Ra đời ngay sau khi đất nước giành được độc lập năm 1945, ngành Hải quan Việt Nam (HQVN) đã đi qua các bước thăng trầm của lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 65 năm qua, từ thủa trứng nước, trải qua hai cuộc kháng chiến và bây giờ là thời kỳ phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, người cán bộ hải quan luôn nhận thức mình là “lực lượng biên phòng trên mặt trận kinh tế” của đất nước, đã đóng góp công sức, trí tuệ và cả xương máu của mình, giữ vững vị trí tiền tiêu, thiết lập và khẳng định chủ quyền thuế quan, giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền quốc gia.
Thực hiện các chức năng được giao, ngành HQVN đã góp phần giữ vững kỷ cương phép nước trong hoạt động kinh tế đối ngoại, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), đầu tư nước ngoài, du lịch, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực…
Nhìn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành HQVN, có thể nói, truyền thống chính là nền móng vững chắc cho sự lớn mạnh, phát triển của ngành hôm nay. Dù ở giai đoạn phát triển nào, HQVN đều đóng vai trò quan trọng là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh nhằm khẳng định, bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh kinh tế, chính trị, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế và quan hệ đối ngoại của đất nước.
Trong bề dày truyền thống đó, ngành HQVN đã vinh dự được Đảng và Nhà nước hai lần trao tặng phần thưởng cao quý – Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác; đã có bốn Cục Hải quan tỉnh, thành phố, một cá nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và đang xuất hiện thêm một số nhân tố mới tích cực; nhiều tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước… Tự hào về những thành tích đạt được, biết ơn đối với những hy sinh đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước, mỗi cán bộ, công chức hải quan hôm nay đang bước tiếp chặng đường xây dựng ngành ngày càng phát triển hiện đại, đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế mạnh mẽ của đất nước.
Với mục tiêu nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến cải cách hành chính. Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, Chính phủ đã chỉ đạo ngành HQVN thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) để làm nền tảng cho quá trình cải cách hiện đại hóa với Quyết định 149/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên và quan trọng giúp cho ngành HQVN áp dụng mô hình quản lý hải quan hiện đại mà các nước tiên tiến đã thực hiện.
Mặc dù thời gian triển khai mở rộng thí điểm chưa lâu, nhưng với nỗ lực cao trong toàn ngành, các nội dung triển khai luôn bám sát mục tiêu về tiến độ, lộ trình đặt ra. TTHQĐT bước đầu đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đã đạt được “ba giảm”, đó là giảm thời gian thông quan và giảm hồ sơ hải quan so với cách làm truyền thống, từ đó giảm đáng kể chi phí cho cả hải quan và doanh nghiệp… Điều này thể hiện ở thời gian thông quan điện tử đối với hàng luồng Xanh chỉ còn vài phút, luồng Vàng chỉ từ 10 đến 20 phút, luồng Đỏ khoảng 60 phút trở lại. Tính đến hết tháng 6-2010, địa bàn thực hiện TTHQĐT cũng đã được mở rộng tại 12 Cục ở cả ba miền bắc, trung, nam. Trong đó, có ba Cục đã triển khai tại 100% số chi cục là Bình Dương, Lạng Sơn và Quảng Ngãi. Đã có hơn 1.111 DN tham gia TTHQĐT, lượng tờ khai đạt khoảng 73.000 bộ, với tổng giá trị kim ngạch XNK gần 14 tỷ USD…
Trên cơ sở kết quả đạt được, ngành HQVN đã đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm năm tới (đến năm 2015) là phải nâng mức tự động hóa thủ tục hải quan ngang bằng với các nước có nền hải quan phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á tại thời điểm năm 2010. Trong đó có năm tiêu chí cần tập trung xây dựng là: Xử lý tờ khai điện tử, Manifest (lược khai hàng hóa) điện tử, thanh toán điện tử, xử lý C/O điện tử và cuối cùng là xử lý các giấy phép của bộ, ngành thông qua hình thức điện tử.
