ để ăn chơi, ăn không hết thì vợ anh gánh ra chợ Bằng Lũng bán được đồng nào hay đồng ấy. Khi hồng không hạt Bắc Cạn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, ba năm trở lại đây, vợ anh Phong và bà con trong thôn chỉ phải vận chuyển hồng ra tỉnh lộ 254 là có thương lái thu mua hết. Hai năm nay, anh Phong trồng thêm 220 cây trên đất bãi. Thôn Bản Lác có 4 ha hồng cho thu hoạch, mỗi ha có khoảng 400 cây, mỗi cây bình quân cho 30 kg quả, cả bản xa xôi hẻo lánh có đồng bào dân tộc Tày cư trú sẽ thu được số tiền không nhỏ. Xã Quảng Bạch có khoảng 30 ha, tăng 5 ha so với năm trước, hiện nay đã có hơn 10 ha cho thu hoạch.
Năm 2006, huyện Chợ Ðồn có hơn 40 ha hồng không hạt, đến nay tăng lên 160 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Ðồn Hà Sĩ Huân cho biết: Hồng là cây ra quả ổn định, hầu như không có sâu bệnh, giá tăng cao trong những năm gần đây, lại phù hợp với chất đất, khí hậu của địa phương nên huyện khuyến khích nông dân phát triển vùng sản xuất hồng tập trung ở các xã phía bắc.
Giúp nông dân tăng thu nhập
Ở ba huyện Chợ Ðồn, Ba Bể và Ngân Sơn đến nay, người dân trồng được hơn 500 ha, trong đó có 350 ha đã cho thu hoạch. Mỗi ha hồng trưởng thành, chăm sóc đúng cách cho năng suất từ 100 đến 120 tấn quả, sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Thời gian qua, tỉnh Bắc Cạn đã có nhiều biện pháp tích cực cụ thể: quy hoạch không gian bảo tồn và phát triển, ban hành chính sách khuyến khích nông dân phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng…
Ðể bảo tồn nguồn gien quý, Sở KH-CN đã tuyển chọn 350 cây hồng đầu dòng, cây ưu tú và 1 ha cây ưu tú ở các địa phương. Ðây là những cây sinh trưởng khỏe, không sâu bệnh, chất lượng đặc trưng, năng suất ổn định để lấy mắt ghép. Chủ cây đầu dòng và cây ưu tú được cấp kinh phí để bảo tồn, được tập huấn chăm sóc, hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mắt của những cây này được Sở KH – CN Bắc Cạn ứng dụng kỹ thuật ghép với hồng gai, hồng trơn mà vẫn giữ được giá trị đặc trưng của hồng bản địa, giúp nhân giống nhanh, cây sinh trưởng khỏe thay thế cho phương pháp truyền thống giâm cành. Sau khi được chuyển giao phương pháp ghép mắt, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã tích cực nhân giống tại vườn ươm tập trung ở các huyện Ba Bể, Chợ Ðồn để cung cấp giống cho người dân.
Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ 50% giá giống cho nông dân ở vùng quy hoạch gồm các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Ðồn trồng. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện còn có chính sách hỗ trợ thêm cho nông dân, như huyện Ba Bể dùng vốn Chương trình 30a hỗ trợ, cấp giống miễn phí cho nông dân; huyện Chợ Ðồn hỗ trợ thêm 25% giá cây giống. Nhờ đó, mỗi năm đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Ba Bể, Chợ Ðồn và Ngân Sơn trồng mới được 100 ha hồng, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có một nghìn ha hồng.
Sở KH-CN Bắc Cạn cũng đang tích cực chuẩn bị thành lập Hội hồng không hạt Bắc Cạn, củng cố, thành lập mới các chi hội ở các huyện Chợ Ðồn, Ba Bể, Ngân Sơn nhằm tập hợp những người có nhiều diện tích, có kinh nghiệm và ưa thích trồng hồng. Từ đó, sẽ khai thác tốt hơn lợi thế về khí hậu, chất đất đặc thù, mang lại thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()