Phát triển du lịch làng nghề ở Bắc Ninh
Bắc Ninh là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống văn hóa và thường được xem là trung tâm của những lễ hội dân gian, nơi có hai di sản văn hóa của nhân loại: dân ca Quan họ Bắc Ninh và ca trù. Không những vậy, Bắc Ninh còn là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Đây là tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách và các hãng lữ hành.
Hầu hết các làng nghề ở Bắc Ninh có lịch sử phát triển lâu dài, thậm chí đã tìm thấy dấu tích làng nghề từ những thế kỷ trước công nguyên. Ở thiên niên kỷ sau công nguyên, đã hình thành những trung tâm làng nghề bao quanh thủ phủ Luy Lâu – Long Biên. Trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, nhất là thời Lý – Trần – Lê, nghề thủ công và các làng nghề phát triển rộng khắp. Làng nghề thủ công ở đây thật sự phong phú, đa dạng từ việc chế biến nông sản, thực phẩm làm các món ăn đặc sản, sản xuất các vật dụng gia đình, chế biến tạo công cụ sản xuất nông nghiệp, đến làm các mặt hàng mỹ nghệ, các sản phẩm phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt lễ hội, các sản phẩm nghệ thuật, làm các nghề xây dựng nhà cửa, đình, chùa, đền miếu…
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh vẫn còn 62 làng nghề thủ công, trong đó có 31 làng nghề thủ công truyền thống. Trong số đó, hiện có 28 làng nghề phát triển ổn định với 25 làng nghề truyền thống. Lượng khách du lịch đến tham quan các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng từ 20 đến 25 nghìn lượt khách mỗi năm, chiếm tỷ lệ 11% đến 14% khách du lịch đến Bắc Ninh. Một số làng nghề bước đầu đã thu hút được khách như Gốm Phù Lãng, Tranh Đông Hồ, Gỗ Đồng Kỵ, làng Quan họ cổ Diềm… Bên cạnh việc được chiêm ngưỡng và tự tay tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm truyền thống, du khách còn đồng thời được khám phá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc luôn gắn liền với lịch sử phát triển của sản phẩm làng nghề. Các di tích lịch sử văn hóa làng nghề đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo, nhiều di tích tiêu biểu như đình, chùa, đền, nhà thờ tổ sư đã được Nhà nước cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh như: lăng mộ tổ sư nghề đồng Nguyễn Công Truyền ở Đại Bái, lăng mộ và đền thờ tổ sư nghề đúc đồng Nguyễn Công Nghệ ở Quảng Bố, đình chùa làng Đồng Kỵ, đình đền làng Trang Liệt, đền thờ Thái bảo Quận công Trần Đức Huệ ở Đa Hội, đình chùa làng Phù Lưu, đình Đình Bảng, đền Đô, đình làng Dương Ổ… Lễ hội ở các làng nghề truyền thống cũng được khôi phục và duy trì với nhiều nghi thức trang nghiêm với các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng của các làng nghề truyền thống như: lễ hội làng nghề Đại Bái, lễ hội làng nghề Đồng Kỵ, lễ hội đền Đô – Đình Bảng, lễ hội làng Đống Cao, làng Châm Khê…
Tuy nhiên việc phát triển du lịch làng nghề ở Bắc Ninh còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, để khắc phục và thúc đẩy tốc độ trăng trưởng du lịch làng nghề trong thời gian tới, du lịch Bắc Ninh đang hướng vào triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó tiếp tục hoàn thiện quy hoạch hệ thống các làng nghề phục vụ du lịch và đẩy mạnh đầu tư nhằm hoàn thiện đồng bộ để hình thành ở mỗi làng nghề là một điểm đến. Trong đó, ưu tiên cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho làng nghề gắn với chương trình văn hóa nông thôn mới, tập trung vào hệ thống công trình giao thông đi lại trong từng làng nghề… Quá trình đầu tư có tính đến sự phù hợp của hệ thống đối với cảnh quan tự nhiên của các làng nghề nhằm thu hút khách du lịch.
