Phát triển hạ tầng giao thông gắn với tái cơ cấu đầu tư công
Vài năm trở lại đây, ngành giao thông vận tải (GTVT) phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt. Hàng trăm công trình giao thông của trung ương và địa phương buộc phải giãn, hoãn tiến độ, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn vốn ODA giảm sút, vốn ngân sách dành cho bảo trì đường bộ rất thiếu, trong khi lượng phương tiện tăng nhanh,... Trước những cam go đó, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, ngành GTVT vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công.
Vài năm trở lại đây, ngành giao thông vận tải (GTVT) phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt. Hàng trăm công trình giao thông của trung ương và địa phương buộc phải giãn, hoãn tiến độ, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn vốn ODA giảm sút, vốn ngân sách dành cho bảo trì đường bộ rất thiếu, trong khi lượng phương tiện tăng nhanh,… Trước những cam go đó, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, ngành GTVT vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công.
Huy động mạnh mẽ vốn ngoài ngân sách
Theo mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16-1-2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn. Giai đoạn 2011 – 2015, cần tới 480 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 cần 730 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, tỷ lệ vốn đầu tư công so với GDP giảm từ hơn 40% (năm 2010) xuống dưới 30% trong năm nay. Vốn ngân sách dành cho ngành GTVT trong ba năm qua rất hạn chế, chỉ đạt 20% so nhu cầu vốn giai đoạn 2011 – 2015. Ðể hoàn thành nhiệm vụ phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong điều kiện hết sức khó khăn, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng và triển khai Ðề án tái cơ cấu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách theo các hình thức BOT, PPP,… Sau ba năm, nguồn vốn ngoài ngân sách huy động đạt gần 90 nghìn tỷ đồng; trong đó, các dự án BOT mở rộng quốc lộ (QL) 1 đạt 43.720 tỷ đồng, các dự án BOT mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL 14) gần 6.000 tỷ đồng, các dự án khác khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
Ðề án mở rộng QL 1 giai đoạn 2012 – 2016 và phương án đầu tư QL 14 được bộ chủ động và linh hoạt xây dựng theo hình thức BOT kết hợp ngân sách Nhà nước. Vụ trưởng Kế hoạch – Ðầu tư Nguyễn Hoằng cho biết: Trên tuyến QL 1, ngoài đoạn Hà Nội – Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành, đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ còn lại được chia thành 37 dự án, trong đó có 17 dự án được đầu tư theo hình thức BOT (dài 608 km), 19 dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ (dài 702 km, tổng mức đầu tư 45.192 tỷ đồng), một dự án ODA (vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB) dài 49 km, tổng mức đầu tư 4.368 tỷ đồng. Ðường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên giai đoạn 1 đã hoàn thành 110 km từ cầu Ðác Giôn đến Tân Cảnh (Kon Tum), giai đoạn 2 từ Tân Cảnh đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 553 km, được chia thành 24 dự án thành phần, trong đó 19 dự án được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ, (dài 346 km, tổng mức đầu tư gần 15 nghìn tỷ đồng), năm dự án đầu tư theo BOT (207 km, gần 6.000 tỷ đồng). Toàn tuyến QL 1 và QL 14 qua Tây Nguyên đã được đồng loạt khởi công xây dựng trong năm nay, dự kiến hoàn thành vào năm 2016.
Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đánh giá: Việc chủ động, quyết liệt triển khai các dự án mở rộng QL 1 và QL 14 bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn BOT tham gia tới 43% (hơn 49.600 tỷ đồng) là kết quả huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cao nhất từ trước đến nay, có ý nghĩa rất quan trọng và thể hiện tính hiệu quả của các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công của ngành GTVT. Việc huy động một khối lượng lớn nguồn vốn BOT đã giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và tạo thế chủ động trong thực hiện đầu tư, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Quốc hội và Chính phủ.
Cùng với đó, bộ cũng tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống đường cao tốc. Ðến hết năm 2015, dự kiến sẽ hoàn thành khoảng mười đoạn tuyến cao tốc với chiều dài gần 700 km, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận chuyển trên các hành lang vận tải quan trọng của đất nước. Bộ đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết, tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng gần 20 dự án đường cao tốc, tổng chiều dài hơn 1.300 km, phấn đấu đến năm 2020, có hơn 2.000 km đường cao tốc.
Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, xây dựng
Trong ba năm qua, Bộ GTVT đều lấy tiêu chí “kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông” là mục tiêu của năm. Bộ đã xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý và tổ chức quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành xây dựng công trình giao thông; ban hành các tiêu chí đánh giá, xếp hạng năng lực các chủ thể tham gia các dự án xây dựng công trình giao thông; kiểm soát tiến độ, chất lượng, có quy định và hình thức xử lý nghiêm vi phạm trong quản lý chất lượng công trình giao thông,… Nhờ đó, công tác quản lý tiến độ, chất lượng công trình đã có chuyển biến tích cực, không còn tình trạng chậm tiến độ. Nhiều dự án, công trình hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng cao, phát huy hiệu quả rõ nét khi đưa vào khai thác.
Ðể sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, Bộ GTVT đã rà soát, điều chỉnh quy mô và phân kỳ đầu tư các công trình giao thông phù hợp điều kiện về vốn và nhu cầu thực tiễn. Ðến nay, bộ đã cắt giảm khoảng 19 nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư tại một số công trình, dự án lớn. Trong đó, có thể kể đến dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (giảm gần 8.500 tỷ đồng), cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (giảm 3.300 tỷ đồng), cao tốc Ðà Nẵng – Quảng Ngãi (giảm hơn 3.000 tỷ đồng),… Bộ đang tiếp tục rà soát quy mô đầu tư của một số dự án khác như đường cao tốc La Sơn – Túy Loan, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Phước, đường Tân Vũ – Lạch Huyện và xem xét cắt giảm quy mô một số công trình như cảng Lạch Huyện, cầu Việt Trì,… trong thời gian tới. Ðồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án không điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư các công trình, dự án đã được duyệt. Mặc dù nguồn vốn thiếu, nhưng ba năm qua, bộ đã khởi công 125 dự án, hoàn thành 132 dự án do bộ quản lý; trong đó, riêng năm 2013 khởi công 84 dự án (tổng mức đầu tư hơn 293 nghìn tỷ đồng), hoàn thành 65 dự án (36.400 tỷ đồng). Dự kiến năm nay, sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 44 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 13 nghìn tỷ đồng ứng trước kế hoạch năm 2014.
Xây dựng và phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông được ngành GTVT xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong quản lý đầu tư, bộ đã khắc phục cơ bản tình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý. Việc kiểm soát chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư được siết chặt, nhiều công trình đưa vào khai thác phát huy hiệu quả đầu tư. Nguồn vốn ngoài ngân sách được huy động lớn nhất từ trước đến nay, đã góp phần khai thông nguồn vốn đầu tư các dự án, giảm gánh nặng ngân sách và tạo cơ sở vững chắc phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, “mở đường” cho đất nước tiến kịp mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()