Giống như nhiều quốc gia có biển khác, nước ta ngày càng chú trọng phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế hàng hải, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển của Tổ quốc. Đóng tàu tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. ( Ảnh: CTV ) Đất nước ta có bờ biển dài 3.260 km và vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn một triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền. Biển Đông nước ta gần đường hàng hải quốc tế, từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Nằm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Pa-na-ma đến bờ Đông Bắc Mỹ và Ca-ri-bê; tuyến Đông Á đi Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông - Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai...
Giống như nhiều quốc gia có biển khác, nước ta ngày càng chú trọng phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế hàng hải, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển của Tổ quốc.
Đóng tàu tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. ( Ảnh: CTV )
Đất nước ta có bờ biển dài 3.260 km và vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn một triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền. Biển Đông nước ta gần đường hàng hải quốc tế, từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Nằm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Pa-na-ma đến bờ Đông Bắc Mỹ và Ca-ri-bê; tuyến Đông Á đi Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông – Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 tàu biển qua lại Biển Đông, trong đó 20% số tàu có trọng tàu hơn 30.000DWT trở lên. Đối với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po… nền kinh tế hầu như phụ thuộc vào con đường biển này, nơi vận chuyển khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Riêng với Việt Nam, hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu đều chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP từ 6,5% đến 7%/năm, dự báo hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông của nước ta sẽ tăng gấp hai đến ba lần hiện nay trong thập kỷ tới. Có thể nói vùng biển mở ra sẽ trở thành cầu nối cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế.
Trong những năm qua, chúng ta đã có những phát triển quan trọng về kinh tế hàng hải. Cuối năm 2010, nước ta có 37 cảng biển lớn nhỏ với hơn 190 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng gần 41 km, năng lực hàng hóa thông qua gần 30 triệu tấn/năm. Thực tế, cuối năm 2010 đã có hơn 120 nghìn lượt tàu vào, rời cảng, hơn 259 triệu tấn hàng hóa thông qua và 20 nghìn lượt khách du lịch qua cảng biển. Đội tàu biển Việt Nam có 1.636 tàu với tổng dung tích đạt gần 4,5 triệu GT và tổng trọng tải đạt hơn 7,1 triệu DWT. Hiện tại, các nhà máy của Tập đoàn Vinashin đã đóng được các tàu dầu cỡ Aframax hơn 100.000 DWT, tàu công-ten-nơ 1.800 TEUs và tàu hàng loại 56.000 DWT. Đặc biệt là công nghiệp đóng tàu Việt Nam đã đóng và xuất khẩu tàu cho những cường quốc về hàng hải như Anh, Nhật Bản.
Để tiếp tục phát huy các tiềm năng của biển trong thế kỷ 21, trong đó có tiềm năng phát triển kinh tế hàng hải, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/T.Ư ngày 9-2-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH, làm cho đất nước giàu mạnh. Đối với kinh tế hàng hải, Nghị quyết xác định đến năm 2020 kinh tế hàng hải đứng thứ hai, sau năm 2020 kinh tế hàng hải đứng thứ nhất trong năm lĩnh vực phát triển kinh tế biển.
Nghị quyết số 09-NQ/T.Ư “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã mở ra cơ hội lớn không chỉ đối với ngành hàng hải Việt Nam mà còn đối với các lĩnh vực kinh tế biển. Để kinh tế hàng hải Việt Nam phát triển, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của đất nước; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, đảo, cần xác định rõ những định hướng sau:
Một là, xây dựng chương trình hành động của ngành hàng hải Việt Nam thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Hai là, xây dựng các trung tâm kinh tế hàng hải. Trung tâm hàng hải nằm ở các khu đô thị lớn, trên các vùng ven biển, các hải đảo quan trọng có dân số và nguồn lực, bao gồm cả cơ sở vật chất, kỹ thuật và lao động nghề hàng hải có khả năng vận dụng nguồn lực để khai thác có hiệu quả tài nguyên biển, ven biển và hải đảo.
Ba là, xây dựng hệ thống các khu công nghiệp hàng hải. Hệ thống này là những cơ sở quan trọng về cảng biển, đóng tàu, đào tạo nguồn nhân lực hàng hải, khu hậu cần logistics, để tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cho kinh tế hàng hải phục vụ khai thác tiềm năng cảng biển, vận tải biển.
Vì thế, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ về việc: Xây dựng hợp lý hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị ven biển gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, khai thác, chế biến dầu khí, vận tải biển, du lịch biển và phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông – biển…
Để sớm đưa Nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết về Chiến lược biển vào đời sống thực tiễn, theo chúng tôi, cần hoàn thiện và chính thức hóa Văn kiện Chiến lược quốc phòng, an ninh biển Việt Nam, cụ thể hóa các nội dung chiến lược chung và chiến lược kinh tế hàng hải bằng quy hoạch, kế hoạch, các dự án và bằng pháp luật, chính sách phù hợp với tình hình và trở thành các văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện với mọi cấp, mọi ngành có liên quan. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, đưa các nội dung liên quan vào chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng hoạt động trong ngành hàng hải Việt Nam, coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo như sĩ quan, thuyền viên, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải… Cần chỉ đạo, điều hành chặt chẽ việc xây dựng các dự án quy hoạch, kế hoạch chiến lược về hàng hải nhằm khai thác tốt kinh tế biển, đảo gắn liền với bảo vệ biển, đảo trong thời kỳ mới. Bổ sung hoàn thiện cơ chế, quy chế phối hợp, hiệp đồng các lực lượng, trong đó có lực lượng hoạt động trong ngành hàng hải Việt Nam trong quá trình triển khai chuẩn bị và thực hành dự án phát triển kinh tế và bảo vệ biển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()