Phát triển du lịch tàu biển quốc tế
Du lịch tàu biển quốc tế là loại hình du lịch sang trọng. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang có lợi thế để thu hút khách tàu biển. Tuy vậy, chúng ta vẫn còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cao cấp, khiến thị trường này chưa phát triển.
Thiếu dịch vụ
Ở Việt Nam, số lượng công ty đón đoàn khách tàu biển lớn… chỉ đếm được trên đầu ngón tay do không đáp ứng được tính chuyên nghiệp và yêu cầu rất cao của đối tác. Đối với những du thuyền lớn chở trên dưới 3.000 khách, việc cung ứng dịch vụ, huy động lực lượng hướng dẫn viên phục vụ không phải công ty du lịch nào cũng đáp ứng được. Du khách lại thuộc nhiều quốc tịch, nên nhiều công ty thiếu hẳn hướng dẫn viên biết tiếng Ý, Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Nga…
Nhiều khách tàu biển, thay vì chấp nhận di chuyển bằng xe buýt lớn 45 – 50 chỗ theo thông lệ, còn có nhu cầu đi bằng loại xe 4-7 chỗ thuộc các dòng xe cao cấp hoặc siêu sang, hoặc bỏ ngang không theo tiếp hành trình tour của tàu, đến TPHCM, lại “nổi hứng” muốn đi Campuchia hoặc một vài điểm khác ở các nước lân cận bằng máy bay, nếu hệ thống dịch vụ thiếu chuyên nghiệp và bao quát toàn khu vực thì không thể đáp ứng nổi yêu cầu đột xuất đó.
Ngoài việc thiếu nguồn nhân lực, phương tiện giao thông cao cấp thì hàng lưu niệm trong nước với quy mô bán buôn nhỏ lẻ, kém phong phú về chủng loại, hình thức và chất liệu độc đáo đã giảm đáng kể nhu cầu xài tiền của du khách. Đặc biệt, do chưa có cầu cảng chuyên dùng, bến tàu khách du lịch nên cũng cản trở thị trường khách du lịch tàu biển quốc tế phát triển tại nước ta.
Mơ về một cảng du lịch
Trong chiến lược phát triển du lịch đất nước giai đoạn 2010 – 2020, ngành du lịch VN đã chọn du lịch biển làm mũi nhọn, còn TPHCM cũng đang ưu tiên đầu tư cho du lịch thiên nhiên và du lịch đường sông phát triển. Lợi thế và mục tiêu đã được xác định, vì thế cần sớm xúc tiến việc quy hoạch xây dựng một cảng du lịch quốc tế và quốc nội đúng nghĩa.
Ngoài việc chúng ta cần gấp rút đào tạo và nâng chất nguồn nhân lực và các dịch vụ cao cấp… bên cạnh đó, cũng phải khẩn trương khắc phục những yếu kém về cơ sở hạ tầng cho việc kết nối, thông tuyến du lịch một cách thuận tiện, an toàn.
Một đất nước có “mặt tiền” biển hơn 3.200km và một thành phố bên sông như TPHCM, muốn phát triển du lịch sông, biển… bắt buộc phải có cảng cho tàu du lịch! Song, sớm muộn, ở vị trí nào và đảm bảo được lợi ích cho các bên rất cần một “cú hích” của chính quyền TPHCM trong vấn đề liên kết hài hòa giữa quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu vực trung tâm TP, nhu cầu chuyển đổi công năng một phần cảng Sài Gòn và nâng tầm quản lý cảng hành khách tàu biển cảng Sài Gòn lên chính quy, hiện đại và chuyên nghiệp hóa hoạt động khai thác.
Một cảng du lịch đúng nghĩa phải có chức năng hai trong một (quốc tế và quốc nội)… và được thiết kế sang trọng, bắt mắt để du khách vừa bước ra khỏi tàu là có được cảm giác hài lòng, thoải mái, có thể mua sắm, ngắm cảnh, tham quan, ăn uống, thư giãn… Cần một điểm khởi đầu thuận lợi và điểm trở về luyến tiếc, để du khách nhiều lần trở lại và vui vẻ, thoải mái xài tiền thì du lịch VN sẽ chuyển từ phần ngọn nhỏ bé sang “ăn” tận gốc rễ to lớn lợi nhuận béo bở của thị trường du lịch cao cấp. Chắc chắn giá trị gia tăng của ngành du lịch VN và TPHCM sẽ nhanh chóng tăng cao, đóng góp đáng kể cho kinh tế biển VN phát triển thịnh vượng. |
Ý kiến ()