Phát triển giao thông nông thôn: Sức dân Tân Tri
(LSO) – Trong những năm qua, nhờ huy động tốt sức dân nên phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình trong đó có xã vùng 3 Tân Tri.
Hiến đất
Tân Tri là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn với 13 thôn, trong đó có 8 thôn người dân tộc Tày và 5 thôn người dân tộc Dao. Trong những năm qua, khắc phục những khó khăn về điều kiện kinh tế, địa hình, xã Tân Tri đã không ngừng nỗ lực trong phát triển giao thông nông thôn. Câu chuyện đầu tiên mà Chủ tịch UBND xã Tân Tri, ông Ma Thành Đông chia sẻ với chúng tôi về phát triển giao thông nông thôn ở xã, chính là phong trào hiến đất mở đường. Ông Đông cho biết: Phong trào hiến đất làm đường ở Tân Tri đã có từ cách đây cả chục năm trước. Đặc biệt là những năm gần đây, phong trào này lại càng diễn ra mạnh mẽ. Câu chuyện ở thôn Suối Tát là một ví dụ.
Suối Tát là một thôn vùng cao đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm xã. Thôn có 74 hộ dân sinh sống, 100% là người dân tộc Dao. Địa hình chia cắt mạnh khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn đó, năm 2018, thôn đã huy động người dân hiến được hơn 20.000 m2 đất để mở mới 6 km đường. Ngoài hiến đất, người dân trong thôn còn đóng góp 90 triệu đồng để thuê máy san gạt mặt bằng làm đường đi.
Đường giao thông ở thôn Bản Long, xã Tân Tri được mở rộng, trồng hoa hai bên đường
Không chỉ năm 2018 mà những năm trước, người dân ở xã Tân Tri đã tích cực hiến đất mở đường. Điển hình năm 2017 các thôn Bình An, Suối Tín đã hiến đất, đóng góp 168 triệu đồng để mở mới được 13 km đường giao thông (diện tích đất người dân hiến khoảng 40.000 m2); năm 2016 thôn Suối Tát đã hiến đất mở mới 10 km đường…
Từ việc hiến đất của người dân đã có thêm những tuyến đường mới được mở. Có mặt bằng, người dân trong xã tiếp tục chung tay, góp sức từng bước cứng hóa, bê tông hóa để tạo thuận lợi cho đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất.
Chung sức làm đường
Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng với việc hiến đất, người dân Tân Tri tích cực đóng góp công sức, tiền của để bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn xã đã bê tông được trên 15 km đường trục thôn, ngõ xóm các loại. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, xã đã làm mới được thêm gần 1,2 km đường bê tông, trong đó nhân dân đóng góp gần 350 triệu đồng mua vật liệu đối ứng và đóng góp 1.020 công lao động trực tiếp làm đường.
Không dừng lại ở việc mở mới, làm mới, đối với những tuyến đường bê tông xuống cấp do đã làm từ lâu hoặc những tuyến đường nhỏ hẹp, người dân ở nhiều thôn đã nâng cấp, mở rộng. Ông Trần Trọng Cam, thôn Bản Long cho biết: Đường trục chính của thôn Long Bài (hiện đã sáp nhập vào thôn Bản Long) được làm từ năm 2009 với chiều rộng khoảng 1,5 m. Năm 2017, bà con trong thôn tiếp tục đóng góp mỗi hộ 600 nghìn đồng cùng hàng trăm ngày công lao động để mở rộng đường. Đến nay, đường đã được nâng cấp, chiều rộng đường từ 4 – 5 m. Không những vậy, để tạo cảnh quan, người dân trong thôn còn trồng hoa hai bên đường.
Từ sự chung tay, góp sức của người dân, nhiều tuyến đường mới được mở, nhiều con đường bê tông được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt cũng như phát triển sản xuất của người dân Tân Tri. Tuy vậy, xã vẫn còn nhiều trăn trở khi mà các thôn vùng cao hiện nay vẫn khó khăn về giao thông. Ông Ma Thành Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Người dân trong xã rất tích cực và luôn sẵn sàng chung tay góp sức để làm đường, thế nhưng người dân còn nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo còn 33,7%). Chính vì vậy để làm thêm được các tuyến đường mới, xã rất cần thêm sự hỗ trợ của nhà nước về vật liệu để từ đó người dân tiếp tục chung tay thực hiện.
Vẫn biết nguồn lực đầu tư của nhà nước có hạn, không thể một một sớm một chiều có thể hỗ trợ được hết các xã. Thế nhưng với một xã vùng 3 khó khăn như Tân Tri mà người dân luôn sẵn sàng vượt khó để chung tay góp sức làm đường như vậy, thiết nghĩ các cơ quan liên quan cũng nên xem xét, tạo điều kiện thêm vật liệu cho xã làm đường. Từ đó không chỉ giúp người dân thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất mà còn tạo được mô hình điểm về sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của xã vùng 3 trong phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()