Phát triển du lịch ở cửa ngõ Tây Nam Bộ: Xây dựng thương hiệu
Sản phẩm độc đáo, không bị trùng lắp, liên tục được hoàn thiện, đổi mới là điều kiện cần để thu hút du khách và từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch Long An.
Nằm ở cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ), thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đối với ngành du lịch, Long An có rất nhiều lợi thế để phát triển.
Song bên cạnh thuận lợi với vị trí “giao thoa” giữa miền Đông và Tây Nam Bộ, du lịch Long An gặp nhiều thách thức, đòi hỏi địa phương có những sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo nét riêng, không trùng lặp và có kế hoạch phát triển thật bài bản, hợp lý để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Đối với hoạt động du lịch, để tạo sức hấp dẫn riêng, điểm cốt yếu đầu tiên luôn là bài toán sản phẩm. Sản phẩm độc đáo, không bị trùng lắp, liên tục được hoàn thiện, đổi mới là điều kiện cần để thu hút du khách và từng bước tạo dựng thương hiệu.
Nắm bắt lợi thế của một địa phương thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười với hệ sinh thái ngập nước đa dạng, vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuyến sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây… là những điểm nhấn ngành Du lịch Long An tập trung khai thác, hoàn thiện sản phẩm trên nền tảng tài nguyên du lịch.
Sản phẩm mang tính cạnh tranh
Đề cập về phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch cho địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương, đặc biệt về tài nguyên du lịch để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh.
Tỉnh đẩy mạnh xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch với các nhóm có mức độ hấp dẫn khác nhau, phù hợp nhu cầu thị trường mục tiêu của du lịch Long An và có tính khả thi.
Hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch Long An, tỉnh xác định các giá trị thương hiệu được tạo lập dựa trên chính những nét đặc thù về tài nguyên du lịch cùng vị trí địa lý, đó là: Vùng sinh thái ngập nước Đồng Tháp Mười, các giá trị văn hóa, điểm vui chơi giải trí cuối tuần phục vụ chất lượng.
Cũng từ thế mạnh này, Long An xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành quan tâm đầu tư xây dựng thêm sản phẩm du lịch, phát triển đa dạng chương trình du lịch liên kết giữa các điểm đến, các địa phương.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Anh Dũng cho biết, sản phẩm du lịch sinh thái gắn với vùng Đồng Tháp Mười được coi là một trong những điểm nhấn đặc trưng của du lịch Long An.
Đơn cử, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen-khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam nằm trên địa bàn các xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng) hiện còn giữ nhiều nét tự nhiên, hoang sơ, ít chịu tác động của con người.
Với 4.802ha, là nơi sinh sống, trú ẩn của trên 300 loài thực vật hoang dã và động vật có xương sống, trong đó có tới 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Khu Bảo tồn là một trong những điểm đến tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch Long An.
Khu Du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa với phong cảnh sông nước hữu tình, những vạt hoa sen, hoa súng nở bừng trên dòng kênh, tuyến đường đan độc đáo xuyên rừng tràm, đặc sản ẩm thực theo mùa… đã trở thành điểm đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng mang lại nhiều dấu ấn cho du khách.
Cùng nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, Khu Du lịch Cánh đồng bất tận (thuộc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười) ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa lại mang đến cho du khách cảm giác thư giãn, thoải mái, phù hợp với những chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm kết hợp chăm sóc sức khỏe trong không gian mát lành, thanh khiết thoảng hương thơm của khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười Bùi Đắc Thắng, điểm nổi bật ở Khu Du lịch Cánh đồng bất tận là sản phẩm du lịch sinh thái. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đất ngập nước với những hệ động, thực vật phong phú, mỗi du khách đến đây như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực, tăng cường sức khỏe từ các hoạt động tổng hòa như tham quan, chứng kiến công đoạn chế biến dược phẩm, thưởng thức món ăn, nước uống được chế biến kết hợp với nguồn dược liệu phong phú của vùng Đồng Tháp Mười.
Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Khu Du lịch Cánh đồng bất tận đã sẵn sàng đón khách trở lại với điểm nhấn trong sản phẩm, dịch vụ là chú trọng giới thiệu, tạo điều kiện cho khách trải nghiệm không gian của “rừng cây thuốc” giữa Đồng Tháp Mười, tham gia chưng cất tinh dầu thảo dược, thưởng thức đặc sản mùa nước nổi.
Không chỉ có sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề cũng là nhóm sản phẩm có nhiều thế mạnh của du lịch Long An.
Với 121 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, nổi bật là Di tích lịch sử quốc gia Vàm Nhựt Tảo ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ – nơi ghi dấu sự kiện “hỏa hồng Nhựt Tảo” đốt tàu địch của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vào cuối thế kỷ XIX hay Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Tân Xuân ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành – thiết chế văn hóa gắn liền với lịch sử khai hoang, mở đất của người Việt trên mảnh đất Long An.
Các làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (thành phố Tân An), làng nghề làm bánh in truyền thống Long Hựu Tây, Long Hựu Đông (huyện Cần Đước), làng nghề dệt chiếu An Nhật Tân (huyện Tân Trụ)… cũng từng bước được thiết kế trong các chương trình tour hoặc du khách lẻ tìm đến tham quan, tìm hiểu.
