Phát triển du lịch làng nghề trong bối cảnh mới
Rõ ràng, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, quan trọng hơn, du lịch làng nghề còn có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Những thông tin trên được khẳng định tại Hội thảo “Phát triển du lịch làng nghề – Thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng 10/11 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội chợ làng nghề Việt Nam 2017 do Trung tâm xúc tiến thương mại phối hợp Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu (Ảnh: HNV)
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch, trong đó có Việt Nam. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; đồng thời cũng là một phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng, miền, địa phương trên đất nước trong việc xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế.
TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia kiến nghị, việc phát triển du lịch làng nghề Việt Nam sao cho có hiệu quả vốn đã khó, vấn đề gìn giữ bản sắc, tinh hoa của mỗi làng nghề, giá trị của các di sản cũng như đảm bảo môi trường sống của cộng đồng các làng nghề còn khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, trong quá trình hoạch định phát triển du lịch làng nghề, một sự đảm bảo cân bằng hài hòa giữa các lợi ích kinh tế – văn hóa – xã hội sẽ là nguyên tắc căn bản để du lịch làng nghề Việt Nam có thể thành công trong tương lai.
“Có thể nói, việc tìm ra và ứng dụng hiệu quả các phương hướng, biện pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề ở nước ta là câu chuyện không hề đơn giản, ở đó nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên đi những vấn đề văn hóa – xã hội thì tất yếu dẫn đến nguy cơ làm mai một, thậm chí mất đi vốn di sản truyền thống của các cộng đồng làng nghề trong cả nước. Đây chính là bài toán khó cần sự chung tay giải quyết của chính quyền, các ban ngành hữu quan, cộng đồng làng nghề và toàn xã hội trong thời gian tới. Hy vọng, trong tương lai, du lịch làng nghề Việt Nam sẽ được nhận thức, quan tâm đầu tư đúng mức, đúng hướng, trở thành một trong những kênh quảng bá hữu hiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên hành trình không ngừng đổi mới để hội nhập và phát triển” – TS. Hương nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển của địa phương, ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hoạt động du lịch làng nghề còn là vấn đề mới mẻ không chỉ riêng đối với Thái Nguyên mà còn với một số địa phương khác. Tuy nhiên, với tiềm năng to lớn về du lịch nói chung và du lịch làng nghề nói riêng, chúng tôi tin rằng, sản phẩm nghề truyền thống của các làng nghề sẽ trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch đặc trưng của mỗi vùng miền, địa phương, gần gũi thân thiện với thiên nhiên môi trường.
Nhà báo Đỗ Quang Tuấn Hoàng, Phó Ban Nghiên cứu phát triển làng nghề, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chia sẻ về du lịch làng nghề, trong đó có nội dung du lịch cộng đồng, đó là phải khơi dậy được tiềm năng của cộng đồng, muốn hoạt động hiệu quả, bền vững, nó phải sử dụng vật liệu bản địa, tri thức bản địa, nhân lực bản địa; là hành động địa phương nhưng lại phải có tư duy toàn cầu./.
Ý kiến ()