Phát triển hạ tầng đô thị ở Đà Nẵng
Đường Điện Biên Phủ, thành phố Đà Nẵng. Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị chưa thật sự tạo đà cho Đà Nẵng tăng tốc, trở thành đầu tàu kinh tế. Vì vậy, tái cơ cấu quy hoạch phát triển đô thị là điều kiện tiên quyết để Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và đúng với vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, là đô thị trung tâm cấp quốc gia trong vài năm tới.Quản lý xây dựng theo quy hoạchKể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, Đà Nẵng đã có những thay đổi to lớn, không ngừng trong phát triển đô thị. Các tuyến đường ven biển: Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa được xem là ba trong số những con đường ven biển đẹp nhất nước hiện nay. Đà Nẵng từ chỗ cả thành phố chỉ có hơn 360 con đường có tên, sau 15 năm tăng lên hơn 1.260 con đường có tên. Hàng...
Đường Điện Biên Phủ, thành phố Đà Nẵng. |
Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị chưa thật sự tạo đà cho Đà Nẵng tăng tốc, trở thành đầu tàu kinh tế. Vì vậy, tái cơ cấu quy hoạch phát triển đô thị là điều kiện tiên quyết để Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và đúng với vai trò trung tâm kinh tế – xã hội của các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, là đô thị trung tâm cấp quốc gia trong vài năm tới.
Quản lý xây dựng theo quy hoạch
Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, Đà Nẵng đã có những thay đổi to lớn, không ngừng trong phát triển đô thị. Các tuyến đường ven biển: Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa được xem là ba trong số những con đường ven biển đẹp nhất nước hiện nay. Đà Nẵng từ chỗ cả thành phố chỉ có hơn 360 con đường có tên, sau 15 năm tăng lên hơn 1.260 con đường có tên. Hàng trăm khu đô thị, hàng nghìn khu, cụm dân cư mới ra đời. Diện mạo của thành phố thay đổi, cuộc sống của người dân được cải thiện. Kiến trúc sư (KTS) Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) nhận xét: “Đà Nẵng trong những năm qua đã chứng minh sự đúng đắn, tính hoàn chỉnh thực tiễn của quy hoạch chung. Quy hoạch đã đem lại bộ mặt đô thị mới, cuộc sống mới cho hơn 800 nghìn người dân. Trong đó, hàng chục vạn hộ đã được tái định cư trong trật tự và có kiểm soát. Các địa phương trong cả nước có thể tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng về quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch”. Có thể khẳng định, đô thị Đà Nẵng hiện tại được khởi phát và hiện thực hóa từ quy hoạch tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt từ năm 1993. Bên cạnh việc tuân thủ quy hoạch tổng thể, Đà Nẵng cũng sớm hoàn thiện, khớp nối quy hoạch chi tiết, bảo đảm tính liên hoàn và có sự phân kỳ đầu tư, kịp thời điều chỉnh phù hợp với thực tế, với sự thay đổi qua từng giai đoạn phát triển. Sớm nhìn thấy hạn chế trong công tác quy hoạch ở các đô thị khác, Đà Nẵng đã kiên quyết không để tái diễn các kiểu nhà siêu mỏng, siêu méo, góc cạnh xù xì làm xấu cảnh quan đô thị. Để thực hiện các dự án, Đà Nẵng luôn công khai quy hoạch đến tận các hộ dân; người dân được tham gia ý kiến về công tác di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư, bảo đảm cuộc sống lâu dài. Đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc chỉnh trang, phát triển đô thị ở Đà Nẵng là sự quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố. Mỗi dự án trước khi thực hiện được cả hệ thống chính trị cùng tham gia góp ý, triển khai thực hiện. Việc đối thoại, giải thích trực tiếp của người đứng đầu thành phố, phân tích cái thiệt trước mắt và cái lợi lâu dài để nhân dân hiểu và đồng thuận trở thành việc làm then chốt. Càng về sau, các dự án triển khai càng dễ dàng và thuận lợi hơn, khi cuộc sống người dân được quan tâm chu đáo, khi lợi ích từng gia đình hiện rõ ở những khu dân cư mới, đường phố khang trang sạch đẹp, môi trường sống được nâng lên rõ rệt. Phương thức đổi đất lấy hạ tầng và lấy quy hoạch nuôi quy hoạch được Đà Nẵng áp dụng nhuần nhuyễn và rất thành công, để từ đó phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân thành phố. Ông Phan Đức Tầm, ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho rằng: Việc quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị của Đà Nẵng trong những năm qua ngày càng chứng tỏ chính sách hợp lòng dân, được phần lớn nhân dân đồng tình ủng hộ và cùng góp sức thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện việc đền bù, bố trí tái định cư thỏa đáng, linh hoạt. Nếu không có công cuộc giải tỏa, di dời, tái định cư với sự tham gia của hầu hết cư dân thành phố, làm sao hôm nay Đà Nẵng có được những khu phố mới khang trang, hiện đại bên bờ đông sông Hàn, nơi chỉ 15 năm trước còn là khu nhà tạm bợ, rách nát trên mặt sông, làm sao có được những cây cầu trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng như cầu Sông Hàn, Thuận Phước, Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, và tới đây sẽ là cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý…
