Phát triển hệ thống vệ tinh viễn thông
Dự kiến trung tuần tháng 5 tới, vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam Vinasat 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Ariane 5 (Pháp) từ bãi phóng Ku-ru (Guy-a-na thuộc Pháp). Sau khi lên quỹ đạo thành công, vệ tinh Vinasat 2 cùng vệ tinh Vinasat 1 hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao độ tin cậy an toàn cho mạng lưới viễn thông, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại và các dịch vụ chuyên dùng khác...Hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn viễn thôngPhát triển hệ thống vệ tinh viễn thông là một trong những định hướng phát triển hạ tầng thông tin được xác định rõ tại Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết, cùng với cáp quang, vi...
Dự kiến trung tuần tháng 5 tới, vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam Vinasat 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Ariane 5 (Pháp) từ bãi phóng Ku-ru (Guy-a-na thuộc Pháp). Sau khi lên quỹ đạo thành công, vệ tinh Vinasat 2 cùng vệ tinh Vinasat 1 hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao độ tin cậy an toàn cho mạng lưới viễn thông, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại và các dịch vụ chuyên dùng khác…
Hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn viễn thông
Phát triển hệ thống vệ tinh viễn thông là một trong những định hướng phát triển hạ tầng thông tin được xác định rõ tại Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết, cùng với cáp quang, vi ba, vệ tinh là một trong những phương thức truyền dẫn của hạ tầng viễn thông, có nhiều ưu điểm phù hợp một nước có địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, biển đảo như Việt Nam. Thực tế hoạt động của vệ tinh Vinasat 1 thời gian qua đã cho thấy hiệu quả của việc sử dụng phương thức truyền dẫn này. Năm 2008, vệ tinh đầu tiên của nước ta Vinasat 1 được phóng lên quỹ đạo và đến nay vệ tinh này hoạt động ổn định, phủ sóng rộng lớn tới các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo của đất nước, nhờ đó người dân nơi đây có thể tiếp cận được nhiều dịch vụ hiện đại. Trước đây, các đảo xa bờ hầu như không có tín hiệu viễn thông, truyền hình. Nay nhờ vệ tinh Vinasat 1, người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có thể gọi điện thoại di động, xem truyền hình chất lượng cao.
Phát triển vệ tinh viễn thông nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng viễn thông, một trong ba hạ tầng quan trọng (gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng phát thanh, truyền hình) của ngành thông tin và truyền thông. Đa dạng phương thức truyền dẫn sẽ tăng cường độ an toàn cho hệ thống thông tin, tạo độ tin cậy cho các đường truyền dẫn, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin. Theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, trước khi phóng vệ tinh Vinasat 1 lên quỹ đạo, Việt Nam đã bắt tay ngay vào việc tìm kiếm vị trí quỹ đạo cho vệ tinh thứ hai, đồng thời làm hồ sơ đăng ký sơ bộ với Liên minh Viễn thông thế giới (ITU). Và sau khi phóng thành công vệ tinh thứ nhất, năm 2008, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã đăng ký thành công vị trí quỹ đạo 131,8 độ Đông cho vệ tinh thứ hai. Thời điểm đó, việc tính toán phóng thêm vệ tinh thứ hai lên quỹ đạo được xác định dựa trên việc nghiên cứu, thăm dò nhu cầu thị trường cũng như sự cần thiết tăng thêm các phương thức truyền dẫn dự phòng, bảo đảm độ tin cậy và an toàn mạng lưới trong hệ thống mạng viễn thông. Không chỉ vậy, việc có thêm vệ tinh trên quỹ đạo sẽ tiếp tục góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian, đồng thời thể hiện vị thế ngày càng lớn mạnh của quốc gia nói chung, của ngành thông tin và truyền thông nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thêm vệ tinh thứ hai lên quỹ đạo
Ngày 11-5-2010, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký hợp đồng triển khai dự án vệ tinh Vinasat 2. So với vệ tinh đầu tiên Vinasat 1, vệ tinh Vinasat 2 có dung lượng, khối lượng và công suất lớn hơn. Với khối lượng nặng ba tấn, Vinasat 2 có 24 bộ phát đáp băng tần Ku. Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình viễn thông Hoàng Minh Thống cho biết, do nhu cầu của khách hàng và khả năng đăng ký tần số nên vệ tinh Vinasat 2 chỉ có các bộ phát đáp băng tần Ku.
