Phát triển hạ tầng đường thủy nội địa tại An Giang
Là tỉnh cửa ngõ của sông Cửu Long đổ vào Việt Nam cùng với các tuyến sông rạch, kênh mương nội đồng liên vùng Tứ giác Long Xuyên và nhiều tuyến kênh thoát lũ thau chua, rửa phèn ra Biển Tây đã khẳng định vị thế quan trọng về giao thông thủy nội địa (GTTNĐ) của An Giang trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).Tuy nhiên, giữa lợi thế và việc phát huy lợi thế ấy vẫn còn có mức chênh khá lớn. Điều đó đặt ra vấn đề cần tái cấu trúc hạ tầng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) nhằm đưa lợi thế về GTTNĐ An Giang trở thành đòn bẩy thật sự cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo định hướng của Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.Vai trò thiết yếuCó thể nói, khu vực ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng GTTNĐ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Lịch sử vùng đất Nam Bộ đã gắn chặt quá trình phát triển với hệ thống giao...
Tuy nhiên, giữa lợi thế và việc phát huy lợi thế ấy vẫn còn có mức chênh khá lớn. Điều đó đặt ra vấn đề cần tái cấu trúc hạ tầng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) nhằm đưa lợi thế về GTTNĐ An Giang trở thành đòn bẩy thật sự cho phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng theo định hướng của Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Vai trò thiết yếu
Có thể nói, khu vực ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng GTTNĐ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Lịch sử vùng đất Nam Bộ đã gắn chặt quá trình phát triển với hệ thống giao thông thủy từ vận chuyển hàng hóa, lúa thóc đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí… đều gắn liền với văn hóa sông nước miền tây. Trong đó, An Giang được xem là cửa ngõ của hệ thống sông Cửu Long đổ vào Việt Nam, với hai tuyến sông Tiền, sông Hậu và các tuyến kênh nội đồng thoát lũ ra Biển Tây như: Kênh Vĩnh Tế, kênh Võ Văn Kiệt, kênh Tám Ngàn…
Hệ thống GTTNĐ của An Giang khá chằng chịt, dài gần 6.000 km (gồm 496 tuyến) và hơn 600 kênh rạch cấp 1, 2 và nhiều kênh rạch cấp 3… với 14 tuyến đường thủy dài 372,3 km do T.Ư quản lý và 22 tuyến đường thủy dài 512 km do tỉnh quản lý, còn lại 237 tuyến 1.543 km được phân cấp về các huyện, thị, thành phố quản lý. Chính điều đó khiến An Giang được đánh giá là một trong những địa phương có các hoạt động GTTNĐ đa dạng và phức tạp.
Đặc biệt, An Giang còn có Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương (sông Tiền, thị xã Tân Châu) với lưu lượng hàng hóa vận chuyển hàng triệu tấn/năm, một cửa khẩu đường thủy khác đang được phát huy lợi thế lớn là cửa khẩu quốc gia Vĩnh Hội Đông (sông Hậu, huyện An Phú), một cảng biển Mỹ Thới (TP Long Xuyên) là cảng nước sâu với năng lực bốc xếp và sử dụng cẩu cảng 2.000 máng/ca; một cảng sông nước sâu tại Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú) và hai bến thủy hàng hóa. Bên cạnh hệ thống bến phà, đò ngang có mặt khắp các huyện, thị, thành phố, trong đó có chín bến phà lớn, một bến tàu khách; 263 bến bốc xếp hàng hóa; 141 bến khách ngang sông (có động cơ), sáu xí nghiệp và cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa. Hiện An Giang còn có 12 đơn vị chuyên doanh vận tải đường sông, với tổng trọng tải 30 nghìn tấn, hoạt động vận chuyển hàng hóa và tàu khách tuyến liên tỉnh; 17 cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện thủy nội địa…
Với những con số vừa nêu, có thể nói, hệ thống giao thông đường thủy ở An Giang rất đa dạng, thuận lợi cho vận tải đường thủy, nhất là ĐTNĐ, nối liền với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, hướng ra Biển Tây và nước bạn Cam-pu-chia.