Để đạt được mục tiêu hiện đại hóa hải quan và việc triển khai được phù hợp, hiệu quả, ngành HQVN cần đánh giá chính xác về thực trạng công tác quản lý hải quan hiện nay, những yếu tố tác động của tình hình kinh tế – xã hội trong nước, quốc tế, đồng thời căn cứ vào những đòi hỏi của yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động quản lý hải quan. Bởi vậy thời gian qua, ngành HQVN đã tập trung vào xây dựng nền móng của hiện đại hóa hải quan, gồm: đánh giá môi trường tác động tới hoạt động của hải quan để từ đó xây dựng kế hoạch và xử lý những thách thức đặt ra; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả; tin học hóa công tác quản lý văn phòng, áp dụng mạnh mẽ tiêu chuẩn chất lượng theo ISO 9001:2000; tăng cường liêm chính hải quan. Bên cạnh nội dung nói trên, ngành cũng đã tập trung tạo ra chất xúc tác cho việc hiện đại hóa hải quan, đó là: phân tích thông tin trong cơ sở dữ liệu của hải quan; tự động hóa thủ tục hải quan; quản lý theo quy trình, quản lý chất lượng tổng thể. Những nội dung này sẽ tạo nên sức mạnh mới, năng lực mới cho cơ quan hải quan. Với việc chuẩn bị nền móng và chất xúc tác đó, ngành HQVN đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến nhanh tới mô hình cơ quan hải quan hiện đại, trong đó áp dụng một cách đầy đủ và hiệu quả nguyên tắc quản lý rủi ro, chiến lược tuân thủ, kiểm tra sau thông quan, kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp.
Những mục tiêu phát triển ngành HQVN trong giai đoạn tới không thể thực hiện thành công nếu không đề cao nhiệm vụ xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh. Do vậy, ngoài việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử đã có, ngành HQVN đang tập trung xây dựng: Tuyên ngôn phục vụ khách hàng để toàn thể cán bộ, công chức quán triệt và thực hiện. Những biện pháp này nhằm cải thiện hình ảnh người cán bộ, công chức hải quan trong mắt DN và cộng đồng. Đồng thời cũng là điều kiện để toàn ngành hiện thực các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa. Điều đó đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, vững vàng, có khả năng sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại. Trong thời gian qua, ngành HQVN đã thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh, mà gần đây là các giải pháp quyết liệt chống tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu theo Quyết định 517/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan. Qua thời gian thực hiện, công tác chống tiêu cực, sách nhiễu đã trở thành cuộc vận động lớn trong ngành, được các đơn vị hưởng ứng tích cực và thực hiện nghiêm túc, được dư luận xã hội và DN hoan nghênh, ủng hộ. Bước đầu các hiện tượng vòi vĩnh, phiền hà tại một số đơn vị đã được hạn chế đáng kể.
Để xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh, trong công tác xây dựng lực lượng, lãnh đạo Tổng cục rất chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và bảo đảm liêm chính hải quan. Kết hợp tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức với thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nội dung về liêm chính hải quan. Mới đây, Tổng cục trưởng Hải quan đã ban hành Chỉ thị 4590/CT-TCHQ về việc “Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, bảo vệ an toàn nội bộ ngành hải quan” nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, ngăn chặn, chấm dứt tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức hải quan. Nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành, pháp luật của Nhà nước, kiên quyết đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong đơn vị.
Bên cạnh đó, xây dựng các biện pháp để cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức trẻ phát huy được trình độ và khả năng của mình. Tới đây, Ngành sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ cho phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa, trong đó ưu tiên quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, công chức có khả năng và sẵn sàng tiếp cận thực hiện quy trình nghiệp vụ hiện đại. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nghề hải quan theo chuẩn mực quốc tế, hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi… Đây sẽ là cơ hội để những cán bộ, công chức có trình độ, phẩm chất và nhiệt tình phát huy khả năng của mình để phát triển nghề nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của ngành hải quan.
Có thể nói sau 65 năm xây dựng và phát triển, ngành hải quan đã khẳng định được vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, HQVN đã đặt ra mục tiêu Chiến lược phát triển HQVN đến năm 2020 và tầm nhìn 2050 để tương xứng với xu thế chung của đất nước. Lấy cải cách hiện đại hóa để phát triển, tập trung đầu tư để hiện đại hóa hải quan tại các vùng, địa bàn trọng tâm, trọng điểm đạt hiệu quả cao. Xây dựng HQVN thành một tổ chức hiện đại, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa, đạt chuẩn quốc tế trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập trung và kỹ thuật quản lý rủi ro. Xây dựng lực lượng hải quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, được trang bị và làm chủ kỹ thuật hiện đại… góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, chuẩn mực quốc tế thì ngành HQVN cũng còn một khoảng cách. Con đường phía trước còn nhiều gian nan, thách thức. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, mỗi cán bộ, công chức cần nỗ lực không ngừng, phấn đấu lao động và cống hiến để đóng góp tích cực vì sự phát triển chung của ngành và của đất nước.
Ý kiến ()