Phát triển gắn liền với an toàn dịch bệnh
LSO-Năm 2001, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi chỉ đạt 285 tỷ đồng, thế nhưng đến nay giá trị sản xuất đã xấp xỉ mức 3 nghìn tỷ đồng và phấn đấu đến năm 2015, chăn nuôi đạt khoảng 3,3 nghìn tỷ đồng. Những con số trên cho thấy xu hướng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang theo đúng định hướng, quy mô lớn hơn, tập trung hơn và gắn liền với thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên để chăn nuôi phát triển bền vững thì phát triển phải gắn liền với an toàn dịch bệnh.
Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Chi cục Thú y tỉnh |
Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, trong vòng 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Cụ thể từ năm 2011 đến năm 2014, toàn tỉnh có 16 xã xuất hiện cúm gia cầm, tiêu hủy hơn 3,5 tấn gia cầm thịt và trên 6.000 con gia cầm giống.
Trong khi đó, trên đàn gia súc, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 11 nghìn con gia súc mắc bệnh lở mồm long móng, trong đó hơn 700 con bị chết và tiêu hủy. Tần suất xuất hiện bệnh lở mồm long móng khá dày, năm nào cũng xuất hiện, đặc biệt là đầu năm 2014 chủng vi rút gây lở mồm long móng đã biến đổi từ type O sang type A.
Bệnh tai xanh trên đàn lợn cũng xuất hiện khá dày, trong vòng 5 năm trở lại đây đã có đến 4 lần (từ năm 2010 đến năm 2013) dịch tai xanh xuất hiện. Toàn tỉnh có hơn 6,5 nghìn con lợn bị nhiễm bệnh, trong đó trên 3,1 nghìn con bị chết và tiêu hủy. Mặt khác các bệnh thông thường như Lép tô, tụ huyết trùng, tiêu chảy… vẫn xuất hiện lẻ tẻ gây nguy cơ mất an toàn dịch bệnh.
Điểm qua một vài thông tin, để thấy rằng thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành chăn nuôi là rất lớn. Nguy cơ tiềm ẩn luôn thường trực và hầu như năm nào cũng xảy ra. Thế nhưng có điều đáng mừng là trong vòng 2 năm trở lại đây, các ổ bệnh chỉ xảy ra lẻ tẻ, thiệt hại không lớn và công tác khoanh vùng, khống chế dịch bệnh cũng nhanh hơn hẳn những năm trước đây.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y phân tích: một mặt là các chính sách của tỉnh ban hành như chính sách xây dựng mạng lưới thú y viên cơ sở; chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng… đã và đang phát huy hiệu quả tốt, mặt khác là nhận thức người chăn nuôi đã được nâng lên, chủ động hơn và phối hợp tốt hơn với cán bộ thú y trong giám sát dịch bệnh.
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có 32 trang trại chăn nuôi và 10 trang trại tổng hợp kết hợp chăn nuôi trong tổng số 66 trang trại. Tăng khá nhanh so với thời điểm năm 2009 và các trang trại chăn nuôi có hiệu quả cao hơn so với các loại hình khác, ở mức trên 180 triệu đồng/trang trại/năm. Việc chăn nuôi chuyển dần từ nhỏ lẻ sang hình thức trang trại đã tác động lớn tới ý thức phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi.
Ông Giang Văn Lùng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hợp Thịnh (xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) khẳng định: an toàn dịch bệnh là mối quan tâm hàng đầu đối với các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn. Như Hợp tác xã Hợp Thịnh, với quy mô hơn 800 đầu lợn nái, các biện pháp an toàn dịch bệnh được triển khai đồng bộ. Hầu hết các khâu đều tự động hóa, có các phân khu chức năng và đặc biệt là cách ly gần như tuyệt đối với môi trường bên ngoài, chỉ một mầm bệnh là hàng chục tỷ đồng có nguy cơ mất trắng.
Không chỉ những trang trại, gia trại lớn mà ngay cả trong chăn nuôi nông hộ, xu hướng an toàn hiện nay cũng rất được coi trọng. Anh Hoàng Văn Dong, thôn Nà Chuông II, thành phố Lạng Sơn cho biết: gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ với dăm chục con gà Sáu ngón thả đồi và 20 con gà Đông Tảo, thế nhưng ngoài các biện pháp tự phòng bệnh, muốn phát triển bền vững thì phải thường xuyên nhờ tư vấn của cán bộ thú y.
Đồng hành cùng nhà nông, từ đầu năm 2014 đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai khá nhiều các giải pháp để thúc đẩy chăn nuôi phát triển gắn liền với an toàn dịch bệnh. Điển hình là các mô hình chủ động giống gia cầm tại chỗ đang được triển khai hiệu quả tại Tràng Định và thành phố Lạng Sơn. Cùng với đó là các diễn đàn tư vấn phát triển chăn nuôi bền vững cũng được tổ chức, giúp định hướng phát triển cho nhà nông. Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay tỷ trọng ngành chăn nuôi đã chiếm khoảng 40% trong nội ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất của chăn nuôi xấp xỉ đạt con số 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu tăng giá trị ngành chăn nuôi lên 3,3 nghìn tỷ đồng. Ông Đoàn Mạnh Hải, Trưởng phòng Chăn nuôi phân tích: với điều kiện, mức sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu về thực phẩm được chế biến từ động vật sẽ tăng lên, đây là điều kiện tốt để chăn nuôi tiếp tục phát triển.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Thị Thanh Nhàn khẳng định: để chăn nuôi có thể phát triển bền vững, phải gắn với an toàn dịch bệnh. Trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục bám sát quy hoạch phát triển chăn nuôi, triển khai có hiệu quả các chính sách trong chăn nuôi mà tỉnh đã ban hành, ngành sẽ nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai một số chính sách của Trung ương về hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi… kết hợp với các giải pháp về thị trường, khuyến nông và khoa học công nghệ.
Thúc đẩy chăn nuôi phát triển, an toàn dịch bệnh cũng đồng nghĩa nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất, từng bước đẩy lùi tình trạng nhập lậu động vật và sản phẩm động vật từ bên kia biên giới, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()