Tái cơ cấu để phát triển
Phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và của các địa phương có liên quan, trong đó An Giang là một trong bốn tỉnh được chọn làm trọng điểm vùng, theo Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg, ngày 10-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quan trọng là vậy, nhưng việc phát huy tiềm năng GTTNĐ và đưa tiềm năng ấy trở thành động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của An Giang vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Về quy hoạch phát triển vận tải trong năm hành lang vận tải chủ yếu, tỉnh An Giang có đến hai hành lang là: Hành lang TP Hồ Chí Minh – Long Xuyên (An Giang) – Rạch Giá (Kiên Giang). Đây là các hành lang vùng, quốc gia, vận tải hàng hóa do đường thủy đảm nhận là chủ yếu, sau đó đến đường bộ. Bên cạnh đó, còn vận chuyển hành khách do đường bộ đảm nhận là chủ yếu, sau đó đến ĐTNĐ. Hành lang Cần Thơ – Long Xuyên – Châu Đốc (An Giang) là hành lang vùng, nằm trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh An Giang, vận chuyển hàng hóa và hành khách do đường bộ đảm nhận là chủ yếu, sau đó đến ĐTNĐ.
Để phát triển quy hoạch vận tải đúng theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra, An Giang cần xác định rõ những công trình nào là mục tiêu trước mắt, đâu là trọng điểm phải đầu tư ngay và đâu là những lợi thế cạnh tranh tập trung mũi nhọn phát triển. Xem xét tổng thể hệ thống GTTNĐ của An Giang hiện nay, nổi bật lên ba nhóm vấn đề cần tập trung tháo gỡ, tái cơ cấu và phát triển.
Vấn đề thứ nhất là cơ cấu lại hệ thống giao thông thủy trên hai tuyến sông Tiền, sông Hậu. Đây là lợi thế cửa ngõ duy nhất mà An Giang được thụ hưởng. Phát triển giao thông thủy tại lưu vực này trước hết phải định hướng lại những cảng sông, cảng biển. Trong đó, cảng biển Mỹ Thới đã được tách ra cùng các cảng Cao Lãnh, Mỹ Thới, Vĩnh Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1024/2005/QĐ-TTg về nhóm cảng biển số 6 theo Đề án Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể Phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ Việt Nam đến năm 2020. Về cảng thủy nội địa, quy hoạch đề cập việc xây dựng mới và nâng cấp một số cảng sông, gồm các cảng: Tân Châu, Bình Long (An Giang),… Trong đó, cảng Tân Châu cho tàu có trọng tải từ 500 đến 2.000 DWT, đồng thời có vai trò là đầu mối cho phương tiện thủy nội địa giao thương với Cam-pu-chia. Trong danh mục các công trình ưu tiên đầu tư nhằm giải quyết mục tiêu kết nối đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và cần đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2015 về ĐTNĐ, An Giang có 2/4 danh mục công trình/dự án là cảng Tân Châu và cảng Bình Long.
Thứ hai, về ĐTNĐ, đối với luồng tuyến tàu sông, theo quy hoạch có tuyến Cửa Tiểu – Biên giới Cam-pu-chia: đoạn qua vùng dài 73 km; duy trì tuyến đạt cấp I kỹ thuật ĐTNĐ. Tuyến sông Hậu qua cửa Định An – Tân Châu (An Giang): đoạn qua vùng dài 107,5 km; duy trì tuyến đạt cấp I kỹ thuật ĐTNĐ.
Thứ ba, An Giang cũng cần phân cấp quản lý, đầu tư theo đúng quy định pháp luật của Chính phủ trong việc bố trí vốn, nạo vét, khơi thông, nâng độ thông thuyền tĩnh các cầu, nâng cao mật độ lưu thông của tàu hàng, sà-lan trong việc sử dụng, phát huy lợi thế hệ thống giao thông liên vùng, nội đồng, nhất là hệ thống kênh rạch vùng Tứ giác Long Xuyên, các tuyến giao thông thủy truyền thống như: Kênh Vĩnh Tế, kênh Tám Ngàn và mới đây nhất là kênh Võ Văn Kiệt nhằm tạo thế liên thông bằng đường thủy giữa An Giang với các tỉnh trong khu vực và ra Biển Tây.
Để phát triển hệ thống GTTNĐ tương xứng tiềm năng và nhất là bảo đảm việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tỉnh An Giang cần nhanh chóng tập trung nguồn lực về tài chính, nhân lực và thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất trong việc triển khai quy hoạch hệ thống GTTNĐ và xem quy hoạch trên là chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển kinh tế – xã hội theo đúng tinh thần Nghị Quyết T.Ư 4 đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()