Phát triển du lịch ở Bình Dương chưa tương xứng tiềm năng
Trong những năm qua, dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, song du lịch du lịch Bình Dương vẫn khá mờ nhạt trên mọi phương diện.
Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kề cận Thành phố Hồ Chí Minh về hướng Bắc có mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong vùng.
Trong những năm qua, dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, song du lịch Bình Dương vẫn khá mờ nhạt trên mọi phương diện.
Vậy những “điểm nghẽn” nào cần khắc phục và những giải pháp cần thực hiện để ngành du lịch phát triển bền vững như định hướng của tỉnh đến năm 2020 đã xác định đến năm 2020 và giai đoạn sau đó ngành du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững, cân đối của nền kinh tế Bình Dương.
Trong không gian du lịch Việt Nam, Bình Dương được coi là địa phương nằm trong tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ, có khả năng kết nối với nhiều trung tâm du lịch quan trọng như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai hoặc các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí các địa phương khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ…
Đa dạng tiềm năng
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Khoa Hải, Bình Dương không phải là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, không có các vùng tự nhiên có giá trị cao phục vụ phát triển du lịch như các bãi biển hay các vùng khí hậu đặc trưng.
Song các hồ chứa trên địa bàn tỉnh như Hồ Dầu Tiếng , hồ Than Thở, Hồ Đá Bàn, hồ Phước Hòa… đều có thể được đầu tư để phát triển các khu nghỉ dưỡng khu vui chơi giải trí trên mặt nước.
Bên cạnh đó, hệ thống các sông như sông Sài Gòn, sông Bé, sông Đồng Nai, sông Thị Tính cũng như các kênh rạch góp phần tạo nên tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương nhờ hệ thống cảnh quan sông nước cùng miệt vườn cây trái xanh tốt.
Khu du lịch Đại Nam là điểm tham quan, vui chơi giải trí khá hấp dẫn với người dân dịp cuối tuần đáp ứng hàng ngàn lượt khách cùng lúc.
Trên địa bàn tỉnh có các vườn cây ăn trái nổi tiếng như vườn cây ăn trái Lái Thiêu (thị xã Thuận An), vườn cây ăn trái Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng), vườn bưởi Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên).
Các vườn cây ăn trái này đều có khả năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc các tour du lịch sông nước.
Trong đó, Lái Thiêu là địa danh được biết đến với vùng trồng cây ăn trái lâu đời, được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ với nhiều loại trái cây như sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ và nổi bật nhất là đặc sản măng cụt Lái Thiêu.
Một điểm nổi bật, Bình Dương có vị trí tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp cao. Đây chính là lợi thế để địa phương khai thác các nhu cầu về du lịch nghỉ cuối tuần, du lịch sinh thái vui chơi giải trí, du lịch mua sắm.
Một lợi thế nữa không thể không nhắc tới, Bình Dương là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư, do đó khách du lịch, doanh nhân đi du lịch. Đây chính là một đối tượng du khách quan trọng, là điều kiện thuận lợi để Bình Dương khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao cao cấp hoặc du lịch gắn với hội họp.
Bình Dương còn có tới 56 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng gồm 12 di tích cấp quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh, các làng nghề truyền thống như sơn mài, gốm sứ, mây tre đan.
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia chùa Hội Khánh chính là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến ở trong một thời gian. Di tích cấp quốc gia Nhà tù Phú Lợi là nơi các chiến sỹ cách mạng Việt Nam từng bị địch giam cầm, giờ đây đã trở thành một địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Kết quả chưa tương xứng
Theo Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, trong những năm gần đây, lượng du khách và doanh thu từ du lịch của Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, năm 2017, du lịch Bình Dương đón gần 4,6 triệu lượt du khách, đạt doanh thu 1.280 tỷ đồng. Năm 2018, Bình Dương đón trên 4,7 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 1.360 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 đơn vị hoạt động lữ hành quốc tế và 3 văn phòng đại diện. Toàn tỉnh có trên 550 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số trên 10.500 phòng, trong đó có khoảng 40 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao.
Hệ thống nhà hàng, cơ sở ăn uống có thể đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân và du khách với một số đặc sản địa phương như gỏi gà măng cụt, gà nướng sầu riêng, bánh bèo bì…
Tuy nhiên, cũng qua những số liệu này có thể nhận thấy, lượng du khách đến Bình Dương còn khiêm tốn. Chưa kể, với điều kiện cơ sở vật chất, các sản phẩm du lịch hiện có của Bình Dương chưa đủ tiềm lực để đón các đoàn khách lớn, đặc biệt là khách du lịch cao cấp và quốc tế.
Có một thực tế, du khách khi được giới thiệu đến Bình Dương đã… lắc đầu bởi họ chưa hiểu nhiều về sức hấp dẫn của các điểm đến ở vùng đất này.
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên một trường Trung học cơ sở ở Hà Nội, cho biết khi nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên đi du lịch một số địa phương phía Nam, sau khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, được giới thiệu đến Bình Dương, bản thân chị và nhiều thành viên trong đoàn thoạt tiên đều có cảm giác không hào hứng.
Chị Minh Tâm lý giải từ trước đến nay, nhắc đến du lịch Bình Dương , chị mới chỉ biết đến Khu du lịch Đại Nam, song theo chị khu du lịch này phù hợp nhiều hơn đối với đối tượng du khách là trẻ em đi cùng gia đình. Nêu một ví dụ này để thấy, với nhiều du khách, Bình Dương chưa phải là điểm đến hấp dẫn để họ có thể lựa chọn cho chuyến du lịch của mình.
Nhiều người cũng cho rằng hệ thống sản phẩm du lịch của Bình Dương chưa có giá trị thực sự nổi trội, chưa tạo thành chuỗi dịch vụ liên hoàn để tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch.
Giáo sư, tiến sỹ Trần Ngọc Thêm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong một cuộc hội thảo về du lịch Bình Dương từng cho rằng, một trong những điểm yếu của du lịch Bình Dương là các điểm đến còn nhỏ lẻ, phân tán, du khách sẽ phải di chuyển nhiều.
Có nhà nghiên cứu, chuyên gia còn phân tích, hằng năm tuy lượng khách đến Bình Dương có tăng nhưng thời gian lưu trú của khách lại ngắn, khoảng 94% khách tham quan có thời gian lưu trú dưới một ngày, chỉ có 6% du khách lưu trú trên một ngày (tập trung vào nhóm khách du lịch tôn giáo tín ngưỡng đến các chùa).
Nguồn khách du lịch tại các điểm di tích chủ yếu là người trong tỉnh. Khách ngoài tỉnh đến nhiều từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai…
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này do tại Bình Dương, nhiều khu du lịch sinh thái, công viên, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, chưa tạo được sự liên kết giữa các điểm di tích với các dịch vụ khác dẫn đến gây trở ngại trong việc “giữ chân” du khách./.
Ý kiến ()