Thứ 2, 25/11/2024 14:26 [(GMT +7)]
Phát triển du lịch cộng đồng và vấn đề nhân lực
Thứ 3, 29/03/2011 | 09:08:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Du lịch cộng đồng là loại hình ra đời từ nhu cầu thực tế của du khách. Nó đáp ứng được sự đa dạng của các hình thức du lịch (DL), trong đó, có hình thức DL tự túc, khám phá, trải nghiệm thực tế. Với những địa phương có lợi thế về địa lý địa hình, tiềm năng văn hóa cộng đồng, vốn di sản văn hóa các dân tộc và nếu được khai thác, phát huy tốt thì thực sự là một thế mạnh.
Lễ hội dân gian truyền thống là một tài nguyên văn hóa ý nghĩa phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng |
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết, luôn ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Theo đó, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc nên đã tạo nên diện mạo văn hóa Xứ Lạng phong phú và đa dạng. Mặt khác, trên địa bàn còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng gần xa, đã đi vào thơ ca. Đáng nói hơn, số lượng di sản của tỉnh lại được phân bố rộng khắp nên nhìn chung các địa bàn đều có những lợi thế để phát triển loại hình. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là những địa bàn như: huyện Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình,… Đây thực sự là những lợi thế để DL cộng đồng của Lạng Sơn phát triển.
Thực tế cho thấy, việc phát triển DL cộng đồng hiện nay đã có những bước khởi đầu tốt đẹp, hứa hẹn những triển vọng. Nhiều du khách đã phần nào biết đến DL cộng đồng ở xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), tua DL làng bản ở Mẫu Sơn… Song, từ đây cũng đã đặt ra một vấn đề rất mấu chốt cần quan tâm là yếu tố nhân lực. Có thể nói, nhân lực là bài toán cho nhiều ngành nghề chứ không riêng gì cho phát triển DL. Tuy nhiên, đối với DL cộng đồng thì, yếu tố nhân lực được đặt ra rất rõ và càng có ý nghĩa hơn. Chỉ đơn cử, khi du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại một làng bản nào đó mà muốn tìm hiểu và được nghe giới thiệu về phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương, dân tộc thì cũng không có nhiều người có thể giới thiệu được một cách tổng thể, bài bản, mạch lạc. Mà đây lại là yếu tố cốt lõi làm nên nét đặc sắc, hấp dẫn của loại hình. Phải khẳng định rằng, khi du khách đến DL, trải nghiệm, được nghe giới thiệu từ nếp ăn, mặc, rồi các ngày lễ tết trong năm, những câu chuyện dân gian cho đến cách bài trí trong mỗi căn nhà truyền thống… thì không du khách nào là không cảm thấy thích thú. Vì qua mỗi lần như thế, mọi người sẽ tăng thêm vốn tri thức, hiểu biết của mình lên rất nhiều. Trong khi đó, hiện người dân giới thiệu cho du khách chủ yếu vẫn theo kiểu tự phát là chính; hỏi nếu biết thì trả lời, giải đáp, không biết thì thôi… Chính đó, thời gian qua loại hình vẫn chưa có sự bứt phá thực sự là thế. Đi tìm nguyên nhân để lý giải, có thể kể ra mấy nguyên do như: hiện tại các xã, thị trấn đều có cán bộ văn hóa – xã hội, song do nhiều việc đến tay nên mảng văn hóa cũng bị hạn chế ít nhiều. Nếu xét kỹ ra, người cán bộ văn hóa cơ sở chính là một yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy văn hóa cơ sở phát triển cũng như phát triển DL cộng đồng tại mỗi địa phương. Vẫn biết rằng, hàng năm, các nhà quản lý, làm DL vẫn có các kế hoạch, chương trình tập huấn cho người dân tại các địa bàn có tiềm năng, lợi thế để phát triển DL và xem đây là những hạt nhân để nhân rộng phong cách toàn dân làm DL trong toàn cộng đồng, song không thể lúc nào chúng ta cũng tổ chức tập huấn, đào tạo được. Do vậy, về lâu dài, để đông đảo người dân tại các làng bản, địa phương có những kỹ năng thật tốt trong xây dựng hình ảnh, quảng bá, giới thiệu, rồi làm tốt các khâu trong hoạt động phục vụ du khách như: đón tiếp, dịch vụ ăn, uống, nghỉ dưỡng, bố trí các hình thức cho du khách khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương…. thì quan trọng nhất vẫn phải là làm sao nâng cao được ý thức của người dân trong việc quan tâm phát huy lợi thế văn hóa, đặc điểm địa lý của địa phương để phát triển DL, kết hợp hài hòa giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển bền vững. Muốn vậy, trong đời sống hàng ngày tại các địa bàn cơ sở phải thường xuyên có cán bộ văn hóa, DL chuyên trách nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của những người dân làm DL để biết được họ cần trang bị, hướng dẫn kỹ năng, cách thức, kiến thức gì, cũng như cần phát huy yếu tố nào là chủ đạo trong loại hình. Được như vậy, chắc chắn nhân lực cho DL cộng đồng phát triển sẽ từng bước được nâng lên về mặt số lượng và chất lượng.
Có thể nói, các loại hình DL thân thiện, gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, gắn với lợi ích cộng đồng dân cư, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân gắn với giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đã và đang được tỉnh quan tâm sâu sắc. Theo đó, với việc quan tâm phát triển nhân lực một cách đúng mức thì tin rằng, thời gian tới, nó sẽ góp phần vào sự phát triển của DL Lạng Sơn bảo đảm với tốc độ nhanh và bền vững một cách thiết thực.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()