Phát triển du lịch từ các sản phẩm nông nghiệp
Các loại rau đặc sản Xứ Lạng bày bán ở chợ Bờ sông Kỳ Cùng được nhiều du khách chọn mua |
Năm 2017 có thể coi là năm đánh dấu sự nỗ lực phát triển của du lịch Lạng Sơn gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Từ đây đã gợi mở hướng đi mới cho phát triển du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của địa phương và từng địa bàn.
Đáng chú ý nhất và không thể không kể đến các hoạt động được tổ chức thành công, tạo ấn tượng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm cơ hội đầu tư như: Ngày hội Na Chi Lăng; Hội thi hồng Vành Khuyên huyện Văn Lãng; Hội thi hồng không hạt Bảo Lâm huyện Cao Lộc lần thứ IV; sự kiện đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp – văn hóa du lịch huyện Bắc Sơn năm 2017…
Đặc biệt, trong năm 2017, tỉnh đã tổ chức rất thành công Ngày văn hóa – du lịch và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Lạng Sơn tại Hà Nội. Qua đó giới thiệu với bạn bè, du khách một cách đậm nét về không gian văn hóa đa sắc màu của Xứ Lạng cùng những tiềm năng du lịch, sản phẩm nông nghiệp truyền thống, đặc trưng; đặc sản ẩm thực… Có thể khẳng định: các sự kiện, hoạt động thiết thực được tổ chức kể trên là hướng đi mới và đúng đắn trong phát triển du lịch của tỉnh.
Thực tế cho thấy, hầu như mỗi huyện, thành phố của Lạng Sơn đều có những sản phẩm đặc trưng được du khách nhớ tới. Tiêu biểu như: na huyện Chi Lăng; hoa hồi huyện Văn Quan; quýt vàng huyện Bắc Sơn; hồng không hạt Bảo Lâm, huyện Cao Lộc; chè Đình Lập; cây thạch đen Tràng Định… Và còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp khác gắn với các làng nghề như: cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), cao khô chợ Bãi (Văn Quan), bánh khảo Tràng Định; các loại rau xanh đặc sản được trồng tại Tân Liên, Gia Cát (Cao Lộc); chanh rừng Mẫu Sơn (Lộc Bình)… Do đó, đây chính là một lợi thế để Lạng Sơn phát triển du lịch từ các sản phẩm nông nghiệp.
Dễ nhận thấy, xu hướng, nhu cầu sử dụng các sản phẩm du lịch của du khách đã có sự thay đổi rõ nét. Theo đó, du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường,… được lựa chọn, hướng đến nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Hà Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) đến tham quan, mua sắm tại chợ Đông Kinh và chợ Bờ sông Kỳ Cùng mua các loại rau đặc sản, cao khô về làm quà cho rằng: Nếu như du khách được đến các vườn trồng rau quả sạch hay làng nghề tham quan, rồi mua đặc sản về làm quà thì rất ý nghĩa. Tất nhiên, để làm được điều đó, trong hành trình, tua du lịch phải được xây dựng cụ thể để du khách có sự lựa chọn và chủ động…
Quả thật, nhu cầu thực tế của du khách trong tham quan, sử dụng các sản phẩm du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp rất khả quan. Điều này cũng đã được nhiều địa phương trong cả nước vận dụng thành công. Đối với Lạng Sơn, thời gian qua, bên cạnh điểm nhấn là các sự kiện, ngày hội được tổ chức thì các hoạt động khác cũng đã, đang tích cực được triển khai.
Theo đó, tiêu biểu như việc quyết định tổ chức Lễ hội Hoa đào Xứ Lạng thường niên cũng chính là một giải pháp cụ thể. Hay việc xây dựng các điểm đến du lịch như: thung lũng hoa Bắc Sơn, vườn quýt Hang Hú (Bắc Sơn) cũng rất hiệu quả. Đáng chú ý, trước tết Nguyên đán 2018, Bảo tàng tỉnh đã khai trương Phòng trưng bày dịch vụ bảo tàng để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc sản và phục vụ nhu cầu quà lưu niệm của du khách…
Anh Tạ Xuân Hùng (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đến Lạng Sơn dịp diễn ra Lễ hội Hoa đào cho biết: Qua đây tôi đã có dịp thưởng lãm vẻ đẹp rất đặc trưng của hoa đào Lạng Sơn. Những tết sau, nếu có điều kiện, tôi sẽ lựa chọn đào Xứ Lạng để trưng bày ngày tết… Để hưởng ứng, xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) cũng đã có cách làm thiết thực, đó là tổ chức Hội chợ Hoa đào xuân Mậu Tuất, vừa tạo thị trường tiêu thụ, vừa tạo điểm đến cho du khách. Theo bà Nông Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc, đây là lần đầu tổ chức hội chợ như này, xã sẽ đánh giá hiệu quả, tính lan tỏa để quyết định, xem xét tiến tới tổ chức thường niên…
Bà Trình Thị Luyến, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Trong định hướng hoạt động, hội luôn tuyên truyền, vận động hội viên tận dụng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, các mô hình VAC gắn với phát triển du lịch… Tin rằng, với những tiềm năng sẵn có, cùng với định hướng đúng đắn, kịp thời của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị và sự hưởng ứng của người dân, thời gian tới, du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp sẽ là một trong những thế mạnh của du lịch Lạng Sơn.
Ý kiến ()