Phát triển giao thông nông thôn ở Phú Thọ
Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Xuân Quang, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Là tỉnh trung du và miền núi, giao thông đi lại khó khăn luôn là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Phú Thọ xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là khâu đột phá, tạo động lực đưa kinh tế của tỉnh phát triển.Con đường nối từ xã Xuân Quang đến xã Văn Lương (huyện Tam Nông) dài 4,8 km được đầu tư giai đoạn một với số vốn 4,9 tỷ đồng, mở ra hướng phát triển mới cho vùng quê nghèo còn khó khăn về giao thông. Đến nay, con đường đã cơ bản thi công xong. Tại xã Xuân Quang, con đường đi qua năm khu dân cư, ảnh hưởng đất ở, vườn, ruộng của nhiều gia đình hai bên đường. Nhận thấy khó khăn này, chính quyền xã Xuân Quang đã thành lập tiểu ban vận động nhân dân hiến đất làm đường. Thông qua các cuộc họp khu dân cư, qua việc vận động trực tiếp từng gia đình nên đã nhận được sự hưởng...
|
Con đường nối từ xã Xuân Quang đến xã Văn Lương (huyện Tam Nông) dài 4,8 km được đầu tư giai đoạn một với số vốn 4,9 tỷ đồng, mở ra hướng phát triển mới cho vùng quê nghèo còn khó khăn về giao thông. Đến nay, con đường đã cơ bản thi công xong. Tại xã Xuân Quang, con đường đi qua năm khu dân cư, ảnh hưởng đất ở, vườn, ruộng của nhiều gia đình hai bên đường. Nhận thấy khó khăn này, chính quyền xã Xuân Quang đã thành lập tiểu ban vận động nhân dân hiến đất làm đường. Thông qua các cuộc họp khu dân cư, qua việc vận động trực tiếp từng gia đình nên đã nhận được sự hưởng ứng của người dân trong khu vực.
Bà Hoàng Thị Tú (67 tuổi, khu 6) tâm sự: “Trước đây, con đường này chỉ rộng hơn 2 m, đi lại khó khăn. Vào những ngày trời mưa chẳng ai dám đi đâu. Từ khi biết Nhà nước đầu tư mở đường, gia đình tôi không tính thiệt hơn đã tự nguyện hiến gần một sào ruộng, khoảng một sào ao (tổng cộng khoảng 600 m2) để làm đường. Con đường hoàn thành giúp cho việc đi lại của gia đình và người dân trong xã được thuận lợi hơn, từ đó có điều kiện phát triển kinh tế thông qua việc giao lưu hàng hóa. Người dân chúng tôi nhận thấy đầu tư mở đường là đầu tư cho tương lai nên các gia đình đều đồng tình hưởng ứng và tham gia hiến đất”. Chủ tịch UBND xã Xuân Quang Trần Văn Lý cho biết: Thời gian đầu, cũng có một số gia đình chưa đồng ý hiến đất làm đường. Qua vận động, thuyết phục, dần dần người dân nhận thấy tác dụng của việc mở đường nên đồng tình hiến đất. Nhờ đó, có 118 hộ ở năm khu dân cư đã hiến hơn 13.500 m2 đất để mở rộng đường từ xã Xuân Quang đến xã Văn Lương. Hiện nay, con đường đã cơ bản hoàn thành giúp cho việc đi lại của người dân rất thuận lợi. Chúng tôi nhận thấy, nếu không có sự ủng hộ của người dân thì con đường này không thể mở rộng như hiện nay.
Rời huyện Tam Nông, chúng tôi đến xã Tuy Lộc (huyện Cẩm Khê) khi con đường liên thôn Tăng Xá – Quyết Tiến đang trong quá trình hoàn thiện. Con đường dài 2,5 km có vốn đầu tư 5 tỷ đồng được khởi công cuối năm 2010. Đi trên con đường mới, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Hoàng Minh Quân vui mừng cho biết, đây là con đường của “ý Đảng lòng dân”. Khi có chủ trương mở con đường này, chúng tôi rất lo vì kinh phí không thể đủ làm đường nếu phải đền bù đất và tài sản của nhân dân. Bởi trước đây là con đường nhỏ, khi làm đường mới phải mở rộng sang hai bên nên diện tích lấy đất làm đường khá lớn. Tuy nhiên, được người dân sống hai bên đường nhiệt tình ủng hộ nên đã tháo gỡ được khó khăn. Tổng cộng đã có 90 hộ tự nguyện hiến đất với tổng diện tích 4.939 m2, 1.142 cây các loại, 750 m2 tường rào. Đây là việc làm rất có ý nghĩa của người dân các khu dân cư thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng chí Nguyễn Hán Sơn, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết: Cẩm Khê có gần 1.100 km đường GTNT, trong đó chỉ có hơn 20% đã được cứng hóa. Do vậy, phát triển GTNT được huyện coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Trong 5 năm qua, nhân dân trong huyện đã hiến hơn 210 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình giao thông, nhất là GTNT.
Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là GTNT. Tỉnh cũng xác định phát triển GTNT là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng. Vì vậy, từ năm 1997 đến nay, tỉnh đã ban hành bốn nghị quyết chuyên đề về phát triển GTNT. Trong năm năm qua, toàn tỉnh đã huy động làm mới được hơn 303 km đường; cải tạo và nâng cấp hơn 3.405 km đường, trong đó, đường bê-tông là 1.315 km; đường đá dăm nhựa là 693 km, đường đá dăm hỗn hợp 307 km, đường cấp phối 1.088 km. Xây mới được 70 chiếc cầu và 55 đập tràn. Tổng vốn huy động cho phát triển GTNT đạt gần 3.977 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh và T.Ư 2.474 tỷ đồng; ngân sách huyện là 415 tỷ đồng, nhân dân đóng góp được 458 tỷ đồng, còn lại là huy động từ các nguốn vốn khác. Qua đó, đã góp phần làm thay da đổi thịt tại nhiều vùng quê nghèo, tạo động lực cho việc xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ sớm thành công.
Tuy nhiên, việc phát triển GTNT ở Phú Thọ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như một số địa phương chưa điều chỉnh quy hoạch chi tiết và ưu tiên nguồn vốn cho phát triển GTNT; thời gian khảo sát, thiết kế một số tuyến đường còn kéo dài, chất lượng một số công trình còn hạn chế, nhất là đường bê-tông xi-măng; công tác quản lý công trình sau đầu tư còn thiếu chặt chẽ. Trong khi đó, một số cấp ủy vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào kinh phí của Nhà nước, chưa chủ động khai thác nguồn lực để đầu tư phát triển GTNT. Đây chính là những thách thức lớn đối với việc phát triển GTNT giai đoạn tới.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nhất quán trong đầu tư, khơi dậy được tinh thần đoàn kết trong nội lực của mỗi địa phương, phát huy hiệu quả phong trào hiến đất làm đường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa GTNT, tuyên truyền vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân tích cực đóng góp làm đường GTNT. Xây dựng cụ thể, rõ ràng cơ chế quản lý sau đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình. Nghiên cứu điều chỉnh quy mô, tăng mức hỗ trợ đầu tư đối với đường liên huyện, liên xã, liên thôn để đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của nhân dân, đáp ứng các tiêu chí về đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh làm mới 50 km, cải tạo, nâng cấp 2.050 km đường GTNT; xây mới được 70 cầu, 64 tràn với tổng nguồn vốn hơn năm nghìn tỷ đồng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()