Nâng cao hoạt động của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch. Lựa chọn một số làng nghề đang thu hút khách để định hướng đầu tư các dịch vụ du lịch, hình thành nên các phòng trưng bày (hay bảo tàng làng nghề) các trạm thông tin và hướng dẫn du lịch. Ưu tiên việc đầu tư các thiết chế văn hóa thể thao để duy trì và tăng cường các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng làng nghề phục vụ khách. Tích cực tuyên truyền văn hóa du lịch tới từng hộ dân để từng bước đẩy mạnh hoạt động du lịch cộng đồng tại làng nghề, hướng đến tự các làng nghề tổ chức và điều hành các hoạt động du lịch. Tiếp tục đầu tư vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để trùng tu, tôn tạo các di tích gắn với lịch sử làng nghề. Phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống như các phong tục, tập quán riêng có của từng làng nghề chẳng hạn: tục chọn giờ để đốt lò ở làng Đại Bái, hoặc lệ ăn Tết cùng vào ngày 30 tháng Giêng. Hay tục lễ đốt lò ở làng gốm Phù Lãng, tục lệ trình nghề vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán ở làng Đại Mão. Phục hồi và duy trì các hình thức sinh hoạt văn nghệ như đội tuồng của các làng nghề Đồng Kỵ, Đa Hội, hát Quan họ ở Nội Duệ, Lũng Giang, Tam Khê…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch làng nghề như tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. Giới thiệu thông tin chi tiết về các sản phẩm làng nghề trên các tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng, các sách báo, ấn phẩm mà khách du lịch thường quan tâm theo dõi. Đẩy mạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các thành phố, đô thị lớn là nơi tập trung nhiều du khách. Các cửa hàng trưng bày này có thể kết hợp giới thiệu về những truyền tích, giai thoại về các vị tổ sư, những người thợ cùng với kinh nghiệm kết tinh trí tuệ nét đẹp văn hóa của những làng nghề.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ du lịch tại chỗ theo hai hướng: hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại làng nghề; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích những nghệ nhân này trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình hướng dẫn sản xuất sản phẩm cho các du khách.
Đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị nghệ thuật, phù hợp với thị hiếu của du khách. Hầu hết du khách khi đi du lịch ít khi mua các sản phẩm có kích thước và trọng lượng lớn. Họ thường có xu hướng mua các sản phẩm vừa và nhỏ, độc đáo, lạ mắt, có giá trị nghệ thuật để làm đồ lưu niệm hoặc làm quà cho người thân. Các làng nghề cần tìm hiểu nắm bắt được nhu cầu này của khách du lịch để tạo ra các sản phẩm phù hợp. Đối với một số làng nghề, khi khách du lịch tới tham quan các cơ sở sản xuất có thể hướng dẫn họ tự làm một số sản phẩm đơn giản. Du khách thường tìm hiểu quy trình sản xuất, cách làm và đặc biệt thích tự tay mình làm được một sản phẩm nào đó dù rất đơn giản dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân hay những người thợ ở đây. Khi đó những trải nghiệm mà du khách có được sẽ càng có giá trị và ấn tượng mạnh mẽ về chuyến đi. Nó cũng sẽ tạo nên sự khác biệt, điểm nhấn độc đáo của chuyến tham quan.
Liên kết xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch của tỉnh và các địa phương khác để xây dựng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin và có nguồn khách ổn định. Các đơn vị kinh doanh lữ hành cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước tổ chức tốt các tua du lịch làng nghề để thông qua du khách có thể quảng bá sản phẩm bằng hình thức truyền miệng từ người này sang người khác.
Trong bối cảnh như hiện nay, phát triển du lịch làng nghề cần được quan tâm và chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương mới có thể tạo nên bước đột phá mới cho du lịch làng nghề.
Ý kiến ()