Phát triển giao thông nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long
Để kết nối vào hệ thống giao thông chủ lực, nhiều tổ chức cá nhân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những cách làm hay, tạo nên phong trào tự nguyện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chung tay góp sức hoàn thành các tuyến lộ, cây cầu, phát huy hiệu quả giao thông liên hoàn, thuận tiện.
Nhờ sự góp sức của nhân dân, vùng nông thôn Cà Mau có thêm nhiều tuyến đường mới. |
Nở rộ nhiều gương sáng trong cộng đồng
Những ngày này, về xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), chúng tôi chứng kiến không khí hết sức khẩn trương của những người thợ, phấn đấu hoàn thành cụm ba cây cầu giao thông có tên rất ấn tượng “Cầu Nối Yêu Thương số 92-93-94”, với tổng kinh phí xây dựng gần 1,2 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong cùng nhóm thiện nguyện Từ Tâm tài trợ.
Dự kiến cụm cầu này sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán sắp tới, tuyến đường trong ấp dẫn ra trục đường chính của xã Phú Tâm sẽ được nối liền, giúp đi lại và giao thương hàng hóa của hàng nghìn hộ nghèo dân tộc thiểu số trở nên thuận lợi. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong phía nam Hồ Phi Hải chia sẻ, Chương trình Cầu nối yêu thương đã đến tỉnh Sóc Trăng từ năm 2020 với cây cầu nối yêu thương số 43 dài 40m tại ấp Đắc Thắng, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành.
Trước đó, công ty cùng nhóm thiện nguyện Từ Tâm đã mang niềm vui cho người dân phường 1, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu khi làm mới cây cầu dài 50m, với tổng kinh phí 855 triệu đồng. “Chỉ vài tháng nữa thôi, cây cầu số 90 này hoàn thành, việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân không còn cách trở như trước. Về lâu dài, sau khi tuyến đường trong ấp được mở rộng, cùng với cây cầu mới này, sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông của xã, góp phần làm tiền đề thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Hải phấn khởi.
Không chỉ có các đơn vị, tổ chức, ở Sóc Trăng còn nhiều cá nhân là những người có uy tín trong cộng đồng tích cực huy động sức người, sức của để chung tay cùng chính quyền xây dựng giao thông nông thôn. Trong giai đoạn 2011-2021, Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng đã vận động xây dựng 450 cây cầu bê-tông cốt thép, tổng trị giá 95 tỷ đồng.
Riêng Hòa thượng Thích Minh Hạnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự đã trực tiếp thiết kế và thực hiện xây dựng 341 cây cầu bằng bê-tông cốt thép trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài hơn 11.000m, rộng từ 1,5 đến 3,5m, tổng kinh phí thực hiện gần 78 tỷ đồng; trong đó vận động đóng góp vật tư quy ra tiền hơn 43 tỷ đồng, nhân dân đóng góp ngày công quy ra tiền hơn 34 tỷ đồng.
“Tôi lập ra Chương trình Nhịp cầu yêu thương với mục tiêu xây dựng 1.000 cây cầu giao thông nông thôn trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người dân và các em học sinh đi lại dễ dàng, góp phần cùng chính quyền trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp”, Hòa thượng Thích Minh Hạnh chia sẻ.
Tôi lập ra Chương trình Nhịp cầu yêu thương với mục tiêu xây dựng 1.000 cây cầu giao thông nông thôn trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người dân và các em học sinh đi lại dễ dàng, góp phần cùng chính quyền trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.
Hòa thượng Thích Minh Hạnh
Ở huyện nông thôn mới Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen cho ông Lâm Văn Phấn, người có vai trò quan trọng cùng Đảng bộ và chính quyền xã Tham Đôn, nơi có hơn 87% dân số là đồng bào thiểu số về đích nông thôn mới. Những năm qua, ông Phấn đã vận động người dân, thân nhân và kiều bào ở nước ngoài đóng góp gần 2 tỷ đồng xây dựng mới 6 cầu, 4 tuyến đường giao thông dài gần 3km, xây dựng hai nhà mát giữa ruộng làm nơi cho người dân trú mưa, nghỉ trưa khi đi làm đồng và tập kết nông sản vào mùa thu hoạch.
Sở Giao thông vận tải Sóc Trăng cho biết, trong năm 2022, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng hơn 70 công trình đường và 30 công trình cầu, kinh phí thực hiện hơn 400 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Hiện nay hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu, bảo đảm kết nối giữa hệ thống quốc lộ với các tuyến đường địa phương, giữa giao thông đường bộ với đường thủy nội địa; liên hoàn, liên kết giữa giao thông liên tỉnh và nội tỉnh, giữa thành phố và các huyện, thị xã; cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của tỉnh.
“Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh sẽ tiếp tục huy động toàn xã hội bảo đảm liên hoàn hệ thống giao thông” – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng Võ Hoàng Điền Phong khẳng định.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Những ngày này ở Cà Mau, khí thế thi đua mở rộng lộ nông thôn lan tỏa hầu khắp các nơi. Tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, nhân dân đã hoàn thành mở rộng mặt đường bê-tông cũ từ 1,5m lên 3m, chiều dài hơn 6,3km từ cầu Công Điền đến cầu Nhị Nguyệt, từ Nhị Nguyệt đến cầu Cây Nổ và tuyến lộ Kênh Xuôi đấu nối về trung tâm xã Tân Duyệt. Trong một lần thị sát các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Đầm Dơi, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chủ trương ưu tiên vốn làm lộ, mở rộng lộ nông thôn ở những nơi hoàn thiện mặt bằng.
Từ đó, chính quyền huyện Đầm Dơi nhanh chóng quán triệt, phổ biến đến các ấp và địa bàn dân cư, để nhân dân những địa bàn khó khăn về giao thông có ý thức chủ động “chung tay” chuẩn bị mặt bằng mở rộng lộ. Đến nay, huyện Đầm Dơi đã hoàn thành mở rộng 6 tuyến lộ, chiều dài hơn 11km, mặt lộ từ 1-1,5m nâng lên rộng 3-3,5m. 7 tuyến khác dài hơn 16km ở huyện Đầm Dơi cũng đang trong quá trình hoàn thiện mở rộng, tiến độ có nơi đã đạt đến 80%.
Bằng nhiều nguồn khác nhau, từ năm 2010 đến 2019, Cà Mau đầu tư xây dựng mới hơn 3.780km đường đạt tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, có hơn 2.850km đường trục ấp, liên ấp; 934 đường xóm, nhánh và hơn 2.220 cầu giao thông nông thôn, góp phần giúp tỉnh hoàn thành 82/82 xã có đường ô-tô về đến trung tâm xã. Tỉnh thực hiện hơn 418km đường bê-tông, đạt đến 209,2% kế hoạch năm và hơn 217km đường đất, tổng giá trị hơn 360 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Cà Mau phấn đấu hoàn thành 200km đường bê-tông giao thông nông thôn nhưng đến cuối tháng 11 vừa qua, toàn tỉnh đã hoàn thành hơn 254km đường bê-tông nông thôn và hơn 241km đường đất, tổng trị giá hơn 212 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, tỉnh có hơn 200km giao thông nông thôn được hoàn thành, có phần đóng góp không nhỏ bằng nhiều hình thức khác nhau của các tầng lớp nhân dân. “Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Cà Mau sẽ khuyến khích áp dụng theo cách trên và ưu tiên những tuyến trọng yếu gắn với nâng chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giao thông, bảo đảm tuổi thọ công trình đầu tư” – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Cà Mau sẽ khuyến khích áp dụng theo cách trên và ưu tiên những tuyến trọng yếu gắn với nâng chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giao thông, bảo đảm tuổi thọ công trình đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2001-2010, thời kỳ 2011-2020, đến nay Bộ Giao thông vận tải đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Kết cấu hạ tầng giao thông của vùng có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần củng cố quốc phòng-an ninh cho khu vực. Giai đoạn 2011-2020, ngân sách trung ương đầu tư cho vùng không dưới 1% tổng chi ngân sách hằng năm.
Năm 2011-2020, Chính phủ đã huy động hơn 6,9 tỷ USD nguồn vốn ODA để bảo vệ môi trường, riêng đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 1,5 tỷ USD. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt liên quan đến hạ tầng giao thông. Trong 5 năm tới, dự kiến Chính phủ sẽ đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng phát triển giao thông vận tải ở vùng này. Bộ Giao thông vận tải đánh giá, đồng bằng sông Cửu Long có gần 20 triệu người dân sinh sống, là vùng thiên nhiên ưu đãi, rất phù hợp để phát triển nông nghiệp nhưng do giao thông còn hạn chế, nên khu vực này phát triển chậm.
Vì vậy, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vừa qua được triển khai đồng bộ cho cả 13 tỉnh, thành phố đã đem lại luồng sinh khí mới cho toàn vùng. Ngành giao thông yêu cầu các địa phương trong vùng, trong giai đoạn tới, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần có giải pháp tạo nguồn lực phát triển hệ thống giao thông ở từng tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Ý kiến ()