Với vệ tinh Vinasat 1, đến nay, 12 bộ phát đáp băng tần Ku đều đã cho thuê hết, còn băng tần C chỉ còn một vài bộ để dự phòng trong trường hợp có sự cố mạng lưới, vừa bảo đảm an toàn mạng lưới, vừa đáp ứng nhu cầu nếu khách hàng tiếp tục cần sử dụng. Có thể nói, khoảng 90% dung lượng của vệ tinh Vinasat 1 đã được sử dụng hết. Phần lớn khách hàng thuê vệ tinh Vinasat 1 là các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, quảng bá. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để tiếp tục phóng lên quỹ đạo và đưa vào khai thác vệ tinh Vinasat 2.
Vệ tinh Vinasat 2 vẫn do Lockheed Martin (Hoa Kỳ) sản xuất, được sử dụng công nghệ khung A2100A, một trong những công nghệ vệ tinh tiên tiến hiện nay. Vùng phủ sóng của vệ tinh này là khu vực Đông Dương và một số nước lân cận. Lần phóng vệ tinh thứ hai này, VNPT tiếp tục chọn sử dụng dịch vụ phóng của ArianSpace (Pháp) với tên lửa Arian 5 tại bãi phóng Ku-ru (Guy-a-na thuộc Pháp). Vinasat 2 sẽ được phóng cùng vệ tinh JCSAT 13 của Nhật Bản.
Cho đến thời điểm này, vệ tinh Vinasat 2 đang ở bước hoàn thiện cuối cùng. Dự kiến ngày 27-3, Vinasat 2 sẽ được nhà sản xuất hoàn tất khâu cuối cùng để vận chuyển ra bãi phóng. Sau khi tới bãi phóng (dự kiến ngày 10-4), Vinasat 2 sẽ tiếp tục được đo thử lại trong vòng một tháng và hoàn tất các khâu kiểm tra, tổ hợp vào tên lửa phóng. Khoảng trung tuần tháng 5 sẽ thực hiện phóng vệ tinh Vinasat 2 lên quỹ đạo. Khi lên quỹ đạo, vệ tinh Vinasat 2 sẽ được đo thử và kiểm tra tình trạng kỹ thuật và bàn giao để đưa vào khai thác sử dụng. Trung tâm điều khiển vệ tinh Quế Dương (TP Hà Nội) và Bình Dương (tỉnh Bình Dương) tiếp tục điều khiển. Đây cũng là trung tâm đang điều khiển hoạt động của vệ tinh Vinasat 1.
Theo Giám đốc Hoàng Minh Thống, trên cơ sở vệ tinh Vinasat 1 kinh doanh khá tốt thì triển vọng kinh doanh của vệ tinh Vinasat 2 cũng sẽ rất khả quan. Cùng với vệ tinh Vinasat 1, vệ tinh Vinasat 2 sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu khách hàng trên băng tần Ku, đồng thời mở rộng quy mô kinh doanh, tập trung tìm kiếm, khai thác các khách hàng mới. Vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 đều là những vệ tinh mới, có các chỉ tiêu kỹ thuật tốt, nên sẽ thuận lợi trong việc tiếp thị và thu hút sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng. Tuy vậy, hiện nay, giá thuê vệ tinh trong khu vực có biến động mạnh và có xu hướng giảm nên việc cạnh tranh với vệ tinh của các nước khác là khá lớn. Đây cũng là yếu tố thách thức về kinh doanh với VNPT, nhưng cũng là động lực thúc đẩy phát triển thị trường đầy tiềm năng và mới mẻ trong lĩnh vực dịch vụ thông tin vệ tinh này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()