Phát triển hiệu quả nguồn nhân lực ngành bán dẫn
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực. Chính vì vậy, Chính phủ đưa ra quan điểm, trong công nghiệp bán dẫn thì phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá của đột phá.
Cần số lượng lớn nhưng thời gian đào tạo phải rất nhanh
Ước tính, ngành bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói đến kiểm thử chip bán dẫn. Như vậy có thể thấy, nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn rất lớn. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là vấn đề mang tính chiến lược và quốc gia nào nắm được, đào tạo được, quốc gia ấy sẽ thành công. Nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả công đoạn của chuỗi giá trị; đến năm 2050, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cả về chất lượng và số lượng. Theo đánh giá của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ KH-ĐT, sau quá trình triển khai thử nghiệm mô hình đào tạo kết hợp giữa nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp có thể khẳng định, mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn của Việt Nam là hoàn toàn khả thi, thậm chí còn có thể đào tạo được nhiều hơn. Riêng khâu thiết kế, đến năm 2030, chúng ta có thể đào tạo được ít nhất 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, vượt xa mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn.
Thực tế cho thấy, việc đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn hiện cần số lượng lớn và thời gian đào tạo phải rất nhanh do thời cơ tham gia chuỗi giá trị chỉ trong vài năm. Nhân lực công nghệ bán dẫn không đơn thuần phục vụ thị trường Việt Nam mà phải theo chuẩn quốc tế để có thể làm việc tại nước ngoài. Do vậy, mô hình liên kết trong đào tạo giữa nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Lực đẩy tự hợp tác giữa “3 nhà”
Chia sẻ về tầm nhìn của Đà Nẵng trong ngành bán dẫn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay: Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Xây dựng cơ sở pháp lý tạo ra chính sách thu hút đầu tư; chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực; thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Đầu năm nay, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động; thành phố đã ký kết hai hợp tác chiến lược với Tập đoàn Synopsys International Limited và Tập đoàn Intel để triển khai hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đà Nẵng cũng quyết định xây dựng đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại địa bàn. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.
Nhấn mạnh quan điểm nếu để các trường đại học "tự bơi" trong đào tạo nhân lực bán dẫn thì rất khó tạo đột phá, PGS, TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẳng định, với một lĩnh vực quan trọng như bán dẫn, việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết. “Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn là rất lớn, song phải có cơ chế mạnh mẽ để hỗ trợ công tác đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo, nhận sinh viên thực tập và chuyển giao công nghệ”, ông Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Về góc độ doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT thông tin, trong mục tiêu chung đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, Tập đoàn FPT cam kết đào tạo 10.000 nhân sự. Hiện công tác đào tạo đang được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống của doanh nghiệp này, từ các khóa ngắn hạn đến hệ cao đẳng, đại học. Tập đoàn FPT cũng đã và đang kết nối với các đối tác từ Mỹ, Nhật Bản để hợp tác đào tạo nhân lực. “Cơ hội việc làm của nhân lực ngành bán dẫn đang rất nhiều. Bao nhiêu nhân sự ngành bán dẫn đào tạo ra, FPT có thể nhận hết, thậm chí chưa đủ cho nhu cầu của doanh nghiệp. Khi gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản, họ có nhiều việc giao cho chúng ta nếu chúng ta có nguồn nhân lực. Việc của chúng ta là phải học nhiều để vươn lên", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Hiện, Bộ KH-ĐT đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, Bộ KH-ĐT đã đưa ra những gói cơ chế, chính sách đột phá đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về giáo dục-đào tạo, phát huy mối quan hệ "3 nhà" là nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nhân lực ngành bán dẫn.
Ý kiến ()