Tạo giá trị gia tăng
Có sản phẩm du lịch đặc thù nhưng làm thế nào từ sản phẩm tạo được thương hiệu vững chắc cho du lịch địa phương, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng là điều các cấp, ngành liên quan của tỉnh Long An cũng như từng doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch lưu tâm.
Tạo ra ngày càng nhiều giá trị gia tăng qua từng sản phẩm, để mỗi lần đến du khách lại có thêm cảm nhận, khám phá mới, thời gian lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn đang là thử thách với du lịch ở vùng đất cửa ngõ Tây Nam Bộ này.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch, những năm gần đây, du lịch Long An tiếp tục được quan tâm đầu tư, có bước phát triển tích cực. Hình ảnh đất và người Long An ngày càng được biết đến, lượng du khách ngày càng tăng, chất lượng phục vụ tại các khu, điểm du lịch cũng nâng cao.
Tuy nhiên, du lịch Long An còn nhiều hạn chế, chưa phát triển xứng tầm, một trong những nguyên nhân là nhiều sản phẩm du lịch chưa được khai thác hết các giá trị đặc sắc.
Trong bối cảnh khó khăn chung của hoạt động du lịch do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, 10 tháng năm 2021, du khách đến Long An chỉ đạt 290.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Long An đặt chỉ tiêu năm 2022 đón khoảng 420.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế là 2.000 lượt.
Để đạt chỉ tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng địa phương đặt ra là tăng cường khai thác, làm nổi bật hơn các nét độc đáo của sản phẩm, điểm đến, phát triển thêm dịch vụ, đầu tư hơn trong việc khai thác, giới thiệu “lý lịch” sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến.
Theo ông Bùi Đắc Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, tại Khu Du lịch Cánh đồng bất tận, phát huy thế mạnh đội ngũ nhân viên của khu du lịch cũng đồng thời là những dược sĩ, đơn vị tập trung đầu tư công phu hơn các khâu thuyết minh, giúp du khách hiểu rõ giá trị, công dụng của từng loại thảo mộc, dược liệu ở Đồng Tháp Mười và hướng dẫn, tạo điều kiện để họ thực hành nhiều hơn công đoạn chiết xuất, tinh chế dược liệu.
Qua đó, du khách sẽ cảm nhận rõ nét về giá trị của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười đã gắn bó với người dân phương Nam từ thời khai hoang mở đất cho đến những năm tháng chống giặc ngoại xâm hay trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay.
Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Long An đã tổ chức thẩm định xếp hạng đối với một số sản phẩm như, tinh dầu tràm gió, tinh dầu tràm trà, nước rửa tay khô, được sản xuất bằng nguồn dược liệu Đồng Tháp Mười, tại Công ty Dược phẩm – dược liệu Mộc Hoa Tràm (Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười).
Qua đó, thúc đẩy đơn vị đầu tư nhiều hơn về khâu bao bì và hoàn thiện các “câu chuyện” cho sản phẩm để thể hiện rõ nét độc đáo được chắt lọc từ tinh túy nguồn thảo dược để giới thiệu đến du khách.
Nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch Long An tuy có nhiều sản phẩm nổi trội, song đa phần sản phẩm vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, chưa thực sự hoàn thiện.
Gợi mở về giải pháp hoàn thiện, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch, lấy ví dụ tại huyện Cần Đước, Tiến sỹ Ngô Thanh Loan (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Thạc sỹ Lê Hoàng Quốc Việt (Đại học Taylor’s – Malaysia) cho rằng với đặc trưng văn hóa trồng lúa nước, địa bàn nhiều sông rạch chằng chịt, trong quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương, các bậc tiền nhân đã để lại vùng đất này nhiều di sản giá trị văn hóa như: Nhà Trăm Cột hay di tích Đình Vạn Phước – nơi thờ linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tức Thầy Ba Đợi) – một trong những vị tổ của nghệ thuật cải lương Nam Bộ.
Cần Đước là nơi có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng như dệt chiếu, đóng ghe (mũi đỏ), chạm khắc gỗ, làm bánh phồng, đặc biệt là đặc sản gạo Nàng thơm chợ Đào hay lạp xưởng Cần Đước…
Cũng theo nhiều chuyên gia, với đa dạng tài nguyên du lịch để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm cần có sự kết nối nhiều hơn giữa các điểm đến hay phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực.
Đặc biệt, cần gắn giao thông đường thủy với phát triển du lịch trên cơ sở thế mạnh trước đây, các tuyến giao thông đường thủy nối Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Cần Đước từng được thương nhân chuyên chở, trao đổi hàng hóa đến Sài Gòn-Chợ Lớn.
Ngoài ra, các cơ sở bán đặc sản cần đầu tư nhiều hơn cho khâu giới thiệu về lịch sử ra đời, cách chế biến để làm nổi bật hơn sự khác biệt, thu hút du khách đến tham quan, mua sắm./.
Ý kiến ()