Phát triển du lịch ở tỉnh vùng cao Hòa Bình
Chú trọng khai thác những lợi thế vốn có, thời gian qua, ngành du lịch ở tỉnh miền núi Hòa Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ; qua đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững…
Với lợi thế vùng lòng hồ có cảnh quan tự nhiên đẹp, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đang đẩy mạnh việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Bắt đầu với 4 mô hình du lịch cộng đồng ở xóm Ké, xã Hiền Lương và xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, đến nay Đà Bắc đã có 9 homestay hoạt động kinh doanh đón tiếp khách du lịch. Thông qua công tác tập huấn, bồi dưỡng đã giúp người dân nắm bắt được các kiến thức, nghiệp vụ về làm du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, đón khách, giới thiệu, thuyết minh… Huyện cũng định kỳ tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các điểm đã làm du lịch cộng đồng nhằm giúp bà con dần quen với cách làm du lịch cộng đồng, từ đó giúp có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế.
Cũng hướng vào khai thác những tiềm năng du lịch, thành phố Hòa Bình hiện có 8 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được công nhận, trong đó có 2 di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia, 6 di tích được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Đây là tiềm năng thuận lợi phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch di tích lịch sử văn hóa và lễ hội, là điều kiện quan trọng để phát triển thành phố Hòa Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Tây Bắc. Thành phố cũng chú trọng tạo điều kiện cho nhà đầu tư khai thác tiềm năng xây dựng các khu, điểm du lịch và phát triển các loại hình du lịch dịch vụ; xây dựng, phát triển sản phẩm mang tính đặc thù nhằm hấp dẫn thị trường khách du lịch. Nhờ vậy, lượng du khách và doanh thu từ du lịch của thành phố Hòa Bình đều tăng qua các năm. Năm năm 2018 vừa qua, thành phố Hòa Bình đã đón trên 710 nghìn lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2017, tổng doanh thu đạt 196 tỷ đồng, tăng 25,5% so với năm 2017.
Tìm hiểu được biết, huyện Đà Bắc và thành phố Hòa Bình chỉ là hai trong số rất nhiều địa phương ở tỉnh miền núi Hòa Bình đang phát triển có hiệu quả lĩnh vực du lịch. Trong đó, điểm chung của các địa phương là đều quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng lao động làm trong ngành du lịch được quan tâm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển, thu hút du khách trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hàng năm, số lượng lao động lĩnh vực du lịch của tỉnh Hòa Bình luôn có sự gia tăng, chất lượng, trình độ cũng được nâng lên. Theo thống kê, đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có hơn 3.100 lao động đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch; trong đó gần 300 người có trình độ đại học, trên đại học; trên 400 người có trình độ trung cấp, cao đẳng; hơn 1.000 người có trình độ sơ cấp và gần 1.500 lao động phổ thông… Từ sau khi Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình được phê duyệt quy hoạch, công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động làm du lịch đã ngày càng được các cấp, các ngành ở Hòa Bình quan tâm, mở nhiều lớp cho lao động trực tiếp, gián tiếp, cán bộ quản lý, hộ kinh doanh hoạt động du lịch…, từng bước nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu hoạt động nghiệp vụ.
Chỉ tính riêng trong 2 năm 2017 – 2018, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã phối hợp tổ chức gần 20 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho hơn 1.100 lượt học viên. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào các vấn đề như quản lý cơ sở lưu trú, nghiệp vụ du lịch, du lịch cộng đồng, kỹ năng phục vụ trên tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch và phát triển sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cũng được các địa phương và các doanh nghiệp, công ty lữ hành ở Hòa Bình quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đang có 407 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 5 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 2 sao, 9 khách sạn 1 sao, 233 nhà nghỉ và 142 nhà sàn. Theo bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, việc khai thác những lợi thế vốn có gắn với phát triển nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở lưu trú đã giúp ngành du lịch của tỉnh thu được những kết quả khả quan. Năm 2018, tỉnh Hòa Bình đã đón gần 2,7 triệu lượt khách (tăng 7,9% so với năm 2017). Trong đó, khách quốc tế đạt trên 320 nghìn lượt, khách nội địa đạt gần 2,4 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 845 tỷ đồng, thu nhập du lịch đạt hơn 1.500 tỷ đồng, bằng 103,9% kế hoạch giao.
Tuy nhiên, song song với những kết quả đã đạt được, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn một số tồn tại như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh; một số dự án đăng ký đầu tư về du lịch không triển khai, triển khai chậm không đúng tiến độ; công tác quản lý tàu thuyền trong phát triển du lịch lòng hồ còn nhiều bất cập…
Được biết, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2019 toàn tỉnh sẽ đón được trên 2,8 triệu lượt khách, tổng thu nhập từ du lịch đạt trên 1.900 tỷ đồng. Theo đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển du lịch; có kế hoạch đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch… Qua đó, tiếp tục tạo động lực để ngành du lịch phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()