Phát triển hồ tiêu bền vững vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên
Hạn hán nghiêm trọng trong một thời gian dài ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của cây hồ tiêu, trong khi hồ tiêu ở đây chiếm 95% sản lượng tiêu của cả nước.
Theo Quy hoạch phát triển hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, trong đó tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đến 81% (40.500 ha). Diện tích hồ tiêu cho sản phẩm 47.000 ha, năng suất đạt bình quân 30 tạ/ha với tổng sản lượng đạt 140.000 tấn; trong đó, sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90% với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,2 – 1,3 tỷ USD.
Trong một thống kê gần đây của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), do lợi nhuận từ việc trồng tiêu mang lại cao nên nông dân ở các địa phương tự phát mở rộng diện tích tăng ồ ạt, trong khi đó kỹ năng trồng và chăm sóc không đúng quy trình nên một số diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh cho năng suất thấp, thậm chí ở một số nơi có nhiều diện tích bị mất trắng do bệnh gây hại. Cộng với hiện tượng ELNino gây hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên càng khiến cho diện tích tiêu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bởi thế, Cục Trồng trọt khuyến cáo, trước hết, các địa phương có diện tích trồng hồ tiêu, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cần kiên quyết thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo tính bền vững của cây hồ tiêu. Theo đó, các tỉnh khẩn trương rà soát lại công tác quy hoạch sản xuất hồ tiêu trên địa bàn, xác định vùng trồng và có kế hoạch vận động nông dân từng bước giảm diện tích ở những vùng ít thích hợp và không thích hợp với cây hồ tiêu; hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung để có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng về thuỷ lợi, giao thông, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến nhằm tiến tới sản xuất hồ tiêu an toàn, có thương hiệu. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn, có biện pháp phòng ngừa dịch hại phát sinh, phát triển toàn vùng, không để dịch bệnh gây hại trên diện rộng…
Liên quan tới kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu trong điều kiện hạn hán nghiêm trọng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ NN&PTNT khuyến cáo, đối với các diện tích đã bị chết, tùy vào điều kiện kinh tế, đất đai để trồng lại hoặc luân canh cây trồng khác. Những vườn cây ít bị ảnh hưởng cần chăm sóc ngay khi có nước tưới. Bón phân hợp lý, cân đối, kết hợp giữa phân chuồng, phân hữu cơ với phân hóa học.
Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại hồ tiêu ở các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản; tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường ở Trung Đông và châu Phi; tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với nông dân, hình thành mạng lưới thu mua trực tiếp tại các vùng trồng hồ tiêu; thường xuyên thông tin tình hình thị trường, giá cả; tích cực xây dựng “chỉ dẫn địa lý hồ tiêu” tại các vùng trồng tiêu có tiếng vang để tăng hiệu quả sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.
Cũng theo Cục Trồng trọt, trong những năm tới, Nhà nước cần đầu tư vốn cho các chương trình, đề tài nghiên cứu tuyển chọn giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông phục vụ thâm canh, tăng năng suất và chất lượng. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu hồ tiêu lớn mạnh để đảm đương nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai. Cần mở rộng tổ chức sản xuất có chứng nhận, nhanh chóng hình thành chỉ dẫn địa lý các vùng trồng hồ tiêu nổi tiếng để nâng cao uy tín, giá trị hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()