Phát triển giáo dục mầm non: Sự chuyển động đúng hướng
Tăng cường điều kiện nuôi dưỡng
Đến tháng 2/2016, toàn tỉnh có 220 trường mầm non (MN), trong đó có 16 cơ sở MN ngoài công lập. Tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ đạt 36,2%, độ tuổi mẫu giáo đạt 97,6%, trong đó, mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9%. Trong điều kiện còn thiếu trên 600 giáo viên và còn trên 400 phòng học tạm, học nhờ, ngành GD&ĐT vẫn cố gắng nâng tỷ lệ trẻ bán trú, 2 buổi/ngày và ăn bán trú. Trước hết, sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đã gắn kết trách nhiệm của các ngành, đoàn thể và sự đóng góp của người dân để xây dựng bếp ăn, nhà vệ sinh, mua sắm dụng cụ cấp dưỡng và các đồ dùng cần thiết để đảm bảo bán trú. Bằng công tác xã hội hóa, ngành GDMN Hữu Lũng đã có 100% trường có công trình vệ sinh chung. Trong 38 bếp ăn bán trú đã có 19 bếp “một chiều” và chỉ còn 12 bếp tạm. Đồng chí Trần Kim Ánh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng cho biết: Đây là kết quả của gần 2,6 tỷ đồng thu được từ kênh xã hội hóa trong năm 2015.
Giờ học “Bé làm quen với ngoại ngữ” của Trường Mầm non 17/10, thành phố Lạng Sơn
Trong điều kiện thiếu nhân viên cấp dưỡng đầu năm học, các trường tại các huyện như Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan… đã dùng giải pháp “tình thế” như huy động phụ huynh phân công nhau nấu cơm, cháo cho các cháu tại trường chính và cử người đưa cơm đến tận phân trường. Do thực hiện tốt nguồn hỗ trợ của trung ương và của tỉnh cho các cháu mầm non từ 3-5 tuổi nên khẩu phần ăn cho các cháu được bảo đảm. Nhiều trường đã xây dựng khẩu phần ăn một cách khoa học, hợp lý dựa trên biểu đồ phát triển của ngành; đảm bảo cho các cháu có mức dinh dưỡng vừa đủ cho sự phát triển.
Với sự nỗ lực đó, cuối học kỳ I năm học 2015-2016, tỷ lệ trẻ bán trú và trẻ học 2 buổi/ngày đã đạt 97,2%. Số trẻ được ăn bán trú đạt 90,4%, tăng 2,9% so với năm học trước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm nhanh: thể nhẹ cân ở nhà trẻ chỉ còn 3,6%, ở độ tuổi mẫu giáo còn 3,34% (riêng trẻ 5 tuổi chỉ còn 2,4%); thể thấp còi ở tuổi nhà trẻ còn 6,1%, độ tuổi mẫu giáo còn 4,3% (riêng trẻ 5 tuổi còn 2,7%).
Chuẩn hóa nội dung giáo dục
Từ năm 2013, tất cả các trường MN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chương trình giáo dục MN mới và áp dụng bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực (phát triển thể chất, phát triển tình cảm và quan hệ xã hội, phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, phát triển nhận thức) bao gồm tất cả 28 chuẩn và 120 chỉ số. Để đảm bảo chương trình, ngành đã tăng cường thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các cháu. Đến hết học kỳ I, tất cả các trường đã có bộ đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhiều trường khu vực thị trấn, thành phố được trang bị thiết bị làm quen với vi tính, chương trình “Bé làm quen với ngoại ngữ” ở những mức độ phù hợp. Do có thiết bị, chương trình giáo dục thể chất cho trẻ được đẩy mạnh theo đúng chuẩn phát triển thể chất mà ngành đã quy định cho từng lứa tuổi. Nhiều trường đã khắc phục khó khăn, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho các cháu. Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến, Hiệu trưởng Trường MN 17/10 (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Do điều kiện chật chội của trường, nhà trường đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho các cháu lớp 4, 5 tuổi. Mỗi chuyến đi thăm khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm thư viện, bảo tàng, công viên… không những tăng cường sức khỏe cho các cháu mà còn là dịp để các cháu được tiếp xúc với không gian rộng mở ngoài xã hội và có các hoạt động tập thể cần thiết.
Chất lượng nuôi dưỡng được tăng cường, chương trình giáo dục theo chuẩn quy định nên chất lượng chuẩn phổ cập được nâng cao và đúng hướng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 222 xã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi với chất lượng chuẩn ở mức khá so với toàn quốc. Tuy vậy, theo đồng chí Vi Thị Giao, Trưởng phòng GDMN- Sở GD&ĐT, ngành cần đẩy nhanh việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên đảm bảo định mức giáo viên cho lớp bán trú; triển khai Đề án xây dựng bếp ăn bán trú cho trường MN. Đây không chỉ là điều kiện cần thiết để giữ vững chuẩn mà còn là nền tảng để ngành xây dựng kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2016-2025.
Ý kiến ()