Phát triển giao thông nông thôn: Hiệu quả từ Đề án 109
(LSO) – Huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư làm mới 1.874 km đường giao thông nông thôn,vượt 274 km so với mục tiêu đề ra, đó là kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 109 của UBND tỉnh về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 – 2020.
Thiện Long là một trong những xã có diện tích rộng, thuộc vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, đặc biệt hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn của xã chậm phát triển. Năm 2015, toàn xã có 34,9 km đường trục thôn, ngõ xóm , trong đó chỉ có 3 km đường trục thôn, ngõ xóm được cứng hóa, còn lại là đường đất. Bước sang giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện đề án 109, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung vận động bà con đẩy mạnh cứng hóa các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm gắn với xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, toàn xã đã cứng hóa được 9,2 km đường trục thôn ngõ xóm, sử dụng 650 tấn xi măng Nhà nước cấp, Nhân dân hiến trên 2.000 m2 đất để mở rộng mặt đường; đóng góp ngày công và tiền mặt trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2020, toàn xã đã nghiệm thu được 2,6 km đường làng ngõ xóm, sử dụng 152 tấn xi măng do Nhà nước cấp.
Nguời dân xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc chung sức bê tông hoá đường giao thông nông thôn
Ông Đặng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thiện Long cho biết: Từ khi thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn, phong trào làm đường tại các thôn bản trên địa bàn xã ngày càng phát triển và người dân mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ xi măng để làm đường gắn với xây dựng nông thôn mới. Phong trào làm đường ngày càng phát triển vì người dân đã thấy được vai trò của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
Nếu như Thiện Long tập trung cứng hóa đường trục thôn, ngõ xóm, thì xã Y Tịch, huyện Chi Lăng lại cứng hóa được rất nhiều tuyến đường trục xã, liên thôn trong giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, từ năm 2017 đến hết tháng 8/2020, toàn xã Y Tịch đã cứng hóa được 13 tuyến đường trục xã và liên thôn với tổng chiều dài 11 km, trong đó có 5 tuyến đường trục xã với chiều dài 7,4 km với tổng kinh phí Nhân dân đối ứng hơn 1,86 tỷ đồng.
Ngoài xã Y Tịch và Thiện Long, trên địa bàn toàn tỉnh còn có hàng trăm xã thực hiện có hiệu quả đề án phát triển giao thông nông thôn trong những năm qua.
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan
Thực hiện Đề án số 109 về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 – 2020, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện sáng tạo, huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách, huy động linh hoạt mọi nguồn lực phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, người dân để làm đường.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân… đã phát huy vai trò nòng cốt của mình trong việc vận động tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân hiểu được vai trò của giao thông nông thôn trong phát triển kinh tế. Từ đó người dân tự giác cùng chung tay để thực hiện phát triển giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước hỗ trợ Nhân dân tự làm.
Với sự vào cuộc đồng bộ đó, từ năm 2016 đến giữa tháng 9/2020, toàn tỉnh đã cứng hóa được 1.874 km đường giao thông trục xã, trục thôn, ngõ xóm và nội đồng, vượt 274 km so với mục tiêu của đề án; tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm các xã đã đạt 84,5%. Toàn tỉnh đã huy động gần 1.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn để thực hiện cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn.
Ông Trần Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện cứng hóa các tuyến đường thời gian qua rất quyết liệt. Từ đó, thúc đẩy các địa phương phát triển phong trào theo hướng lan tỏa chất lượng và hiệu quả.
Thực hiện Đề án 109: Chung sức từ người dân
(LSO) – Triển khai Đề án 109 của UBND tỉnh về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 – 2020, bên cạnh sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã chung tay, góp sức cùng làm đường. Qua đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân mà việc thực hiện đề án còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng: “Hạ tầng giao thông chuyển biến rõ nét”.
Để thực hiện đề án, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm phát huy tối đa nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự chung tay, góp sức của Nhân dân và nguồn lực xã hội hóa khác. Kết quả: sau 5 năm thực hiện đề án, Nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp trên 12 tỷ đồng (gồm hiến đất, ngày công, tiền mặt), qua đó toàn huyện đã làm mới được 217 km đường giao thông nông thôn. Hạ tầng giao thông có những chuyển biến rõ nét, nhiều con đường đất ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa của huyện đã được hỗ trợ để bê tông hóa. Không chỉ giúp thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân, việc triển khai có hiệu quả đề án còn trực tiếp giúp các xã từng bước hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Lương Văn Cai, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Cao Lộc: “Gắn thực hiện đề án với xây dựng nông thôn mới”.
Để triển khai làm đường giao thông nông thôn, bên cạnh sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân trên địa bàn xã đã hiến đất, đóng góp ngày công, tiền thuê máy mở đường. Cụ thể giai đoạn 2016 – 2020, Nhân dân trên địa bàn xã đã hiến gần 1.100 m2 đất, đóng góp 1.700 ngày công và trên 650 triệu đồng. Từ sự chung sức của người dân, các tuyến đường giao thông nông thôn nhanh chóng được triển khai xây dựng. Qua đó, đến nay, trên địa bàn xã đã bê tông hóa được 8,7/8,7 km đường trục xã; 5,05/9,6 km đường trục thôn; bê tông hóa được 46,33/69,54 km đường ngõ xóm. Mạng lưới giao thông được hoàn thiện giúp cho việc đi lại, sản xuất của người dân thuận lợi, góp phần giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Ông Lương Văn Vinh, thôn Nà Pua, xã Liên Hội, huyện Văn Quan: “Phát triển giao thông giúp cho sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân nhiều thuận lợi”.
Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước để phát triển giao thông nông thôn, bản thân tôi cũng như nhiều hộ dân khác trong xã đã tích cực đóng góp công sức, tiền của để làm đường. Cùng với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, bà con đã đóng góp mỗi hộ từ 2 đến 8 triệu đồng (tùy từng tuyến đường) để mua vật liệu đối ứng cũng đóng góp ngày công để làm đường. Đến nay, 100% đường giao thông của thôn được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại hằng ngày của người dân. Đặc biệt, do thôn làm được các tuyến đường nội đồng, tuyến đường lên rừng hồi nên việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ hồi cũng như các nông sản khác của người dân dễ dàng hơn trước. Không dừng lại ở việc làm đường, hiện nay, bà con trong thôn còn thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, trồng hoa ven đường, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh – sạch – đẹp. Diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang sạch đẹp hơn.
Ý kiến ()