Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long
|
Những bất cập
Những năm gần đây, mạng lưới trường học từ mầm non đến THPT của vùng ĐBSCL phát triển đều khắp. Tất cả các tỉnh trong vùng đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống trường học phù hợp với đặc điểm địa lý, dân cư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất trường học ở ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hệ thống trường lớp các bậc học mầm non, phổ thông phân tán và chưa hoàn chỉnh. Toàn vùng còn 215 xã chưa có trường mầm non độc lập; 21 xã chưa có trường tiểu học và 88 xã chưa có trường THCS. Đáng chú ý, số phòng học tạm, học nhờ, trường học thiếu khu vệ sinh, nguồn nước sạch; hệ thống thư viện còn nghèo nàn; phòng học bộ môn còn thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng… vẫn còn không ít. Vì vậy, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của vùng thấp hơn so với bình quân cả nước. ĐBSCL có 7% trường mầm non, 15% trường tiểu học, 8% trường THCS và 6% trường THPT đạt chuẩn quốc gia (trong khi bình quân chung cả nước mầm non là 15,8%, tiểu học 36,6%, THCS 17,7% và THPT 9,5%)…
Đối với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (TCCN, CĐ, ĐH), năng lực đào tạo còn hạn chế. Mặc dù, ĐBSCL là vùng có thế mạnh về nông nghiệp và ngư nghiệp nhưng số ngành nghề đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp, chế biến chưa được chú trọng. Quy mô TCCN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và yêu cầu phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Xu hướng nhiều tỉnh đồng loạt nâng các trường trung cấp lên cao đẳng, tổ chức dạy một số chuyên ngành trung cấp trong các trường đại học đang nảy sinh một số bất hợp lý (đội ngũ giảng viên thiếu ổn định, chất lượng không đáp ứng; khó khăn về quản lý chuyên môn) và phát triển mạng lưới trường (cơ sở vật chất, đất xây dựng không bảo đảm; quy hoạch mạng lưới trường chưa thể hiện được tính vùng…).
Thêm vào đó, đội ngũ giáo viên bất hợp lý về cơ cấu đang là một khó khăn lớn cho phát triển GD và ĐT của vùng. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn xảy ra. Nhiều địa phương dư thừa nguồn tuyển giáo viên tiểu học, THCS, trong khi lại thiếu giáo viên ở một số cấp học, môn học khác. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo ở một số tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước như Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh… Trong khi đó, đội ngũ giảng viên các trường TCCN, CĐ, ĐH thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Năm 2010, toàn vùng có 6.618 giảng viên cơ hữu; trong đó có 13 giáo sư (0,3%), 109 phó giáo sư (1,65%), 406 tiến sĩ (6,13%), 2.172 thạc sĩ (32,8%). Nếu tính chung trình độ sau đại học trở lên của các trường trong vùng chiếm tỷ lệ 40,8%, trong đó trình độ tiến sĩ trở lên chiếm gần 8%, thấp hơn mức trung bình hiện nay của các trường đại học khoảng 10% đến 12%.
Cần có giải pháp đồng bộ
Để phát triển GD và ĐT góp phần tạo lập nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững của vùng ĐBSCL cần có những giải pháp đồng bộ nâng cao toàn diện chất lượng ở tất cả các cấp học, ngành học. Theo các chuyên gia giáo dục, cần hoàn thiện mạng lưới cơ sở vật chất, đa dạng hóa loại hình trường lớp, mở rộng quy mô, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi học của người dân. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống phòng chức năng, phòng phục vụ học tập, phòng học bộ môn, thư viện, khu giáo dục thể chất, nhà hiệu bộ, khu vệ sinh và các công trình phụ trợ thiết yếu khác.
Mỗi địa phương và cơ sở đào tạo trong vùng triển khai xây dựng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để chủ động cân đối lao động phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và cơ sở giáo dục. Các trường xây dựng kế hoạch đào tạo hoặc gửi giảng viên đi đào tạo tại các cơ sở trong và ngoài nước; khuyến khích mời giảng viên có trình độ cao là người nước ngoài tham gia giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, ngành GD và ĐT cần đổi mới cơ chế xác nhận chỉ tiêu đào tạo đối với các trường ĐH, CĐ trong vùng, vừa bảo đảm chất lượng, vừa đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn đặt ra. Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách tạo động lực cho phát triển, nhất là chính sách về tài chính và thu hút đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ cao về nghiên cứu, giảng dạy ở vùng ĐBSCL… Cần tổ chức điều tra xã hội học, trong đó có sự phối hợp giữa các địa phương với nhà trường để gắn đào tạo với thực tế và định hướng phát triển của các tỉnh, thành phố từ đó có cách nhìn tương đối chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực. Triển khai xây dựng một trường đại học chất lượng cao, đào tạo những ngành nghề mũi nhọn phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL… Tất cả hướng tới mục tiêu đưa vùng ĐBSCL bứt phá vươn lên, đến năm 2015 các chỉ số về GD và ĐT đạt mức bình quân chung của cả nước và theo kịp một số vùng, khu vực có trình độ phát triển cao vào năm 2020.
Ý kiến ()