Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc
LSO-Những năm gần đây, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Một buổi sinh hoạt của đội văn nghệ du lịch cộng đồng xã Bắc Quỳnh
Xã Bắc Quỳnh cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 2 km, có 98% đồng bào là người dân tộc Tày. Người Tày nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống như: những ngôi nhà sàn cổ, các làn điệu hát ví, then, múa chầu,… đặc biệt là các lễ hội, trò chơi dân gian cùng văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Từ những yếu tố thuận lợi trên, năm 2010, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Du lịch phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Sơn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại xã Bắc Quỳnh (xã Quỳnh Sơn cũ).
Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: Chúng tôi xác định việc phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, từ năm 2013 xã (xã Quỳnh Sơn cũ) đã thành lập Đội văn nghệ du lịch cộng đồng với 30 thành viên. Hằng năm, UBND xã phối hợp mở lớp dạy đàn tính, hát then, hát ví, hát sli, múa chầu… cho những người yêu thích, để qua đó vừa gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vừa để biểu diễn phục vụ khi du khách có nhu cầu. Đặc biệt, trong năm 2020, nhằm thu hút khách du lịch, chính quyền xã phối hợp triển khai hoạt động nghiên cứu, khôi phục điệu múa “Tiên” và “Múa tán đàn”, đây là những điệu múa cổ mang những nét bản sắc văn hóa độc đáo chỉ có ở Bắc Quỳnh.
Song song với đó, xã thường xuyên khuyến khích người dân bảo tồn và phát triển những món ăn truyền thống như: bánh chưng đen, lạp xưởng, thịt nướng ống tre, bánh dày ngải… để du khách thực hành, trải nghiệm. Ông Dương Công Vấn, thôn Đon Riệc 2, xã Bắc Quỳnh cho biết: Bà con trong thôn tôi ai cũng tích cực giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Trong tháng 5 và tháng 6/2020, gia đình tôi đã đón trên 50 lượt khách, họ rất thích thú với những món ăn truyền thống. Có nhiều đoàn khách đã đặt cả trăm chiếc bánh chưng đen và hàng chục cân lạp xưởng để làm quà khi ra về”.
Ngoài ra, xã cũng quan tâm phát huy các giá trị văn hóa vật thể trên địa bàn, điển hình như năm 2019, xã đã vận động người dân tu bổ di tích chùa Quỳnh Sơn với số tiền 200 triệu đồng. Đồng thời, tăng cường bảo tồn và phát huy nghề làm ngói âm dương tại thôn Tân Sơn, góp phần giải quyết việc làm cho 30 hộ gia đình trên địa bàn với thu nhập bình quân từ 100 đến 200 triệu đồng/hộ/năm. Đây cũng là điểm du lịch trải nghiệm kết nối với điểm du lịch cộng đồng của xã.
Thực tế cho thấy, việc gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang tạo đà cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của du lịch xã Bắc Quỳnh. Từ 5 gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, đến nay, xã đã có 8 hộ thực hiện đón tiếp khách và có trên 30 hộ gia đình đủ điều kiện và tiêu chuẩn để đón khách du lịch tham quan, lưu trú tạo thêm thu nhập bình quân 60 đến 100 triệu đồng/hộ/năm.
Có thể thấy, Bắc Quỳnh đã từng bước khẳng định được thương hiệu du lịch cộng đồng của mình. Từ việc chỉ thu hút 2.000 lượt khách năm 2016, năm 2019 Bắc Quỳnh đã thu hút gần 5.000 lượt khách. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid – 19, tuy nhiên từ khi dịch cơ bản được khống chế đến nay, Bắc Quỳnh đã đón gần 500 lượt du khách.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã, sự đồng lòng của người dân, tin rằng thời gian tới, làng du lịch cộng đồng tại xã Bắc Quỳnh sẽ tiếp tục phát triển và là điểm dừng chân lý tưởng của du khách bốn phương.
Ý kiến ()