Thứ 5, 28/11/2024 11:19 [(GMT +7)]
Phát triển giáo dục đại học cần phù hợp nhu cầu thực tế
Thứ 7, 18/08/2012 | 11:04:00 [(GMT +7)] A A
Sau một tuần Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố điểm sàn, các trường “tốp trên” cơ bản xác định đủ chỉ tiêu, thì một số trường “tốp dưới” dự kiến sẽ chật vật và cũng khó tuyển đủ được chỉ tiêu, dù thời gian tuyển chưa kết thúc. Điều đó cho thấy vấn đề uy tín, chất lượng đào tạo của các trường hiện nay cần được nhìn nhận đúng đắn.
Công tác tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, dù nguồn tuyển có dồi dào nhưng một số trường “tốp dưới”, nhất là một số trường mới thành lập, trường ngoài công lập vẫn khó khăn trong tuyển sinh. Theo số liệu thống kê năm học 2010-2011 của Bộ GD và ĐT, Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) chỉ tuyển mới được 24 sinh viên; Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân (Nghệ An) tuyển được 41 sinh viên; Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (Hà Nội) tuyển được 59 sinh viên… Kết thúc đợt tuyển sinh năm 2011, các trường ĐH cả nước tuyển sinh đạt 89,76% so với chỉ tiêu. Kết thúc các kỳ thi tuyển sinh một số trường vẫn sai phạm khi thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng khối thi quy định. Năm 2012, theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, khi tính điểm sàn đã xác định hệ số dư khá lớn, cho nên các trường sẽ dồi dào nguồn tuyển. Tuy nhiên, sau một tuần Bộ GD và ĐT công bố điểm sàn nhiều trường “tốp dưới” vẫn đang công bố tuyển sinh liên tục bằng với mức điểm sàn và đã đưa ra các mức ưu đãi khác nhau nhằm thu hút thí sinh theo học.
Những bất cập trong tuyển sinh, nhất là việc thường xuyên “thủng” chỉ tiêu cho thấy một thực tế chất lượng đào tạo của các trường còn hạn chế, chưa tạo được uy tín và sự tin tưởng đối với người học. Trong hệ thống giáo dục ĐH hiện nay, ngoài một số trường mới thành lập được đầu tư bài bản, thì vẫn còn không ít trường có sự vội vàng trong đầu tư và tuyển sinh, đào tạo, cho nên hiệu quả tuyển sinh, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Một số trường chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường, tiến độ triển khai xây dựng và phát triển trường chậm, làm ảnh hưởng đến điều kiện bảo đảm chất lượng… Kết thúc các đợt thanh tra cuối năm 2011, đầu năm 2012, Bộ GD và ĐT cho thấy yếu tố bảo đảm, nâng cao chất lượng của nhiều trường còn bị buông lỏng, thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ theo quy định. Bộ GD và ĐT đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 bảy trường ĐH, CĐ và 17 ngành thuộc chín trường ĐH, CĐ do không thực hiện đúng các yêu cầu về chất lượng đào tạo. Điển hình như Trường ĐH dân lập Đông Đô, Văn Hiến; CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Hà Nội… đều bị đình chỉ do chưa có đất xây dựng cơ sở vật chất trường học, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quá cao.
Ngoài ra, trong vấn đề tuyển sinh hiện nay còn xảy ra bất cập do sự mất cân đối cơ cấu ngành nghề đào tạo. Các trường, nhất là trường mới thành lập thường cố gắng để tập trung vào một số ngành “hot” để tuyển sinh đào tạo. Thống kê tuyển sinh và đào tạo của 416 trường ĐH, CĐ năm 2011 cho thấy có 248 trường (121 trường ĐH, 127 trường CĐ) tuyển sinh một trong bốn ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, chiếm tỷ lệ 59,62% số trường; còn lại 168 trường (76 trường ĐH và 92 trường CĐ) không tuyển sinh các ngành kể trên, chủ yếu là các trường thuộc khối y, dược, năng khiếu nghệ thuật và một số trường sư phạm. Vì vậy, trên phạm vi cả nước cũng như trên từng vùng, từng địa phương xảy ra tình trạng có quá nhiều trường cùng đào tạo một chuyên ngành, dẫn đến công tác tuyển sinh, đào tạo xảy ra chồng chéo, kém hiệu quả…
Những bất cập, yếu kém trong tuyển sinh phản ánh thực tế chất lượng đào tạo của một số trường ĐH hiện nay. Theo các chuyên gia giáo dục, việc quy hoạch, quản lý phát triển giáo dục ĐH cần nghiên cứu để phù hợp nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Tránh tình trạng các trường chạy đua theo thị hiếu thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Mặt khác, mỗi trường phải xây dựng được thương hiệu và uy tín của mình bằng việc khẳng định chất lượng. Ở đâu có môi trường học tập, chất lượng đào tạo cũng như sinh viên ra trường có trình độ năng lực tốt thì ở đó có nhiều người vào học là chuyện “hữu xạ tự nhiên hương”.
Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD và ĐT) Bùi Anh Tuấn cho biết, việc tuyển thiếu, tuyển thừa cũng là câu chuyện cần phải nghiên cứu, bàn luận. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tuyển được đủ hay không tuyển đủ số lượng thí sinh theo đăng ký của các trường. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là uy tín, chất lượng đào tạo của các trường và cơ hội tìm kiếm việc làm của người học sau khi ra trường… Thực tế, trong tuyển sinh những năm qua, Bộ GD và ĐT đã có những cảnh báo với các trường cũng như với phụ huynh, học sinh về việc tập trung đăng ký thi quá nhiều vào một số ngành. Thời gian tới Bộ GD và ĐT sẽ thực hiện rà soát để có những địa phương, khu vực được khuyến khích mở ngành này nhưng không khuyến khích mở ngành kia; thậm chí tạm dừng không mở một số ngành cụ thể khi nguồn nhân lực ở lĩnh vực đó đã dư thừa.
Với việc Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, các bộ, ngành, địa phương cũng công bố nhu cầu nhân lực của ngành, địa phương mình, các trường cần dựa vào đó để xây dựng, phát triển ngành nghề đào tạo của mình. Từ quy hoạch ấy, các trường phải đào tạo theo nhu cầu nhân lực của xã hội chứ không phải thích đào tạo gì thì đào tạo và phải tính đến yếu tố cạnh tranh giữa các trường với nhau. Nếu các trường cứ tập trung xin mở ngành không có thế mạnh, sẽ tự gây khó cho mình. Đáng chú ý, trong vấn đề bảo đảm chất lượng, các trường phải xây dựng cơ chế cho người học công khai, rõ ràng với xã hội; phải công bố rõ về chuẩn đầu ra; phải có cơ chế bảo đảm về nguồn lực như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Việc mở ngành, lấy chỉ tiêu tuyển sinh phải gắn liền với cơ sở vật chất, đội ngũ… Bộ GD và ĐT sẽ tăng cường kiểm tra những vấn đề trên, nếu các trường công bố không đúng để tuyển sinh sẽ bị xử lý. Mặt khác, theo quy định Cơ sở đào tạo không tuyển sinh được trong ba năm liên tiếp; không bảo đảm các điều kiện theo quy định; tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo… sẽ bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()