Phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững
Phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống đang là hướng đi đầy triển vọng của du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và các vùng miền trong bối cảnh hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, với kho tàng tri thức nghề và văn hóa làng nghề đặc biệt phong phú, các làng nghề thủ công truyền thống đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá truyền thống văn minh – văn hiến Việt Nam của khách du lịch trong và ngoài nước.
Du lịch làng nghề – loại hình du lịch nhiều tiềm năng
Du lịch làng nghề được đánh giá là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao bởi lẽ làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa.
Nghề thủ công truyền thống Việt Nam với 11 nhóm nghề chính như nghề sơn mài, ngành nghề gốm sứ thủy tinh, nghề thêu ren, nghề dệt, nghề mây tre đan, nghề cói, nghề giấy thủ công, nghề tranh in khuôn gỗ, nghề chạm khắc đá, nghề gỗ, nghề kim khí đúc đồng, chạm bạc… tạo nên hơn 2000 làng nghề thủ công (đã được công nhận) phân bố suốt chiều dài đất nước.
Có thể kể đến các làng nghề nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng, làng tranh Đông Hồ, cốm làng Vòng, làng nghề tương Bần Yên Nhân, làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, làng lụa Vạn Phúc, các làng nghề sơn mài như Hạ Thái, Bối Khê, Sơn Đồng, Cát Đằng… Miền Trung cũng có hệ thống hàng trăm làng nghề, tiêu biểu như tranh làng Sình, làng gốm Thanh Hà, làng nghề chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên, làng mộc Kim Bồng, làng nghề nón Phú Cam, làng đúc đồng Phúc Kiều, làng dệt Mã Châu, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước… Ở phía Nam tự hào với các làng nghề thủ công như sơn mài Tương Bình Hiệp, các làng gốm Lái Thiêu, Tân Vạn, làng nghề điêu khắc đá Bửu Long, các làng nghề cây cảnh ở Bến Tre, An Giang…
Hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng như vậy cho thấy du lịch làng nghề sẽ là loại hình du lịch thế mạnh của Việt Nam. Đáng chú ý, thời gian vừa qua, loại hình du lịch làng nghề ở Việt Nam đã bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định. Đối với du khách, ngoài cảnh quan thiên nhiên, các làng nghề truyền thống Việt Nam còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng nghề lại gắn với một hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa.
Nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển du lịch làng nghề
Thực tế cho thấy, du lịch làng nghề ở nước ta cũng đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế, bước đầu thể hiện nỗ lực của các cơ quan quản lý cũng như các ban, ngành, địa phương sở hữu thế mạnh về loại hình du lịch đầy tiềm năng này. Tuy tiềm năng là to lớn nhưng du lịch làng nghề ở Việt Nam hiện vẫn chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có bởi tình trạng hoạt động còn mang tính tự phát, manh mún cùng nhiều bất cập trong vấn đề môi trường và cơ sở hạ tầng làng nghề.
Để khai thác, phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững – đảm bảo hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong thời gian tới, TS. Nguyễn Thị Lan Hương – Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, cần xem xét lại việc quy hoạch hệ thống làng nghề, đảm bảo môi trường làng nghề cũng như nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như chuyên nghiệp hóa trong thái độ tiếp đón du khách của dân cư trong khu vực làng nghề… Đặc biệt, xúc tiến quảng bá, giới thiệu các làng nghề và sản phẩm làng nghề của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, qua các triển lãm và đặc biệt là qua các kỳ festival du lịch.
Có thể thấy, trong bối cảnh du lịch làng nghề truyền thống đang ngày càng có sức hấp dẫn du khách và là xu hướng trong hành trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới thì việc Hiệp hội làng nghề Việt Nam quan tâm đến vấn đề phát triển loại hình du lịch này là hết sức cần thiết và đúng đắn. Rõ ràng, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội thì quan trọng hơn, du lịch làng nghề còn có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Việc tìm ra và ứng dụng hiệu quả các phương hướng, biện pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề ở nước ta là câu chuyện không hề đơn giản, ở đó nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên đi những vấn đề văn hóa – xã hội thì tất yếu dẫn đến nguy cơ làm mai một, thậm chí mất đi vốn di sản truyền thống của các cộng đồng làng nghề trong cả nước. Đây chính là bài toán khó cần sự chung tay giải quyết của chính quyền, các ban ngành hữu quan, cộng đồng làng nghề và toàn xã hội trong thời gian tới. Hy vọng, trong tương lai, du lịch làng nghề Việt Nam sẽ được nhận thức, quan tâm đầu tư đúng mức, đúng hướng, trở thành một trong những kênh quảng bá hữu hiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên hành trình không ngừng đổi mới để hội nhập và phát triển./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()