Vẫn còn nhiều hạn chế
Không thể phủ nhận những thành tựu mà Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua, với khối lượng công việc khổng lồ đã hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị ở Đà Nẵng đã và đang bộc lộ những hạn chế. Bởi trong một thời gian dài, Đà Nẵng mới chỉ tập trung phát triển đô thị theo hướng đô thị hóa nông thôn, mà chưa chú trọng quy hoạch các điểm dân cư nông thôn, các khu vực sản xuất nông – lâm nghiệp. Việc sử dụng đất cũng bộc lộ tính thiếu cân đối. Ở các tuyến phố mới, tỷ lệ sử dụng đất đều khá thấp, nhiều khu đất “vàng” để hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn khi mà hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn thiện, tốn kém lại không được phát huy. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho mục đích công cộng, như công viên, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa – thể thao… lại quá ít. Bà Lê Thị Mai ở tổ 52, phường An Hải Bắc than phiền: Vào ở khu tái định cư đã mấy năm, nhưng mỗi lần họp tổ dân phố cứ phải mượn nhà dân, đề nghị mãi vẫn không thể tìm đâu ra đất để xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Trẻ em cũng thiếu chỗ vui chơi, một số dự án kéo dài hơn mười năm vẫn chưa xong, đời sống thiếu ổn định, vệ sinh môi trường, thoát nước cũng thiếu, hễ nắng thì bụi, mưa xuống là ngập lụt dù chỉ cách sông cách biển hơn một cây số. Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cho rằng, dù trên địa bàn có hai khu công nghiệp lớn là Hòa Khánh và Liên Chiểu, số lao động trẻ dễ tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, số đông dân cư Liên Chiểu vốn sống bằng nghề nông. Vì vậy, số lao động lớn tuổi, trình độ hạn chế, không thể học nghề để vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Một trong những vấn đề nan giải sau khi giải tỏa chính là giải quyết việc làm cho người dân để ổn định đời sống lâu dài.
Thực tế, còn có ý kiến nghi ngờ về sự phát triển bền vững của đô thị này. Bởi Đà Nẵng dường như có thời gian phát triển quá mạnh, quá ềbạoể, đang làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Liệu Đà Nẵng có mắc phải những nhược điểm giống như các đô thị khác (Nha Trang, Vũng Tàu) khi mở những tuyến đường đô thị quá lớn và đi quá gần sát với mép biển, tạo nên sự ngăn cách giữa biển và công trình (dịch vụ du lịch khách sạn, nhà hàng)? Các dự án quy hoạch đô thị, du lịch (nhất là du lịch) có bị xé nhỏ làm ảnh hưởng đến tổng thể chung và liệu có được nhanh chóng lấp đầy?… Các lợi thế của một đô thị nước, tạo dựng đô thị cửa ngõ hướng biển quan trọng của Việt Nam và khu vực đang được khai thác, nâng cao giá trị tới đâu trong quá trình phát triển…? KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh nhìn nhận ở khía cạnh khác: “Diện mạo kiến trúc Đà Nẵng thiếu tính bản sắc và tính đặc sắc. Đà Nẵng rất thiếu các khoảng không gian lớn trong lòng thành phố dành cho các công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn, quy mô lớn như quảng trường, sân khấu ngoài trời”. Đặc biệt, việc dành quỹ đất cho phát triển sản xuất ở Đà Nẵng rất thấp, nhất là đất dành cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đất sản xuất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giám đốc Công ty Hà Giang Phước Tường (Đà Nẵng) Hà Giang bày tỏ: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như không có điều kiện mở rộng sản xuất, vì nội đô đã không còn quỹ đất sản xuất, ngoại thành thì dự án đã duyệt mấy năm nhưng chưa triển khai”.
Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Đà Nẵng là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền trung – Tây Nguyên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 20 cũng đề ra mục tiêu: Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố có môi trường sống lý tưởng, mang giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người. Đà Nẵng mong muốn khẳng định vị thế và tầm vóc của thành phố trẻ bên bờ sông Hàn, hướng tới mục tiêu xây dựng TP Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại, trở thành đô thị lớn ngang tầm khu vực và châu Á. Để đạt mục tiêu đó, Đà Nẵng đang đề ra nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, khẩn trương hoàn thành tất cả các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, để đến năm 2014 cơ bản ổn định dân cư ở khu vực trung tâm. Đồng thời tập trung đầu tư cho khu vực nông thôn, tạo sự hài hòa, toàn diện về không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật cũng như đời sống xã hội. Hiện thành phố cũng đề ra một số biện pháp mạnh đối với việc sở hữu đất nhưng không sử dụng. Những năm gần đây, yếu tố môi trường sinh thái cũng đã được chú trọng đúng mức, bảo đảm cho việc phát triển bền vững, Với các yếu tố địa lý thuận lợi cùng những yếu tố nội tại, Đà Nẵng đang có cơ hội để vươn nhanh lên ngang tầm các đô thị lớn, hiện đại và văn minh của khu vực ASEAN và châu Á trong thời gian không xa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()