Phát triển hạ tầng cửa khẩu: Thúc đẩy thương mại biên giới
LSO- Những năm qua, ngoài tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách... Lạng Sơn đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng tại các cửa khẩu. Qua đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy thương mại biên giới.
Kinh tế cửa khẩu được xác định là kinh tế động lực của Lạng Sơn. Là một tỉnh nghèo, để tập trung đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu, Lạng Sơn đã chủ động thu hút đầu tư, chắt chiu và tranh thủ vốn từ nhiều nguồn khác nhau.
Tháng 8/2013, công trình Trung tâm dịch vụ khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị với tổng đầu tư trên 194 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo điều kiện phục vụ tốt nhu cầu quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh khu vực cửa khẩu. Từ đó đến nay đã có 5 dự án bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn hạ tầng kinh tế cửa khẩu với tổng đầu tư 375,9 tỷ đồng; 2 dự án bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á với số tiền 26,76 triệu USD và 1 dự án bằng nguồn vốn nhà đầu tư với số tiền 180 tỷ đồng… tạo diện mạo mới cho cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và các cửa khẩu khác.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị
Mặt khác, cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ cũng được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng. Trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình như: trục đường giao thông nối với quốc lộ 4A (Pắc Luống – Tân Thanh); khu tái định cư Tân Thanh và đấu nối đường bộ tại cặp chợ biên giới Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc); hoàn thành công trình đấu nối đường bộ tại cặp chợ biên giới Cốc Nam (Việt Nam) – Lũng Vài (Trung Quốc); xây dựng cổng cửa khẩu Cốc Nam; cải tạo Nhà kiểm soát liên hợp Cốc Nam…
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: với sự quan tâm của tỉnh, tình hình thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng tại cửa khẩu như: vận tải hàng hóa, hành khách, kho tàng bến bãi, trung chuyển hàng hóa, tạm nhập, tái xuất tại khu vực cửa khẩu có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư đang dần vào nền nếp, khung pháp lý về đầu tư dần được bổ sung, hoàn thiện; các dự án đầu tư ngày càng tăng, năng lực của các nhà đầu tư được đảm bảo, cơ sở hạ tầng được cải thiện; tạo nhiều việc làm cho người lao động tại chỗ và thúc đẩy thương mại biên giới phát triển.
Hằng năm thường xuyên có trên 2.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong cả nước tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn từ 2 tỷ USD năm 2012 tăng lên 3,4 tỷ USD năm 2014. Trong nửa đầu năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn ước đạt 1,57 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu qua địa bàn tỉnh có xu hướng tăng trưởng tốt, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn này đã góp phần giảm tình trạng nhập siêu, đặc biệt trong năm 2012, 2013, kim ngạch xuất khẩu vượt kim ngạch nhập khẩu.
Hiện nay, tỉnh đã và đang tiếp tục đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ; khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng khu trung chuyển hàng hóa, khu phi thuế quan, khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng, hạ tầng khu vực cửa khẩu Hữu Nghị…, đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các cửa khẩu phụ Na Hình (Văn Lãng), Nà Nưa (Tràng Định), Pò Nhùng, Co Sâu (Cao Lộc),… Đồng thời tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có trong việc nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi, kho hàng, phát triển các dịch vụ bốc xếp, bảo quản…thúc đẩy thương mại biên giới.
Trong cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 5 vừa qua, các đại biểu đã dành nhiều thời lượng để thảo luận về dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tại cuộc họp này, đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBDN tỉnh đã yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại tại các cửa khẩu, đảm bảo thể hiện toàn cảnh về thương mại của tỉnh đến năm 2025 và năm 2030, gắn với các quy hoạch của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đây được coi là định hướng quan trọng trong phát triển thương mại nói chung và thương mại biên giới nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()